Hội chợ xúc tiến thương mại gắn kết quảng bá du lịch, văn hoá địa phương diễn ra từ ngày 27/12/2023 đến hết ngày 1/1/ 2024 tại thị xã Sơn Tây do Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch Hà Nội (HPA) phối hợp với UBND thị xã Sơn Tây tổ chức.
Với quy mô hơn 100 gian hàng, đã thu hút gần 90 doanh nghiệp đến từ 28 tỉnh, thành phố như Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái, Bắc Giang, Cao Bằng, Phú Yên, Lạng Sơn… và các làng nghề thị xã Sơn Tây tham gia. Trong thời gian diễn ra hội chợ các doanh nghiệp giới thiệu, quảng bá đặc sản vùng miền như nông sản, thực phẩm, đồ uống, nước mắm, trà, rau củ, hoa quả tươi, hoa quả sấy khô, mật ong, sữa và các sản phẩm từ sữa, sản phẩm thủ công mỹ nghệ, sản phẩm OCOP… tới người dân Thủ đô và du khách.
Chủ tịch HĐND thị xã Sơn Tây Nguyễn Quang Hán cho biết, hiện địa phương có 78 sản phẩm được đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP đạt 3 sao, 4 sao, đồng thời Sơn Tây có tiềm năng du lịch rất lớn với những di tích lịch sử nổi tiếng như thành cổ Sơn Tây, chùa Mía, đền Và, Làng cổ Đường Lâm…
“Vì vậy Hội chợ xúc tiến thương mại gắn kết quảng bá du lịch, văn hoá địa phương đã tạo điều kiện cho Sơn Tây quảng bá phát triển du lịch kết hợp bảo tồn, phát huy giá trị của các làng nghề truyền thống” - ông Hán nêu rõ.
Tham gia Hội chợ xúc tiến thương mại lần này, Công ty TNHH Đầu tư Xuất nhập khẩu quốc tế Vạn Long mang đến rất nhiều sản phẩm đặc sản của tỉnh Thanh Hóa như nước mắm Ba Làng đạt tiêu chí OCOP 4 sao. Đại diện công ty chia sẻ, đây là cơ hội để doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm nước mắm Thanh Hóa đến người tiêu dùng Thủ đô, đồng thời tiếp cận hệ thống bán lẻ hiện đại để tiêu thụ sản phẩm.
Trong khi đó, dưới góc độ người tiêu dùng ông Nguyễn Văn Xuân ( thị xã Sơn Tây) chia sẻ, hội chợ tổ chức vào kỳ nghỉ Tết Dương lịch 2024 tạo cơ hội cho người dân thị xã Sơn Tây có thêm điểm vui chơi trong kỳ nghỉ Tết Dương lịch lễ, đồng thời tiếp cận đặc sản vùng miền, như nước mắm Thanh Hóa, gạo séng cù (Lào Cai), thủy sản Quảng Ninh…
Phát biểu tại buổi lễ, Giám đốc HPA Nguyễn Ánh Dương nêu rõ, thông qua hoạt động này HPA đẩy mạnh kết nối giao thương, tiêu thụ sản phẩm giữa Hà Nội và các tỉnh, thành phố, qua đó gia tăng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp, dịch vụ du lịch. Từ đó kích cầu tiêu dùng nội địa, tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa dịch vụ, phục vụ nhu cầu mua sắm, trải nghiệm của người dân Thủ đô và du khách trong kỳ nghỉ Tết Dương lịch 2024.
“Hội chợ xúc tiến thương mại gắn kết quảng bá du lịch, văn hoá địa phương tổ chức tại thị xã Sơn Tây đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, làng nghề và chủ cơ sở sản xuất, chủ thể OCOP kịp thời nắm bắt cơ hội để giao lưu, quảng bá thương hiệu, giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời góp phần quảng bá du lịch, văn hóa của địa phương”-ông Dương nhấn mạnh.
Cùng ngày tại công viên Long Biên (quận Long Biên), HPA phối hợp với UBND quận Long Biên tổ chức Chương trình "Tự hào nông sản Việt". Với quy mô 120 gian hàng, chương trình đã thu hút 150 doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ thể OCOP của 30 tỉnh, thành trong cả nước trưng bày, giới thiệu 2.000 dòng sản phẩm. Cụ thể sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm OCOP tiêu biểu, đặc sản vùng miền, sản phẩm làng nghề truyền thống của Hà Nội và các tỉnh, thành phố.
Chương trình diễn ra từ nay đến hết ngày 31/12/2023.