Trung tâm Hoạt động VHKH Văn Miếu – Quốc Tử Giám vừa tổ chức công bố các kế hoạch tổ chức “Hội chữ Xuân Mậu Tuất 2018” tại Hồ Văn – Di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Theo đó, năm nay, Hội chữ Xuân sẽ bắt đầu từ ngày 9 đến 25/2 (tức 24 tháng Chạp năm Đinh Dậu đến mùng 10 tháng Giêng năm Mậu Tuất). Riêng đêm 30 Tết, Hội chữ Xuân sẽ hoạt động đến 2 giờ ngày mùng 1 Tết. Trong các ngày từ mùng 1 đến mùng 3 Tết Hội chữ sẽ hoạt động từ 8 giờ đến 22 giờ.
Năm nay, Hội chữ Xuân có chủ đề “Hiền tài” được chia thành 6 khu vực riêng. Khu vực sân khấu trung tâm, khu vực trưng bày triển lãm thư pháp, khu vực gian viết, tái hiện quang cảnh trường thi, khu vực làng nghề truyền thống và khu vực trò chơi dân gian.
Lễ khai mạc “Hội chữ Xuân Mậu Tuất 2018” và triển lãm thư pháp “Hiền tài” diễn ra vào 16 giờ ngày 9/2 (tức ngày 24 tháng Chạp) tại khu vực sân khấu trung tâm. Khu vực triển lãm thư pháp được trưng bày ngoài trời tại Hồ Văn có nội dung trưng bày 35 bức thư pháp chữ Hán – Nôm và chữ Quốc ngữ có kích thước quy định (70cm x 70cm và 70cm x 140cm) truyền tải nội dung “Tôn sư trọng đạo”.
Năm đầu tiên, Hội chữ Xuân tái hiện quang cảnh trường thi gồm nhà thập đạo, chòi canh, lều chõng. Không gian này giúp cho khách tham quan đến với hội không chỉ để xin và cho chữ, mà còn cảm nhận được nét xưa, giá trị truyền thống của ông cha trong ngày Tết xưa. Ngoài ra, các hoạt động của khu vực làng nghề truyền thống sẽ giới thiệu những nét truyền thống của làng làm giấy dó, tranh dân gian, gốm sứ, mây tre đan, cói, thêu dệt, trạm khắc gỗ, đúc đồng; tổ chức các trò chơi dân gian như bịt mắt bắt dê, ô ăn quan, tham dự không gian ẩm thực dân gian truyền thống của Việt Nam… cũng sẽ tô điểm cho văn hóa Tết.
Theo ông Lê Xuân Kiêu - Giám đốc Trung tâm Hoạt động VHKH Văn Miếu – Quốc Tử Giám, không gian ẩm thực không phải để ăn uống mà là ẩm thực thời sĩ tử, ẩm thực mang tính chất trình diễn. Về hoạt động cho chữ và xin chữ, một nét đẹp văn hoá truyền thống, sẽ có 63 “ông đồ” tham gia. Ông Lê Xuân Kiêu cho biết, BTC đã tiến hành các kỳ khảo tuyển chặt chẽ với 2 vòng thi với sự tham gia của 97 “ông đồ”. Các “ông đồ” sẽ phải trải qua việc sát hạch về văn phạm và về chữ viết trước sự giám sát và chấm điểm khắt khe của Hội đồng chủ khảo. Sau hai kỳ sát hạch, BTC chọn ra 55 “ông đồ”, và mời thêm 8 “ông đồ” là những người có kinh nghiệm, chủ nhiệm các CLB thư pháp của Hà Nội tham gia.
Trước vấn đề Văn Miếu – Quốc Tử Giám gặp vướng mắc trong vấn đề bãi trông giữ xe, hiện nay đã bố trí được bãi trông xe trên vỉa hè khu di tích. Ngoài ra, Trung tâm đã làm công văn đề xuất mở bãi trông xe tạp từ 24 tháng Chạp đến 15 tháng Giêng tại khu vực vườn Giám. Tuy nhiên, hiện nay Trung tâm vẫn phải chờ ý kiến cho phép từ Sở GTVT. Về vấn đề này, ông Trương Minh Tiến - Phó Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội cho biết, sẽ cố gắng để xin UBND TP Hà Nội cho phép trông giữ xe khu vực Vườn Giám để phục vụ du khách trong những ngày diễn ra Hội chữ Xuân. Giá vé sẽ được niêm yết và thực hiện theo đúng quy định của Nhà nước.