Hội Cựu chiến binh Việt Nam: 25 năm xây dựng và phát triển

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 2/12 tới đây, Trung ương Hội Cựu chiến binh (CCB) Việt Nam sẽ tổ chức Đại hội thi đua yêu nước lần thứ V và kỷ niệm 25 năm Ngày thành lập Hội CCB Việt Nam (6/12-1989 - 6/12-2014).

Đại hội sẽ tổng kết đánh giá phong trào thi đua “CCB gương mẫu” của Hội 5 năm (2009-2014); biểu dương, tôn vinh, tuyên truyền, nhân rộng những tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến. Đây thực sự là ngày hội lớn của những con người thời đại Hồ Chí Minh, không chỉ một thời cầm súng chiến đấu anh dũng, giành độc lập tự do và bảo vệ Tổ quốc, mà còn lập nhiều chiến công trên mặt trận mới - phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và chống đói nghèo…

Chỗ dựa bảo vệ Đảng, chính quyền, bảo vệ chế độ 

Ngày 6/12/1989, Bộ Chính trị BCH T.Ư Đảng (khóa VI) quyết định cho thành lập Hội CCB Việt Nam. Mục đích của Hội được xác định là: "Đoàn kết CCB, giữ gìn và phát huy truyền thống "Bộ đội Cụ Hồ", tham gia bảo vệ thành quả cách mạng, bảo vệ Đảng CSVN, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp của hội viên, giúp đỡ lẫn nhau về tinh thần và vật chất, gắn bó tình bạn chiến đấu".

Ngày 8/1/2002, Bộ Chính trị ra Nghị quyết 09 về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác CCB trong giai đoạn cách mạng mới”; ngày 18/10/2005, Chủ tịch nước công bố Pháp lệnh CCB đã được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khóa XI thông qua, nhằm thể chế hóa Nghị quyết của Đảng về CCB và Hội CCB Việt Nam, tạo cơ sở pháp lý cho Hội CCB Việt Nam hoạt động,  đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới.
Các CCB  chia sẻ kinh nghiệm trồng điều. Ảnh QĐND
Các CCB chia sẻ kinh nghiệm trồng điều. Ảnh QĐND
Trong 25 năm qua, Hội CCB Việt Nam đã vận động CCB cả nước, đoàn kết phát huy bản chất truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ” tích cực tham gia các nhiệm vụ chính trị của địa phương, góp phần xây dựng, bảo vệ Đảng, chính quyền, chế độ XHCN và khối đại đoàn kết toàn dân tộc của đất nước. 

Điển hình, các cấp Hội và hội viên luôn gương mẫu chấp hành và tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Tích cực tham gia ý kiến vào Nghị quyết của cấp ủy Đảng và chương trình phát triển kinh tế-văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng của địa phương. Trong dịp Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, đã đóng góp hàng vạn ý kiến tâm huyết vào văn kiện Đại hội và tích cực tham gia nhiều hoạt động góp phần vào thành công của Đại hội Đảng XI và cuộc bầu cử Quốc hội khóa XIII.

Trong nhiệm kỳ Đại hội Đảng lần thứ XI, hàng chục vạn hội viên CCB được bầu vào các cấp ủy Đảng, trong đó 39,5% bí thư, 41,2% Phó bí thư đảng bộ cơ sở, gần 60% Bí thư chi bộ là hội viên CCB. Gần 10 vạn hội viên được bầu tham gia công tác chính quyền, đây là lực lượng đang trực tiếp góp phần xây dựng, bảo vệ Đảng, chính quyền ở cơ sở. Các cấp Hội đã tập hợp, động viên gần 15 vạn CCB là cán bộ đương nhiệm trong các cơ quan Đảng, chính quyền, đoàn thể, doanh nghiệp của 5475 tổ chức cơ sở và 39 tổ chức Hội CCB ở các bộ, ngành T.Ư tiếp tục phát huy bản chất truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ” rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, hoàn thành tốt nhiệm vụ trên các cương vị công tác được giao.

Năm 2014, quán triệt và triển khai chỉ đạo của Trung ương, Hội CCB Việt Nam đã kịp thời ra Tuyên bố lên án và phản đối Trung Quốc đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép trên vùng biển Việt Nam. Ngoài ra, cuối tháng 4/2014, T.Ư Hội CCB Việt Nam đã bàn giao 2 tàu thủy, 6 bản đồ bằng gốm sứ cho Bộ Tư lệnh Hải quân để tặng quân và dân Trường Sa với tổng giá trị 8,3 tỷ đồng do cán bộ, hội viên CCB đóng góp vào Quỹ “Vì Trường Sa thân yêu”, góp phần cùng cả nước động viên các chiến sỹ gìn giữ biển, đảo đấu tranh với kẻ ngoại xâm. 

Bên cạnh đó, Hội tích cực tham gia các hoạt động, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc… Đã phối hợp làm tham mưu và trực tiếp tham gia có hiệu quả trong đấu tranh giải quyết những vấn đề phức tạp về tôn giáo, dân tộc do các thế lực thù địch và các phần tử cực đoan gây ra trên các địa bàn Hà Nội.

Cùng với đó, các cấp hội CCB còn tích cực, tham gia công tác quân sự địa phương, như tuyên truyền vận động thanh niên làm nghĩa vụ quân sự, động viên CCB bám biển, bám rừng, bám đảo, tham gia tuần tra bảo vệ biên giới, đến nay có gần 10 ngàn CCB giữ chức xã, phường đội trưởng và phó; gần 20 vạn CCB là tổ trưởng dân phòng, tổ an ninh nhân dân, góp phần giữ vững trật tự, trị an ở cơ sở.

Trên mặt trận xóa đói, giảm nghèo 

Trên mặt trận phát triển kinh tế, Hội CCB các cấp đã tích cực tổ chức, động viên CCB nêu cao ý chí tự lực, tự cường, phấn đấu giảm nghèo nhanh và bền vững. Các cấp Hội phối hợp với các ngành tổ chức tốt việc bồi dưỡng tập huấn chuyển giao kỹ thuật, khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư cho hàng triệu lượt CCB. Vận động CCB chuyển đổi ngành nghề, dồn điền đổi thửa, xóa bỏ vườn tạp thay giống mới, trồng cây ăn quả, trồng rừng và chăn nuôi có giá trị kinh tế cao.

Bên cạnh đó các cấp Hội CCB đã khai thác, quản lý, sử dụng có hiệu quả hơn 30.000 tỷ đồng từ các nguồn vốn vay (trong đó, riêng tổng dư nợ ủy thác Ngân hàng Chính sách xã hội hơn 18.908 tỷ đồng, nợ quá hạn còn 0,79%; vốn nội bộ hội viên góp cho nhau vay không lấy lãi gần 3.000 tỷ đồng ), giúp nhau phát triển kinh tế, tạo việc làm cho hơn 3 triệu lao động là CCB và con cháu CCB. Hàng triệu gia đình hội viên có mức sống khá, nhiều hội viên đã thoát khỏi cảnh nghèo. Đến nay hội viên CCB Việt Nam cơ bản không còn hộ đói, số hộ nghèo toàn Hội chỉ còn 4,22%, cận nghèo 4,22%. Đã xóa được 77.893 nhà dột nát cho CCB (hiện còn 17.650 nhà CCB dột nát). Có 21 Tỉnh, Thành hội, 76 huyện, quận, 2.428 xã, phường cơ bản không còn hộ CCB nghèo. 

Phát huy truyền thống năng động, sáng tạo, đến nay đã có trên 5.600 doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ, 995 HTX, 5.265 tổ hợp tác, 52.969 trang trại, gia trại do CCB làm chủ, tạo công ăn việc làm cho trên 415 nghìn lao động là CCB, CQN, gia đình chính sách và con em CCB. Nhiều DN đạt mức doanh thu hàng năm từ hàng chục đến hàng trăm tỷ đồng; cá biệt có DN đạt hàng ngàn tỷ đồng/năm doanh thu. Nhiều DN của CCB, đã làm ra nhiều sản phẩm, đạt chất lượng cao, có thương hiệu uy tín, được tiệu thụ mạnh thị trường trong nước và xuất khẩu.

Hội CCB Việt Nam đã hỗ trợ nhiều tỉnh, thành phố, Hội Doanh nhân CCB và năm 2013, Hiệp hội Doanh nhân CCB Việt Nam ra đời, đánh dấu bước phát triển mới của phong trào CCB giúp nhau làm ăn, tham gia phát triển kinh tế-xã hội, góp phần vào tiến trình CNH-HĐH đất nước và hội nhập quốc tế.
Từ Đại hội I đến đại hội lần thứ V
Hội CCB Việt Nam đã tiến hành 5 lần Đại hội đại biểu toàn quốc
* Đại hội lần thứ I: Họp từ ngày 19 đến 20/11/1992 tại Hà Nội, tham dự có 318 đại biểu, đại diện cho gần 70 vạn hội viên trong cả nước dự Đại hội. Thượng tướng Trần Văn Quang được bầu làm Chủ tịch Hội.
* Đại hội lần thứ II: Họp từ ngày 17 đến 18/12/1997 tại Hà Nội, tham dự có:  432 đại biểu, đại diện cho 1,35 triệu hội viên sinh hoạt trong hơn 13.000 tổ chức cơ sở Hội cả nước. Thượng tướng Trần Văn Quang được bầu lại làm Chủ tịch Hội.
* Đại hội lần thứ III: Họp từ ngày 26 đến 28/12/2002 tại Hà Nội, tham dự có: 417 đại biểu đại diện cho hơn 1,7 triệu hội viên sinh hoạt trong hơn 14.000 cơ sở Hội trong cả nước. Trung tướng Đặng Quân Thụy được bầu làm Chủ tịch Hội.
* Đại hội lần thứ IV: Họp từ ngày 12 đến 14/12/2007 tại Hội trường Bộ Quốc phòng, Hà Nội, tham dự có: 497 đại biểu đại diện cho hơn 2,2 triệu hội viên đang sinh hoạt trong gần 16.000 cơ sở Hội trong cả nước. Trung tướng Trần Hanh được bầu làm Chủ tịch Hội. 
* Đại hội lần thứ V: Họp từ ngày 18 đến 20/12/2012 tại Hà Nội, tham dự có: 510 đại biểu đại diện cho hơn 2,6 triệu hội viên đang sinh hoạt trong gần 17.000 cơ sở Hội trong cả nước. Thượng tướng Nguyễn Văn Được được bầu làm Chủ tịch Hội; các đồng chí Trung tướng Phùng Khắc Đăng, Trung tướng Lê Thành Tâm, Trung tướng Nguyễn Song Phi, Trung tướng Nguyễn Văn Đạo được bầu làm Phó Chủ tịch Hội.
Cả 5 kỳ Đại hội: từ Đại hội I đến Đại hội V: Đại tướng Võ Nguyên Giáp đều được suy tôn làm Chủ tịch Danh dự Hội CCB Việt Nam.