Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hội chợ đặc sản vùng miền - điểm sáng của năm 2017

Bài, ảnh: Linh Hương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tiếp nối hàng loạt sự kiện diễn ra trong năm do Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Thương mại và Du lịch Hà Nội (HPA) tổ chức, như: “Kết nối cung cầu cho rau an toàn”, “Giao thương tiêu thụ nông sản - thực phẩm Hà Nội - Lâm Đồng”,... vừa qua, tại Quảng trường Trung tâm thương mại Vincom Mega Mall Royal City đã diễn ra Hội chợ đặc sản vùng miền Việt Nam.

Đây là hoạt động thường niên do UBND TP Hà Nội và Bộ Công Thương giao cho HPA đứng ra tổ chức. Cũng như 3 kỳ hội chợ trước, Hội chợ lần này nhằm kết nối cung- cầu hàng hóa giữa Hà Nội và các tỉnh, thành trong cả nước. Sau 5 ngày tổ chức ( từ 22 - 26/11), Hội chợ đã kết thúc tốt đẹp, như một điểm sáng khép lại một năm thành công của HPA trong vai trò “bà mối” giúp nhà sản xuất và nhà phân phối tìm đến nhau, cùng hợp tác làm ăn.

Lễ cắt băng khai mạc hội chợ.

Nếu như năm đầu tổ chức (2014), Ban tổ chức phải giới thiệu, kêu gọi các DN tham gia, quy mô còn khá khiêm tốn: chỉ 120 gian hàng, thì 2 năm trở lại đây, nhất là năm 2017, Hội chợ đã thu hút được gần 200 đơn vị của 55 tỉnh, thành với quy mô 250 gian hàng tham gia trưng bày, giới thiệu những sản phẩm đặc trưng, độc đáo của các địa phương, trong đó có nhiều sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Sở dĩ quy mô năm nay lớn hơn năm trước là do các cơ sở sản xuất, các DN ngày càng ý thức được tầm quan trọng của việc quảng bá giới thiệu sản phẩm, tạo điều kiện kết nối với giao thương tiêu thụ với các nhà phân phối và người tiêu dùng nên đã tự nguyện tham gia... Mặt khác, Hà Nội đang là địa phương có nhu cầu tiêu thụ nông sản thực phẩm (NSTP) rất lớn, nhất là đối với các sản phẩm sạch, an toàn, rõ nguồn gốc xuất xứ. Với trên 10 triệu dân sinh sống, hiện khả năng cung ứng NSTP ở Hà Nội còn ở mức khá khiêm tốn, mặc dù TP đang là địa phương có mạng lưới phân phối phát triển dẫn đầu cả nước với 22 Trung tâm thương mại, chuỗi 125 siêu thị, hệ thống 600 cửa hàng tiện ích và gần 500 chợ… Tuy nhiên, hiện nay các mặt hàng như gạo mới đáp ứng được 35% nhu cầu, thịt bò 15%, hải sản 5%, thực phẩm chế biến 25% và rau củ quả 65%... Điều đó cho thấy, Hà Nội quả là “miền đất hứa” cho các nhà sản xuất, cung cấp NSTP trên cả nước.

Hội chợ đặc sản vùng miền Việt Nam 2017 tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất, các DN kinh doanh các mặt hàng đặc sản tiêu biểu của địa phương được dịp quảng bá, giới thiệu sản phẩm rộng rãi đến người tiêu dùng trong cả nước. 250 gian hàng của 3 miền Bắc - Trung - Nam trưng bày giới thiệu các sản phẩm tiêu biểu, đặc trưng của địa phương, vùng miền. Từ giò chả Ước Lễ Hà Nội, hành tỏi Lý Sơn, nước mắm Phan Thiết, chè Tân Cương, chè Thái Nguyên, mật ong rừng Hà Giang, gạo nếp nương và tám Điện Biên… đến bưởi Năm Roi, cam Vinh, cam Cao Phong Hòa Bình… Tại gian hàng tỉnh Điện Biên, chúng tôi gặp bác Trần Thị Luyến là cư dân sống trong khu đô thị Royal City. Vừa chọn hàng, bác vừa vui vẻ nói: “3 năm nay, năm nào tôi cũng cùng bà con ở đây mong ngóng đến Hội chợ đặc sản này. Hàng hóa không những sẵn mà còn chất lượng. Chứ mua ở ngoài, không biết đâu mà lần, thật giả lẫn lộn. Sợ lắm”. Phụ trách gian hàng là anh Phan Trọng Nhất - Phó Giám đốc Công ty Trà Phan Nhất, tỉnh Điện Biên, cho biết: Về Thủ đô tham gia Hội chợ lần này, công ty mang theo gần 50 sản phẩm, tiêu biểu là chè tuyết cổ thụ Tủa Chùa, gạo nếp nương, tám Điện Biên. Chè Tủa Chùa rất được người Đài Loan (Trung Quốc) ưa chuộng. Năm nay, công ty xuất sang thị trường Đài Loan 4 - 5 tấn sản phẩm. Gạo nếp nương và tám Điện Biên cũng nức tiếng từ lâu, không còn xa lạ với người Hà Nội. Tuy nhiên, để có hàng hóa là đặc sản thứ thiệt như bày bán tại gian hàng thì không dễ kiếm. Anh Nhất tâm sự, rất muốn đưa đặc sản của Điện Biên ra Hà Nội tiêu thụ, nhưng do đường sá xa xôi, chi phí vận chuyển tốn kém lại thêm việc các siêu thị chiết khấu quá cao, lãi lời chẳng là bao. Hiện, Công ty Phan Nhất của anh đã kết nối với Trung tâm giới thiệu sản phẩm ở 489 Hoàng Quốc Việt. Qua Trung tâm, hy vọng đặc sản Điện Biên sẽ được nhiều người tiêu dùng Thủ đô biết đến.

Hội chợ đặc sản vùng miền lần này không chỉ tạo cơ hội cho người sản xuất, nhà phân phối được giao lưu, trao đổi, ký kết hợp đồng tiêu thụ, đưa sản phẩm có chất lượng tốt nhất, an toàn nhất đến tay người tiêu dùng Thủ đô, mà còn là dịp quảng bá rộng rãi, vươn ra thị trường nước ngoài, như lời ông Phó Chủ tịch TP Hà Nội phát biểu trong lễ khai mạc: “Hội chợ đặc sản vùng miền Việt Nam ngày càng được khẳng định là cầu nối quan trọng giữa nhà sản xuất - nhà phân phối - người tiêu dùng; là kênh quảng bá hiệu quả… Hội chợ cũng là dịp để giới thiệu những nét văn hóa, những giá trị của mỗi vùng đất tới du khách trong nước và quốc tế”.