Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Học sinh cuối cấp bước vào hàng loạt kỳ thi ngay sau nghỉ Tết

Nam Du
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Với học sinh cuối cấp (lớp 5, lớp 9, lớp 12), ngoài ý nghĩa về sự đoàn viên, sum họp hay nghỉ ngơi, Tết còn là dấu mốc chuẩn bị bước vào các kỳ thi quan trọng. Thậm chí với không ít học sinh, các kỳ thi đến ngay sau kỳ nghỉ Tết.

Tết chưa hết đã tính đi thi

Nguyễn Hà Anh, học sinh lớp 12, trú tại quận Cầu Giấy, Hà Nội chia sẻ: “Năm nay, em xác định từ đầu là Tết vẫn làm bạn với sách tiếng Anh. Suốt từ 30 đến mùng 4 Tết, em chỉ dành 1 ngày về quê nội cùng bố mẹ, còn lại thì ở nhà trông nhà và học xuyên Tết bởi ngay 16/2 (tức mùng 7 Tết), em sẽ dự thi IELTS.

Học sinh cuối cấp chuẩn bị bước vào các kỳ thi quan trọng
Học sinh cuối cấp chuẩn bị bước vào các kỳ thi quan trọng

Em kỳ vọng kỳ thi này sẽ mang lại số điểm mong muốn là 7.5. Ở lớp em có hơn 10 bạn đã thi và sở hữu chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế ngay từ kỳ 1 nhưng vì muốn có thêm thời gian ôn luyện nên em đăng ký đợt sau. Nếu điểm IELTS đạt được đúng mục tiêu đề ra, em sẽ đăng ký xét tuyển vào một số trường đại học khối ngành kinh tế, ngoại giao mà không cần chờ đợi đến kỳ thi tốt nghiệp THPT”.

Với Nguyễn Nhật Hoa, sau nghỉ Tết khoảng chục ngày, em sẽ bước vào một kỳ thi khá hot, đó là kỳ thi học bổng tại Trường THCS & THPT Newton – nơi em vừa trúng tuyển vào lớp 10 năm học 2024 – 2025 thông qua kỳ thi đánh giá năng lực đợt 1.

“Em đăng ký tham dự kỳ thi học bổng đầu tiên năm 2024 do trường tổ chức. Em được biết, trường có chính sách học bổng rất hấp dẫn như 100%, 70%, 50%, 30%, 10%.... Với em, kỳ thi học bổng này có ý nghĩa lớn vì nếu làm bài tốt, đạt mức học bổng cao thì em sẽ đỡ được nhiều chi phí học tập và đó là cách thức đơn giản nhất để giảm áp lực kinh tế cho bố mẹ....”, Nhật Hoa cho biết.

Cũng trong guồng thi cử, nhiều học sinh tham dự các kỳ thi vào lớp 1, lớp 6, lớp 10 trường tư thục, thi thử trường THPT chuyên hoặc các đợt thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy được tổ chức trong tháng 3/2024 cũng chuẩn bị tinh thần sẵn sàng bước vào các kỳ thi.

Còn em Nguyễn Anh Tuấn, lớp 12 Trường THPT Xuân Mai, huyện Chương Mỹ cho biết, em có kế hoạch thi đánh giá năng lực của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội và đang đếm ngược thời gian để đăng ký dự thi. Em đã đặt lịch trên điện thoại để ngày 1/3, ngay khi cổng đăng ký mở, em sẽ đăng ký dự thi trực tuyến theo hướng dẫn. Hiện em đã học xong các phần kiến thức và khá tự tin với định hướng ôn tập của mình.

Chủ động ôn tập, cập nhật thông tin

Bên cạnh những học sinh bước vào kỳ thi ngay sau nghỉ Tết, nhiều học sinh dù chưa đăng ký nhưng dự định sẽ tham dự một số kỳ thi để phục vụ nhiều mục tiêu khác nhau.

Thông tin từ ban tuyển sinh các nhà trường cho biết, thí sinh có nhu cầu hoặc mong muốn dự thi cần theo dõi chặt chẽ và thường xuyên cập nhật thông tin về các kỳ thi được công bố trên website/fanpage chính thức của trường bởi kỳ thi nào cũng có thời hạn đăng ký nhất định; tránh trường hợp chủ quan không cập nhật dẫn đến hết thời hạn đăng ký và vuột mất cơ hội thi theo đúng kế hoạch trước đó đề ra.

Học sinh tham dự kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội
Học sinh tham dự kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội

Câu chuyện chị Nguyễn Hoa Linh, trú tại quận Bắc Từ Liêm chia sẻ là một ví dụ. Khi biết thông tin thi thử đợt 1 năm 2024 của Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên và THPT chuyên Ngoại ngữ, chị đã giục con gái đăng ký nhưng con chị nói vẫn còn nhiều thời gian nên trì hoãn. Sát ngày thi, hai mẹ con giật mình nhớ ra thì cổng đăng ký đã đóng lại nên lịch thi thử của con gái đành chuyển qua đăng ký đợt 2.

Một vấn đề lưu ý với các học sinh, đó là các em cần có định hướng và lộ trình ôn tập kiên trì, kiên định, ôn tập theo đề thi tham khảo của các trường và không nên ôn thi tại lò luyện hay các kỳ luyện thi cấp tốc.

PGS.TS Nguyễn Phong Điền, Phó Giám đốc ĐH Bách khoa Hà Nội cho hay: Bài thi đánh giá tư duy của ĐH Bách khoa Hà Nội gồm 3 phần: Tư duy toán học, tư duy đọc hiểu và tư duy khoa học/giải quyết vấn đề; trong đó nội dung các phần thi không đi sâu vào kiểm tra kiến thức các môn học mà tập trung vào đánh giá năng lực tư duy riêng biệt. Kỳ thi được tổ chức bài bản với mục tiêu tìm kiếm các thí sinh có khả năng tư duy tốt, được rèn luyện và trau dồi trong quá trình học tập; do đó không khuyến khích học sinh học tủ, học lệch hay ôn luyện thông qua các lò luyện thi truyền thống.

Theo GS.TS Nguyễn Tiến Thảo, Giám đốc Trung tâm khảo thí, ĐH Quốc gia Hà Nội, bài thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội không phải là bài kiểm tra kiến thức đơn thuần mà là đánh giá năng lực người học sau khi tốt nghiệp chương trình THPT theo những nhóm năng lực xác định. Nếu đã xác định thi, thí sinh nên làm đề thi tham khảo để thấy mình cần tự luyện tập bổ sung những gì. Câu hỏi thi đánh giá năng lực hướng tới từ cơ bản đến hiểu, vận dụng thấp đến cao vì vậy các thí sinh sẽ khởi điểm giống nhau và năng lực, khả năng tư duy của thí sinh sẽ quyết định điểm bài thi. Thí sinh không nên tham gia ôn thi tại lò luyện hay các trung tâm vì việc đó không mang lại kết quả gì cho thí sinh.

Tương tự với kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Sư phạm Hà Nội, lãnh đạo nhà trường khẳng định, đề thi minh họa năm 2024 đã được công bố. Mỗi học sinh cần nắm chắc kiến thức trong chương trình giáo dục phổ thông và sự chỉ dạy của thầy cô, chú trọng mọi năng lực trong quá trình học tập, không học tủ, không học mẹo để chủ động khi làm bài thi.