Đồng tình với việc đổi mới, song khá nhiều ý kiến cho rằng, thời gian thực hiện quá gấp, nhất là trong bối cảnh cách dạy - học vẫn theo lối cũ…
Học sinh, giáo viên… lúng túng
Trước thông tin đổi mới kỳ thi tốt nghiệp THPT mà Bộ GD&ĐT công bố, không chỉ học sinh (HS) mà cả giáo viên (GV) cũng tỏ ra lúng túng. Góp ý với Bộ GD&ĐT, một GV (giấu tên) bày tỏ: "Nếu thực sự quan tâm và đứng vào vị trí người học thì Bộ phải công bố rành mạch từ đầu năm học, hoặc ít nhất là sau Tết Âm lịch để người dạy và người học kịp chuẩn bị. Nay đã là giữa tháng 4, đầu tháng 6 thi, có hướng dẫn thì HS và GV vẫn chưa kịp hiểu". Còn bạn Trần Ngọc Duy lại đặt câu hỏi: "Còn hơn 1 tháng nữa là chúng em thi tốt nghiệp, Bộ làm thế này thì chúng em trở tay sao kịp?".
Các thí sinh làm bài thi tốt nghiệp THPT tại Hội đồng thi trường THPT Thăng Long năm 2013. Ảnh: Quỳnh Anh
|
Nhận định về "động tác" đổi mới trong cách ra đề thi ở kỳ thi tốt nghiệp THPT, ông Nguyễn Đình Đại - Hiệu trưởng Trường THPT Wellspring (Hà Nội) cho rằng, Bộ GD&ĐT quá gấp, không nghĩ đến đối tượng phải thực hiện là HS: "Không thể nói là HS đã được học cả năm rồi, gặp đề thế nào thì làm thế. Đổi mới thì GV phải biết để dạy, HS phải được luyện tập. Trong tài liệu hướng dẫn ôn tập môn Văn và Ngoại ngữ mà Bộ vừa đưa ra, chưa thấy rõ những đổi mới. Ngay bản thân tôi, với phần đọc hiểu, tôi vẫn chưa hiểu là Bộ sẽ làm theo kiểu cũ hay theo kiểu khảo sát PISA của Mỹ?".
Và nói như PGS Văn Như Cương, Bộ quyết tâm đổi mới phương pháp ra đề thi môn Ngữ văn để tránh cách học cũ là rất hay, nhưng vẫn cho rằng: "Năm nay, Bộ vẫn nên để HS thi theo cấu trúc đề thi cũ. Hình thức đề thi mới này nên để sang năm áp dụng, sau khi đã công bố xin ý kiến đóng góp từ dư luận, còn HS, GV có thời gian để làm quen. Làm giáo dục không thể hấp tấp, vội vàng được… Đây chưa phải là thời điểm thích hợp để áp dụng việc ra đề thi nằm ngoài chương trình SGK".
Câu trả lời chưa thỏa đáng
Trước những băn khoăn, lo ngại về việc đổi mới cách ra đề thi môn Ngữ văn, lãnh đạo Bộ GD&ĐT "một mực" khẳng định, những thay đổi của kỳ thi năm nay đều nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người học, không làm "sốc" HS. Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết, để kịp thời giúp GV, HS ôn thi tốt môn Văn cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014, Bộ đã có hướng dẫn gửi các Sở GD&ĐT, các trường THPT. Cụ thể, đề thi môn Ngữ văn có 2 phần: đọc hiểu và làm văn, trong đó tỷ lệ điểm của phần viết nhiều hơn phần đọc hiểu. Để làm tốt phần đọc hiểu, GV cần giúp HS nắm được thế nào là hiểu một văn bản, lựa chọn văn bản phù hợp với năng lực của HS để làm ngữ liệu hướng dẫn đọc hiểu; Xây dựng các loại câu hỏi và hướng dẫn chấm một cách phù hợp với mục đích và đối tượng HS.
Để khẳng định quan điểm đổi mới, ông Nguyễn Vinh Hiển còn nhấn mạnh: "Đây là một trong những bước thực hiện đổi mới căn bản hình thức, phương pháp thi... Tuy nhiên, việc đổi mới kiểm tra, đánh giá sẽ được tiến hành theo một lộ trình từ dễ đến khó, từ ít đến nhiều, từ đơn giản đến phức tạp, từ hẹp đến rộng, từ kiến thức của một vài môn đến tổng hợp liên môn, nhiều lĩnh vực... tiếp cận dần đến việc đổi mới hoàn toàn theo chương trình, SGK sau năm 2015".