Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hội diều làng Bá Dương Nội là di sản văn hoá phi vật thể quốc gia

Thiên Tú
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Lễ hội truyền thống, tập quán xã hội và tín ngưỡng Hội diều làng Bá Dương Nội, xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng, Thành phố Hà Nội đã được đưa vào danh mục di sản văn hoá phi vật thể quốc gia.

Bộ trưởng Bộ VHTT&DL vừa ban hành Quyết định số 372/QĐ-BVHTTDL công bố danh mục đi sản văn hoá phi vật thể quốc gia. Theo đó, Lễ hội truyền thống, tập quán xã hội và tín ngưỡng Hội diều làng Bá Dương Nội, xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng, Thành phố Hà Nội đã được đưa vào danh mục di sản văn hoá phi vật thể quốc gia.

Trước khi tổ chức hội thi diều, các bậc cao niên trong làng tiến hành nghi lễ tế Đại Tịch tại miếu Châu Trần, hay còn gọi là miếu Diều (thờ thần Châu Thổ).
Trước khi tổ chức hội thi diều, các bậc cao niên trong làng tiến hành nghi lễ tế Đại Tịch tại miếu Châu Trần, hay còn gọi là miếu Diều (thờ thần Châu Thổ).

Thú chơi diều và lễ hội thả diều của làng Bá Dương Nội có từ rất lâu đời, là một lễ hội độc đáo có một không hai của Thủ đô, chứa đựng nhiều nét văn hóa đặc sắc của nền văn minh lúa nước cũng như gửi gắm biết bao ước vọng của người nông dân thuần phác.

Theo thông lệ, hội thi thả diều làng Bá Dương Nội được tổ chức vào đúng dịp rằm tháng Ba âm lịch hàng năm, gắn liền với truyền thuyết về ngôi miếu thờ thần Châu Thổ được xây dựng trước thế kỷ thứ X.

Trải qua một thời gian dài bị gián đoạn bởi chiến tranh, từ năm 1989, với sự chung tay của các nghệ nhân diều như Nguyễn Hữu Ngọ, Phạm Văn Mai… lễ hội diều nghìn năm của mảnh đất Bá Dương Nội đã được khôi phục và duy trì cho đến nay. Đây cũng là một trong những lễ hội hiếm hoi của Việt Nam gắn với truyền thuyết thờ thần Châu Thổ.

Trong đó phần lễ sẽ bao gồm các hoạt động như lễ tế Đại Tịch, lễ dâng hương, nghi thức đánh trống, đánh chiêng cầu phong… Phần hội ngoài các hoạt động văn hóa văn nghệ, đặc sắc nhất phải kể đến là hội thi diều với sự tham gia của các câu lạc bộ diều đến từ nhiều tỉnh, thành. Diều dự thi phải có sải cánh tối thiểu dài 2,2m, đeo từ 3 sáo trở lên, diều thắng là diều lên cao và đứng im nhất.

Diều dự thi phải có sải cánh tối thiểu dài 2,2m, đeo từ 3 sáo trở lên, diều thắng là diều lên cao và đứng im nhất.
Diều dự thi phải có sải cánh tối thiểu dài 2,2m, đeo từ 3 sáo trở lên, diều thắng là diều lên cao và đứng im nhất.

Chia sẻ với Kinh tế & Đô thị, nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Minh Nhương – Câu lạc bộ Văn nghệ xứ Đoài cho biết, hội thi diều làng Bá Dương Nội gửi gắm khát vọng cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt của những nông dân vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng, một nét văn hóa rất đặc trưng của nền văn minh lúa nước.

Những cánh diều sáo Bá Dương Nội đã từng góp mặt tại nhiều festival diều quốc tế tổ chức tại Việt Nam cũng như các nước: Thái Lan, Trung Quốc, Pháp, Malaysia… và được bạn bè quốc tế đánh giá cao về tính chất độc đáo, đậm bản sắc dân tộc Việt Nam. Đặc biệt, Lễ hội thi thả diều làng Bá Dương Nội đã được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam công nhận là địa chỉ văn hóa phi vật thể năm 2004.

Theo Chủ tịch UBND xã Hồng Hà Nguyễn Mạnh Hà, việc Lễ hội truyền thống, tập quán xã hội và tín ngưỡng Hội diều làng Bá Dương Nội được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là niềm vui đối với chính quyền và Nhân dân địa phương. Xã sẽ tiếp tục duy trì, phát huy giá trị di sản, nâng cao đời sống tinh thần trong Nhân dân; vừa quảng bá những nét văn hóa đặc thù của vùng quê châu thổ sông Hồng, vừa khai thác thế mạnh về danh thắng, thu hút du khách, phát triển kinh tế - xã hội…