Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

[Hỏi-đáp] Phạm vi trả nợ của người thừa kế di sản

Luật sư Nguyễn Đức Hùng - Đoàn Luật sư TP Hà Nội
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - "Bố tôi trước khi mất có viết di chúc để lại toàn bộ tài sản duy nhất cho một mình tôi, gồm nhà đất và tiền mặt, tổng trị giá khoảng 2 tỷ đồng. Sau một thời gian, tôi phát hiện bố tôi nợ 5 tỷ đồng. Liệu tôi có phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ không, và với số tiền nợ nhiều hơn giá trị di sản thừa kế, tôi chỉ trả số nợ bằng tổng giá trị di sản thừa kế được không?" - Nguyễn Văn An, quận Hà Đông, Hà Nội.

Trả lời:
Căn cứ theo Điều 615 Bộ luật Dân sự năm 2015 về “Thực hiện nghĩa vụ do người chết để lại” quy định: “Những người hưởng thừa kế có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi di sản do người chết để lại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Trường hợp di sản đã được chia thì nghĩa vụ tài sản do người chết để lại được người quản lý di sản thực hiện theo thỏa thuận của những người thừa kế trong phạm vi di sản do người chết để lại...”. Căn cứ theo quy định và thông tin bạn cung cấp, bố của bạn đã mất và có khoản nợ 5 tỷ đồng trước khi chết. Điều này đã phát sinh trách nhiệm trả nợ của những người thừa kế khi người chết có để lại di sản.

Bố bạn trước khi mất viết di chúc để lại toàn bộ tài sản duy nhất cho một mình bạn nên người thừa kế hiện nay chỉ có một mình bạn. Theo đó, bạn là người phải có trách nhiệm thực hiện việc trả khoản nợ của bố bạn (nếu xác thực khoản nợ này là đúng) và theo quy định pháp luật, bạn chỉ phải trả nợ trong phạm vi di sản gồm nhà đất và tiền mặt, tổng trị giá khoảng 2 tỷ đồng. Giá trị của toàn bộ di sản chỉ khoảng 2 tỷ đồng thì bạn cũng không có nghĩa vụ phải trả đủ 5 tỷ đồng mà chỉ trả nợ bằng toàn bộ giá trị di sản mà bố bạn để lại.

Câu hỏi bạn đọc xin gửi về địa chỉ: Báo Kinh tế & Đô thị, số 21 Huỳnh Thúc Kháng, quận Đống Đa, Hà Nội; Email: bandoc@ktdt.com.vn