Một ngày có 9 trẻ em bị đuối nước Thông tin trên được Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Hồng Lan đưa ra tại cuộc họp báo Tháng hành động vì trẻ em năm 2016 “Vì cuộc sống an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em”, hôm nay 25/5. Thống kê của Bộ Y tế, trong giai đoạn 2010 - 2014, ở Việt Nam trung bình mỗi ngày có 580 trẻ em bị TNTT các loại như tai nạn giao thông, đuối nước, ngã, điện giật, bỏng… Còn, theo ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục Bảo vệ Chăm sóc trẻ em, Bộ LĐTB&XH: “Trung bình một ngày có khoảng 9 trẻ em bị tử vong do đuối nước”. Việt Nam có nhiều nỗ lực phòng, chống TNTT trẻ em trong thời gian qua. Tuy vậy, vẫn còn nhiều địa phương chưa coi trọng việc phòng ngừa TNTT cho trẻ em trong khi môi trường sống và môi trường xã hội tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây TNTT. Nhiều gia đình vẫn chưa nhận thức đầy đủ và chưa trang bị kỹ năng phòng ngừa TNTT cho trẻ em dẫn đến những trường hợp tử vong không đáng có. Nhiều nơi nguy hiểm, có nguy cơ gây TNTT cho trẻ em trong đó có đuối nước nhưng lại không có biển cảnh báo hoặc làm chiếu lệ.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet) |
Tình trạng học sinh (HS) chết đuối liên tiếp xảy ra ở nhiều địa phương trên cả nước. Chỉ trong 10 ngày đầu tháng 5, những vụ đuối nước thương tâm gây tử vong nhiều HS. Điển hình vụ 3 HS lớp 1 chết đuối dưới kênh ngày 6/5 tại tỉnh Long An; 4 nữ sinh lớp 7 đuối nước tử vong ngày 4/5 tại tỉnh Khánh Hòa, 3 HS rủ nhau đi chơi bị đuối nước ngày 6/5 tại tỉnh Long An, 3 HS lớp 11 tử vong khi tắm biển ngày 8/5 tại tỉnh Nam Định… Khó khăn lớn nhất là xây dựng bể bơi "Chúng ta không thể biến ưu thế của một đất nước có nhiều sông nước trở thành yếu thế. Tại sao chúng ta không biến ưu thế thành nơi tiềm năng rèn luyện thể thao cho các em, để có những tài năng như kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên?", ông Hoa Nam trăn trở. Vì cuộc sống an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em, theo ông Hoa Nam có 3 việc quan trọng cần phải làm lúc này là các cơ quan liên quan phối hợp với nhau để đưa ra những mô hình định mức xây dựng bể bơi cho trẻ em. Khuyến khích các DN có trách nhiệm xã hội đầu tư một phần cho việc dạy bơi cho trẻ em. Bộ VHTT&DL và Tổng cục Thể dục thể thao Việt Nam cần dành thời gian và cơ sở thích đáng cho HS học bơi, đặc biệt là trẻ em gia đình nghèo cần có chính sách ưu tiên miễn giảm. Trả lời báo chí về công tác dạy bơi cho HS trong trường học, ông Dương Văn Bá - Phó Vụ trưởng Vụ Công tác Học sinh - Sinh viên, Bộ GD&ĐT cho hay: “Bộ GD&ĐT chỉ đạo quyết liệt việc dạy bơi cho trẻ em trong trường học đặc biệt là bậc tiểu học và THCS. Nhân lực dạy bơi cho các em, Bộ GD&ĐT không thiếu; nội dung dạy bơi và học bơi đã được đưa vào chương trình Giáo dục thể chất. Tuy nhiên khó khăn lớn nhất của ngành GD&ĐT là cơ sở vật chất phục vụ cho việc dạy bơi”. Theo ông Văn Bá, cách đây 5 - 6 năm Bộ GD&ĐT đã xây dựng đề án dạy bơi trình Chính phủ nhưng không được phê duyệt bởi việc đầu tư cơ sở dạy bơi trong các trường học rất khó khăn và kinh phí đội lên rất lớn. Khắc phục tình trạng này, Bộ GD&ĐT đề ra nhiều giải pháp. Năm 2014 -2015, Bộ GD&ĐT phối hợp với Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) phát triển hệ thống bể bơi mini trong các nhà trường. BIDV hứa đầu tư cho ngành giáo dục 3 tỉ đồng để xây dựng 7 bể bơi ở một số địa bàn rất khó khăn. Hiện nay chúng tôi đang đi tìm nguồn hỗ trợ đầu tư xây dựng bể bơi bằng hình thức xã hội hóa. Trao đổi về việc xây dựng bể bơi, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Hồng Lan mong muốn các địa phương rà soát tình hình để đầu tư cho phù hợp. Để dạy được bơi cho HS, chúng ta phải kết hợp nhiều giải pháp chứ không thể đồng loạt đầu tư xây bể bơi rất lãng phí. Nơi nào đã có bể bơi, chúng ta tổ chức các lớp học bơi có hỗ trợ kinh phí cho HS. Những vùng không có điều kiện thì đào những hố và trải tấm lót ở dưới, đổ nước lên trên để dạy bơi. Những vùng ven sông có thể quay lưới làm làm rào chắn tổ chức học bơi.