“Quá tuổi”
Xây dựng từ thế kỷ XVII, Chùa Cầu nằm bắc ngang qua một lạch nước rộng gần 10m chảy ra sông Thu Bồn (Phố cổ Hội An, Quảng Nam), với lối kiến trúc độc đáo, sự kết hợp tinh tế giữa 2 cá thể kiến trúc tưởng chừng không liên quan đến nhau là Cầu và Chùa.
Trải qua thời gian cùng với sự tác động của thiên nhiên, tình trạng xuống cấp ở Chùa Cầu diễn ra từ nhiều năm nay, các hạng mục được làm từ gỗ dường như "quá tuổi", không còn đủ chắc chắn. Phần kết cấu trên của Chùa Cầu (thượng bộ) gồm phần cầu và miếu (chùa) đang có độ tách rời nhỏ, riêng phần mái nhiều chỗ đã bị dột, mỗi khi có mưa, nước từ mái thấm xuống làm ảnh hưởng các hạng mục bằng gỗ của công trình. Đặc biệt, trước tác động từ bên ngoài như dòng chảy của nước và bão, lụt cũng ảnh hưởng lớn đến di tích.
Chùa Cầu nổi tiếng là địa điểm du lịch hút khách tại Hội An. Theo Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An, mỗi ngày trung bình có 4.000 lượt khách qua lại tham quan Chùa Cầu nên việc xuống cấp đối với di tích này ngày càng thêm hiện hữu.
Chị Ngô Thị Lan (phường Thanh Hà, TP Hội An) lo lắng: “Chùa Cầu hiện nay cần phải được trùng tu vào bảo tồn. Cây cầu đã “quá tuổi” do sự tác động của tự nhiên và cả con người. Khi đứng trên cầu tôi có thể cảm nhận được sự rung lắc. Một số đoạn trên cầu bị nứt, thủng có thể nhìn phía bên dưới chân cầu”.
Gìn giữ di tích vô giá của Hội An
Trên thực tế, từ tháng 8/2016, UBND tỉnh Quảng Nam và TP Hội An đã tổ chức hội thảo quốc tế về bảo tồn, trùng tu Chùa Cầu với sự tham gia của nhiều chuyên gia, nhiều nhà nghiên cứu của Việt Nam và Nhật Bản nhưng vẫn chưa thống nhất giải pháp cụ thể, từ đó đến nay việc lập hồ sơ dự án về tôn tạo Chùa Cầu vẫn chưa được thực hiện.
Trước thực trạng trên, TP Hội An đã có những biện pháp tu bổ tạm thời nhằm hạn chế sự xuống cấp của di tích như gia cố bằng gỗ, làm hệ thống dặm đỡ, làm cầu tạm để người dân và du khách vừa ngắm vẻ đẹp Chùa Cầu từ cầu tạm vừa không gây áp lực lên Chùa Cầu.
Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An giao cho hướng dẫn viên khu vực Chùa Cầu phải làm nhiệm vụ điều tiết, quy định số người tham quan phải đi theo từng nhóm (mỗi nhóm không quá 40 người) để giảm tình trạng quá tải. Tại vị trí Chùa Cầu đã lắp đặt 8 camera thông minh do Australia tài trợ để quan sát số lượng, tỷ trọng người qua lại nhằm giảm tối đa tác động.
Chùa Cầu có giá trị lớn và là biểu tượng của Hội An, còn với các nhà khoa học, nói đến di tích này là nói đến một công trình có giá trị đặc biệt. Vì vậy, đối với việc tu bổ cần cẩn trọng, tham khảo ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học để đảm bảo được nguyên tắc, đảm bảo được đầu tư, đảm bảo được tiếng nói chung và sự ủng hộ lớn từ cộng đồng.
Ông Nguyễn Văn Sơn - Phó Chủ tịch UBND TP Hội An thông tin, tháng 12 tới, vào dịp kỷ niệm 20 năm Hội An được công nhận là Di sản văn hóa thế giới, UBND TP Hội An sẽ tổ chức một hội thảo khoa học nữa để quyết định giải pháp thực hiện việc tu bổ Chùa Cầu.
Ông Nguyễn Thanh Hồng - Giám đốc sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Quảng Nam cho biết, kinh phí trùng tu với Chùa Cầu đối với TP Hội An và tỉnh Quảng Nam không phải là vấn đề lớn mà vấn đề làm sao đảm bảo được tính nguyên tắc khoa học, đảm bảo được kết quả trùng tu. Quảng Nam và Hội An sẽ ưu tiên tập trung để tu bổ, bảo vệ di tích Chùa Cầu. Dự án làm sạch nước ở khu vực ven Chùa Cầu để giảm tối thiểu mùi hôi bốc lên vào mùa nắng đã được đưa vào và mang đến nhiều tín hiệu tích cực, cảnh quan du lịch cũng được đảm bảo.
“Đối với việc trùng tu di tích, hiện nay TP Hội An đang xây dựng đề án tổng thể và chuẩn bị trình lên Thủ tướng để xin cơ chế đặc biệt bảo tồn đô thị cổ Hội An chứ không chỉ riêng Chùa Cầu”, ông Hồng cho biết thêm.