Trong hệ thống tiêu chuẩn PISA của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), sát hạch các môn toán, khoa học, văn học với học sinh 15 tuổi, thì Phần Lan luôn đứng trong nhóm đầu. Từ năm 2006, Phần Lan đã giữ ngôi vị đầu bảng và dù trồi sụt trong các năm sau đó nhưng hệ thống giáo dục tại đây vẫn thuộc hàng top trong các nước phát triển.
Trong diễn đàn về giáo dục được tổ chức tại Việt Nam hồi đầu tháng 3/2021, Đại sứ Phần Lan tại Việt Nam - Kari Kahiluoto cho hay: “Phần Lan không theo nguyên tắc giáo dục truyền thống ở nhiều nước mà mở một hướng đi riêng. Mặc dù vẫn có những tiêu chuẩn chất lượng quốc gia về học tập và giảng dạy tại Phần Lan nhưng không hề có một bảng xếp hạng các trường học dựa trên thành tích học tập của học sinh”.
Học sinh Phần Lan chỉ làm một bài kiểm tra chuẩn trong suốt cả kỳ học tiểu học và trung học. Theo vnreview |
Hầu hết các trường có bản tự đánh giá áp dụng cho cả giáo viên và học sinh. Một điều đặc biệt nữa là Phần Lan ứng dụng phương pháp đồng đều với tất cả học sinh trước 15 tuổi. Nghĩa là bất kể học sinh giỏi hay kém, tài năng hay tầm thường được lồng ghép học chung với nhau theo tiêu chuẩn đồng đều. Phần lớn các học sinh Phần Lan đều theo học một trường công gần nhà với môi trường giáo dục toàn diện và có đủ các tầng lớp xã hội trong đó, từ con của bác sĩ cho đến con của anh công nhân, không có sự phân biệt giàu nghèo. Chương trình này được thực hiện mà không có sự chọn lựa, tạo trường điểm hay tập trung cá biệt vào nhóm nào cho đến khi học sinh tròn 15 tuổi. Kể từ đây, các học sinh mới bắt đầu được phân lớp và có sự chọn lựa cho riêng mình. Quan điểm giáo dục của Phần Lan: Mọi đứa trẻ đều khác biệt và tất cả đều có quyền học những điều chúng cần trong cuộc sống. Chính điều này đã tạo nên sự sáng tạo và thành công của giáo dục Phần Lan.Trong khi nước Mỹ đổ quá nhiều tiền vào các trường điểm, trường tư thì ngành giáo dục Phần Lan lại có quan điểm khá lạ đời. Theo họ, giáo viên nên xé bỏ những rào cản tư tưởng truyền thống để tìm ra các hướng đi mới trong giảng dạy và mục tiêu cuối cùng là nâng cao chất lượng học tập. Những con số về bảng điểm, kết quả các kỳ thi không thể đánh giá hết chất lượng của một học sinh mà còn những yếu tố về xã hội, tinh thần, thể chất…Ông Kari Kahiluoto cho rằng, ở Việt Nam hiện nay, hầu hết mọi người đang chú trọng vào bậc giáo dục phổ thông và mầm non. Ông rất mong muốn thời gian tới 2 nước có thể hợp tác hơn nữa về giáo dục nghề nghiệp, đào tạo nghề. “Phần Lan chúng tôi rất mạnh ở lĩnh vực này nhưng sự hợp tác về điều này chưa được thể hiện rõ ở Việt Nam. Hy vọng thời gian tới sẽ hợp tác hơn nữa” - ông Kari Kahiluoto bày tỏ tại diễn đàn “Giáo dục Phần Lan: Cánh cửa mở ra thế giới”.Trong tương lai, Việt Nam sẽ giao lưu hợp tác với nhiều nền giáo dục trên thế giới, việc lọc những quan điểm giáo dục nào để phù hợp với tình hình thực tế trong nước, với thể trạng và tinh thần con người Việt cũng sẽ là điều đáng bàn. Song, sự học thời nào cũng thế, đều là cần thiết cho sự tiến bộ của nhân loại. Nhưng khi Việt Nam đang từng bước hội nhập với thế giới, có những giá trị, tinh thần của truyền thống cần được tiếp nối, nhưng có những hạn chế cần chỉnh sửa để làm sao trong sự học ấy có thể phù hợp với thực tại, giúp mỗi con người mỗi công dân năng động hơn trong môi trường mới.