Tận dụng thời gian để ôn thi
Thời điểm hiện tại, khối cuối cấp tại nhiều trường tiểu học, THCS, THPT trên địa bàn TP đã hoàn thành chương trình năm học 2022 - 2023. Do xét tốt nghiệp sớm, học sinh lớp 9, lớp 12 dành toàn bộ thời gian để ôn tập các môn thi vào lớp 10 hoặc kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Riêng với một số học sinh lớp 5 có nguyện vọng thi lớp 6 chất lượng cao (Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, THCS Thanh Xuân, THCS Cầu Giấy, THCS Nam Từ Liêm, THCS Lê Lợi…), nếu trường chưa thi xong học kỳ II, các em cũng tự sắp xếp và tranh thủ thời gian nghỉ lễ để ôn tập 3 môn Toán - Tiếng Việt - Tiếng Anh theo định hướng chất lượng cao.
Có con năm nay đặt mục tiêu thi vào lớp 6 Trường THCS Thanh Xuân, gia đình chị Nguyễn Thu Hà, quận Thanh Xuân quyết định ở nhà trong kỳ nghỉ lễ này.
“Nhà có 4 người, bố mẹ đưa ra kế hoạch về quê hay đi du lịch thì cậu cả chuẩn bị thi lớp 6 không đồng ý vì còn muốn ôn thi. Rủ thế nào cũng không được và càng không thể để con ở nhà một mình nên cả nhà quyết định ở lại Hà Nội để phục vụ việc ôn tập của con trai” - chị Hà cho biết.
Theo chị Hà, không phải đây là đợt đầu tiên cả gia đình hủy lịch nghỉ dưỡng, du lịch vì con mà cá nhân chị đã từ chối rất nhiều lịch vui chơi hay các đợt du lịch cùng công ty, nhóm bạn vì có đi đâu chị cũng không yên tâm khi con trai vất vả ôn tập. “Ở nhà nấu ăn và động viên con học, tôi cũng yên tâm hơn nhiều”- chị Hà nói.
Những ngày này, không khí căng thẳng của kỳ thi vào lớp 10 công lập năm học 2023 - 2024 tại Hà Nội “nóng” hơn bao giờ hết khi chỉ còn hơn 1 tháng nữa, kỳ thi sẽ chính thức diễn ra.
Theo anh Nguyễn Hải Long, quận Cầu Giấy, đợt nghỉ lễ kéo dài nhưng gia đình anh không mảy may nghĩ đến du lịch, nghỉ dưỡng vì năm nay, cả nhà tập trung vào cô con gái thứ 2 chuẩn bị thi lớp 10.
"Con gái vốn học lớp chọn, mục tiêu tự đặt ra khá cao, đó là vừa muốn đỗ trường THPT tốp 1 lại vừa muốn đỗ Trường THPT chuyên Ngoại ngữ. Dù con có lực học rất tốt nhưng bố mẹ luôn động viên con đừng quá áp lực. Đỗ trường nào không quá quan trọng vì môi trường nào thì bản thân mình vẫn là quan trọng nhất" - anh Long nói.
Trong chuyến về quê của đợt nghỉ lễ này, gia đình chị Phạm Thị Hoa, trú tại quận Hoàng Mai chia hai nửa. Một nửa là bố và con trai về quê, nửa còn lại là mẹ và con gái ở lại Hà Nội để con ôn luyện.
“Con gái chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT nên học cả ngày lẫn đêm, ngày nghỉ càng học nhiều vì con không phải đến lớp. Ở quê, bố mẹ chồng tôi ốm nên vợ chồng thống nhất để chồng và con trai về quê thăm ông. Cả nhà đều xác định rõ, muốn làm việc gì có đầy đủ thành viên thì phải đợi đến hết tháng 6 - khi kết thúc Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023” - chị Phạm Thị Hoa bộc bạch.
Sắp xếp thời gian học và chơi khoa học
Càng sát kỳ thi, tâm lý mỗi học sinh và cha mẹ càng sốt ruột. Ai cũng mong học được nhiều, bổ sung được nhiều kiến thức, nhất là phần kiến thức còn khuyết và chưa chắc chắn. Cùng với đó, các học sinh cũng nỗ lực “cày” bộ đề, đề thi thử, những mong ghi được điểm số cao trong kỳ thi chính thức.
Để tập trung ôn tập, có không ít học sinh nhốt mình trong 4 bức tường từ sáng đến đêm, bố mẹ gọi xuống ăn cơm cũng không muốn đứng dậy. Có phụ huynh đêm ngủ được… vài giấc vẫn thấy đèn phòng con sáng nên phải sang nhiều lần để lùa con đi ngủ. Lại có trường hợp học sinh luôn có cảm giác âu lo, học bao nhiêu cũng thấy ít, càng học càng thấy hoang mang…
Theo các chuyên gia, trong giai đoạn ôn thi nước rút, điều quan trọng nhất là học sinh giữ được sự ổn định phong độ và ôn luyện thật kỹ các dạng bài căn bản, trọng tâm; các em cần hạn chế việc nhồi nhét hay sa đà vào học các bài quá khó, quá đánh đố. Thời điểm này các học sinh đã ở ngưỡng giới hạn kiến thức nên cố ép thêm bài vở với mong muốn "giỏi" hơn là không cần thiết và không hiệu quả.
Điều nên làm trong giai đoạn này chính là ôn luyện và củng cố lại thật chắc chắn các dạng bài trọng điểm thường gặp, đồng thời rèn các kỹ năng cần thiết trong việc làm 1 đề thi tổng hợp và cách tối ưu thời gian.
Việc sắp xếp thời gian, lập kế hoạch học tập khoa học có vai trò rất quan trọng. Ngoài ôn luyện, các em cần cố gắng giữ tâm lý thoải mái, bình tĩnh, không để tinh thần bị chi phối bởi quá nhiều nỗi lo. Mỗi gia đình và học sinh hãy xác định mục tiêu vừa sức, phù hợp với năng lực. Thêm nữa, khi đã bước chân vào kỳ thi, cần có niềm tin, động lực và sự quyết tâm, tránh thái độ "được chăng hay chớ".
“Không phải cày ngày cày đêm mới là tốt mà cần sắp xếp hài hòa giữa học và chơi; ngoài học cần có thời gian thư giãn, giải trí, tránh tình trạng học quá nhiều dẫn đến đuối sức, stress tâm lý, quá tải bởi như vậy, kết quả thi sẽ khó được như kỳ vọng” - các chuyên gia chia sẻ.