Hội Cựu chiến binh TP: Đoàn kết thi đua giảm nghèo, làm kinh tế giỏi

Phó Chủ tịch Hội CCB Thành phố Lê Hải Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - 5 năm qua, Hội Cựu chiến binh (CCB) TP Hà Nội đã triển khai tổ chức phong trào “Cựu chiến binh giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi”, giúp hơn 38.800 hộ được giải quyết vay vốn sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm.

Qua đó, không những có nhiều hội viên đã đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững mà còn phát triển sản xuất quy mô lớn, góp phần vào an sinh xã hội, làm giàu cho quê hương.

Lễ khánh thành nhà “Nghĩa tình đồng đội” của gia đình hội viên cựu chiến binh Vương Văn Vàng tại thôn Đồng Mít, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức. Ảnh: Lê Hải Bình 
Lễ khánh thành nhà “Nghĩa tình đồng đội” của gia đình hội viên cựu chiến binh Vương Văn Vàng tại thôn Đồng Mít, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức. Ảnh: Lê Hải Bình 

Giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững

Ngay từ đầu nhiệm kỳ, bám sát chủ trương của TP về phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô giai đoạn 2015 - 2020 và Nghị quyết Đại hội CCB TP lần thứ VI, Ban Chấp hành Hội đã ban hành Đề án “CCB Thủ đô đoàn kết giúp đỡ hội viên phát triển kinh tế, giảm nghèo, xây dựng nhà tình nghĩa đồng đội và hoạt động tình nghĩa” (Đề án 03/ĐA-CCB).

Qua 5 năm thực hiện, các cấp Hội đã vận động cán bộ, hội viên đóng góp quỹ Đề án 03 được 16.226 tỷ đồng, giúp 444 hội viên xây dựng mới, sửa chữa nhà ở. Trong đó, xây dựng mới 193 nhà, sửa chữa 251 nhà với trị giá 12,28 tỷ đồng. Ngoài ra, các cấp Hội đã tặng 71 bò sinh sản cho gia đình hội viên trị giá 1,42 tỷ đồng; hỗ trợ 126 gia đình CCB nghèo với số tiền hơn 1,9 tỷ đồng để phát triển sản xuất.

Thực hiện chương trình vay vốn tín dụng ủy thác của Ngân hàng chính sách xã hội, trong phát triển kinh tế giảm nghèo, giải quyết việc làm và tham gia xây dựng nông thôn mới. Hội CCB TP đã vay được 13 chương trình ủy thác, với số dư nợ hơn 1.925 tỷ đồng (chiếm 16,6% tổng dư nợ toàn TP) tăng 1.256,3 tỷ đồng so với cuối nhiệm kỳ V (năm 2017), vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội CCB TP khóa VI đề ra; có 38.802 hộ vay phát triển sản xuất, tạo việc làm… Các cấp Hội cơ sở huy động hội viên đóng góp quỹ được 116,852 tỷ đồng cho hơn 10.000 hội viên vay không tính lãi để sản xuất kinh doanh.

Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia “Xây dựng nông thôn mới; giảm nghèo bền vững” các cấp Hội đã tuyên truyền vận động hội viên tích cực tham gia phong trào “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới”. Đã chủ động tổ chức cho 1.217.166 lượt cán bộ, hội viên tham gia học tập các Nghị quyết của Đảng, của cấp ủy địa phương về xây dựng nông thôn mới; tổ chức 2.240 lớp bồi dưỡng tập huấn kiến thức cho 89.700 lượt hội viên về các kiến thức xây dựng nông thôn mới. Có 8.948 hội viên tham gia vào các ban chỉ đạo, ban xây dựng nông thôn mới ở cơ sở.

Vận động CCB, Cựu quân nhân (CQN) gương mẫu trong công tác dồn điền đổi thửa, có 24.179 hộ gia đình hội viên tự nguyện hiến 726.594m2 đất, trong đó có 192.436m2 đất thổ cư, để phát triển cơ sở hạ tầng; đóng góp ủng hộ 158,245 tỷ đồng, 678.238 ngày công, tham gia tu sửa 3.942,6km đường giao thông liên thôn, xã; 3.228,5km kênh mương nội đồng, 4.260 cầu cống, 1.337 trường học, bệnh xá, nhà văn hóa thôn; chủ trì tôn tạo 146 nghĩa trang liệt sĩ…

Các cấp Hội cũng đã tuyên truyền hội viên và người dân tích cực tham gia thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Tổ chức 140 buổi truyền thông tại cơ sở cho 350.000 lượt người; tổ chức 4 lần hội chợ giới thiệu sản phẩm với 126 gian hàng do CCB, doanh nhân CCB sản xuất. Phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội tổ chức Ngày hội tiêu dùng, sản phẩm nông nghiệp sạch an toàn thực phẩm và tổ chức tham quan các mô hình sản xuất có chất lượng, hiệu quả, quảng bá, giới thiệu với Hội CCB các tỉnh, TP trong cả nước.

Vận động các hội viên CCB, CQN không sản xuất hàng kém chất lượng, kinh doanh buôn bán hàng cấm, hàng giả, hàng nhái… Phối hợp với Hội Doanh nhân CCB Thủ đô mở các lớp dạy nghề, chuyển giao công nghệ, tạo việc làm cho con em CCB đã giải quyết thêm được trên 37.000 việc làm, có mức lương tương đối ổn định từ 5 đến 8 triệu đồng/tháng trở lên.

Hoạt động tình nghĩa đã được các cấp Hội thường xuyên chú trọng, thiết thực, hiệu quả. Các cấp hội đã giúp đỡ trợ cấp khó khăn cho hơn 10.000 lượt hội viên, với trị giá tiền là 5,007 tỷ đồng; thăm hỏi gặp mặt tặng quà, mừng thọ dịp lễ, Tết, ngày kỷ niệm, phối hợp tổ chức chu đáo lễ tang các đồng chí cán bộ hội viên từ trần, thể hiện tình cảm đồng chí, đồng đội sâu sắc, động viên giúp nhau vượt khó khăn, vươn lên trong cuộc sống.

Từ những kết quả trong thực hiện Đề án 03 đã góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng cơ sở chính trị địa phương vững mạnh của TP; tăng cường mối đoàn kết gắn bó, xây dựng tổ chức Hội vững mạnh.

Thiếu tướng Lê Hải Bình cắt băng khánh thành và bàn giao công trình trường Tiểu học Suối Tát, xã Tân Tri, huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn.
Thiếu tướng Lê Hải Bình cắt băng khánh thành và bàn giao công trình trường Tiểu học Suối Tát, xã Tân Tri, huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn.

Phấn đấu không còn hội viên cựu chiến binh khó khăn về nhà ở

Dự báo tình hình trong thời gian tới, bên cạnh những thuận lợi, Hội CCB TP cũng có những khó khăn tác động như: Hậu quả của đại dịch Covid-19 sẽ còn kéo dài; những vấn đề dân sinh bức xúc, vụ việc phức tạp, trong quá trình phát triển Thủ đô sẽ nảy sinh, ảnh hưởng đến an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội, ảnh hưởng đến nhận thức, tâm tư, tình cảm của cán bộ, hội viên. Đời sống kinh tế của một số gia đình hội viên và người dân còn khó khăn, đặt ra những yêu cầu cao hơn trong xây dựng và tổ chức các hoạt động của Hội.

Từ đó, Đại hội CCB TP lần thứ VII xác định một trong số 4 chỉ tiêu chính của nhiệm kỳ 2022 - 2027 là: Đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế. Phấn đấu hết nhiệm kỳ không còn gia đình hội viên thuộc hộ nghèo. Mỗi năm xây dựng, sửa chữa mới 70 căn nhà trở lên, phấn đấu cuối nhiệm kỳ không còn hội viên CCB khó khăn về nhà ở. Tỷ lệ dư nợ ngân hàng mỗi năm tăng 8%; không có nợ đọng kéo dài và địa phương xã, phường, thị trấn không có tổ vay vốn, tiết kiệm do CCB chủ trì.

Các cấp Hội tiếp tục vận động hội viên CCB, CQN vượt qua khó khăn giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo, làm giàu hợp pháp, gắn với chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đầu tư phát triển các loại hình sản xuất kinh doanh, dịch vụ, làng nghề truyền thống; tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cây trồng vật nuôi, các mô hình trang trại, gia trại, tổ hợp tác, hợp tác xã, DN do CCB làm chủ, theo hướng sản xuất hàng hóa. Phát triển sản xuất kinh doanh phải đi đôi với đầu tư, đổi mới công nghệ, ứng dụng khoa học – kỹ thuật và đào tạo nguồn nhân lực, nhằm tạo ra hàng hóa sạch có chất lượng cao, đáp ứng với thị trường trong và ngoài nước.

Phấn đấu hàng năm tổ chức Hội chợ giới thiệu sản phẩm chất lượng cao do CCB, CQN sản xuất với 100% Hội CCB các quận, huyện, thị tham gia do Thành hội và các địa phương tổ chức. Phối hợp trao đổi kinh nghiệm học tập các mô hình phát triển kinh tế có hiệu quả với Hội CCB các tỉnh, thành trong cả nước. Từ đó, từng bước nghiên cứu phát triển, hợp tác kinh tế quốc tế, liên kết, phù hợp với điều kiện của Thủ đô.

Có thể nói, Hội CCB TP Hà Nội đã đi qua chặng đường 32 năm xây dựng và phát triển, đồng hành cùng công cuộc đổi mới của Thủ đô, đất nước. Đứng trước nhiệm vụ cách mạng trong thời kỳ mới, hội viên CCB Thủ đô nguyện phát huy truyền thống, bản chất “Bộ đội Cụ Hồ” với phương châm: Sáng tạo, trí tuệ, đoàn kết, đổi mới, đẩy mạnh phong trào thi đua “CCB gương mẫu” phấn đấu xây dựng Hội trong sạch vững mạnh, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ xứng đáng với sự tin cậy của Đảng bộ, chính quyền và niềm tin yêu của Nhân dân Thủ đô.