Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

"Hội đồng Nhân dân TP sẽ đi đến cùng trong vấn đề quản lý nhà chung cư”

Thùy Linh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thực hiện chương trình giám sát việc chấp hành quy định của pháp luật trong quản lý, sử dụng nhà chung cư thương mại và chung cư tái định cư (TDDC) trên địa bàn TP, sau các buổi khảo sát tại một số quận và đơn vị, chiều 12/4, đoàn giám sát của Ban Đô thị HĐND TP đã có buổi làm việc với đại diện Sở Xây dựng và các địa phương, đơn vị liên quan. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn tới dự và phát biểu chỉ đạo.

Nhiều tồn tại, vướng mắc
Theo Phó Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Chí Dũng, TP hiện có 688 cụm, tòa nhà chung cư thương mại đã đưa vào sử dụng với tổng số 152.085 căn và 180 tòa nhà chung cư tái định cư (TĐC) đã được đưa vào sử dụng với tổng số 16.905 căn (trong đó có 12 tòa nhà thương mại có căn hộ TĐC xen lẫn căn hộ thương mại).
 Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn phát biểu tại hội nghị
Thực tế cho thấy, do sự vào cuộc của các cấp chính quyền trong công tác tuyên truyền, kiểm tra, đôn đốc chủ đầu tư, đơn vị quản lý vận hành, các chủ sở hữu chưa thường xuyên, việc xử lý các vấn đề phát sinh trong quản lý nhà chung cư còn chậm, hiệu quả chưa cao, nên để khắc phục, tăng cường hơn nữa trật tự kỷ cương, góp phần xây dựng nếp sống văn minh đô thị trong công tác quản lý, sử dụng nhà chung cư trên địa bàn, ngày 25/7/2017 Sở Xây dựng đã tham mưu có Tờ trình số 188/TTr-SXD trình UBND TP ban hành Chỉ thị tăng cường công tác quản lý, sử dụng nhà chung cư trên địa bàn. Từ đó, ngày 28/8/2017 UBND TP đã ban hành Chỉ thị số 15 về tăng cường hiệu lực trong công tác quản lý, sử dụng nhà chung cư. 
Tuy nhiên, từ thực tế công tác quản lý vận hành nhà chung cư thương mại hiện nay thể hiện có những tồn tại nổi bật là: Chậm thành lập Ban quản trị (BQT), chậm xác định sở hữu chung-riêng, chậm bàn giao hồ sơ, chậm bàn giao kinh phí bảo trì phần sở hữu chung 2%... Trong quản lý, sử dụng nhà chung cư TĐC đã hoàn thành đưa vào sử dụng (tính đến 31/12/2017), khó khăn, vướng mắc chủ yếu hiện nay thể hiện ở chỗ: Mô hình tổ chức hoạt động của đơn vị quản lý vận hành còn nhiều bất cập, thiếu chuyên nghiệp; ý thức và trách nhiệm của người dân không đồng đều, có tâm lý ỷ lại cho nhà nước; sự phối kết hợp, chủ động vào cuộc của các cấp chính quyền chưa cao, thậm chí có nơi còn chưa thực sự quan tâm đúng mức. Hiện 39 tòa nhà chưa có diện tích sinh hoạt cộng đồng; 1.785 căn hộ đã hoàn thành thủ tục mua bán nhưng người dân chưa đi làm thủ tục cấp GCN; 346 căn hộ có vi phạm; 1.756 căn hộ chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính, được trả chậm tiền mua nhà trong 10 năm hoặc chưa nhận nhà...

Chỉ ra những nguyên nhân cụ thể, vướng mắc trong quản lý chung cư trên địa bàn, lãnh đạo Sở cũng thừa nhận còn chậm trễ, chưa thật sự sát sao trong công tác tham mưu cho TP. Tới đây, Sở sẽ tăng cường phối hợp UBND các quận, huyện, thị xã tổ chức phổ biến, tuyên truyền các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng nhà chung cư trên địa bàn, hướng dẫn, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư và xử lý theo thẩm quyền các hành vi vi phạm theo Nghị định số 139 ngày 27/11/2017 của Chính phủ, báo cáo UBND TP xử lý đối với các trường hợp vượt thẩm quyền.

Chỉ rõ nguyên nhân, địa chỉ, lộ trình xử lý

Phát biểu tại đây, Trưởng Ban Đô thị HĐND TP Nguyễn Nguyên Quân cho rằng: Qua khảo sát của đoàn giám sát cũng như thực tế thời gian qua cho thấy thực trạng công tác quản lý chung cư trên địa bàn TP thời gian qua bên cạnh kết quả đạt được thì còn rất nhiều tồn tại hạn chế bất cập cả từ cơ chế chính sách, quy định của TP cho đến việc tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật tại các cấp chính quyền địa phương và các đơn vị được giao nhiệm vụ quản lý vận hành chung cư TĐC.

Trong đó, “theo quy định Sở Xây dựng là cơ quan quản lý Nhà nước trên địa bàn có trách nhiệm tham mưu cho TP từ công tác tổng hợp, theo dõi đến đôn đốc, kiểm tra, song thời gian qua Sở chưa thực sự chặt chẽ, kể cả việc chỉ đạo các quận huyện. Đề nghị thời gian tới, Sở cần có những biện pháp chấn chỉnh, khắc phục ngay để đưa công tác quản lý chung cư trên địa bàn TP tốt hơn”, ông Quân nhấn mạnh.

Lắng nghe các ý kiến tại đây, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn khẳng định: Công tác quản lý nhà chung cư là vấn đề từ trước đến nay luôn nhận được sự quan tâm rất lớn từ lãnh đạo TP đến các sở, ngành, quận, huyện và mọi người dân, cư dân tại các tòa nhà. Việc giám sát công tác này đã được Ban Đô thị HĐND TP tổ chức nhiều lần, nhưng đối với lần này, mục tiêu được Thường trực HĐND TP đặt ra là phải đạt được kết quả cụ thể, giải quyết được các vấn đề đang tồn tại.

Ghi nhận nỗ lực của Sở Xây dựng và các sở ngành liên quan trong điều kiện lĩnh vực quản lý nhà chung cư rất khó, rất phức tạp, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP cũng nhận định, thực trạng quản lý nhà chung cư cũng như việc chấp hành pháp luật trong công tác này còn nhiều hạn chế. Trong đó, mâu thuẫn, tranh chấp giữa chủ đầu tư với ban quản trị cũng như giữa các bên diễn ra rất phổ biến, mà cụ thể còn 105 tòa đang xảy ra mâu thuẫn, tiềm ẩn sẽ tiếp tục tăng và phức tạp hơn bởi tốc độ đô thị hóa còn lớn. “Nếu giải quyết không tốt các mâu thuẫn này sẽ dẫn đến ngày càng nhiều đơn thư khiếu nại tố cáo”, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP nêu rõ và đề nghị: Sở Xây dựng cần nhận thức rõ trách nhiệm là cơ quan tham mưu cho UBND TP thực hiện chức năng quản lý nhà nước về quản lý chung cư, nên cần rà soát hoàn thiện báo cáo TP trong đó chỉ rõ những vướng mắc, nguyên nhân, trách nhiệm, chế tài xử lý. Đặc biệt, với 105 tòa còn tranh chấp, Sở cần có văn bản gửi TP chỉ rõ nguyên nhân do đâu, trách nhiệm thuộc những đơn vị, sở, ngành, quận, phường nào, lộ trình bao giờ xử lý xong, nếu không xong thì xử lý ra sao. Với một số quy định còn bất cập trong Thông tư 02 ngày 15/2/2016 của Bộ Xây dựng, Sở cần nghiên cứu để có thể đề xuất điều chỉnh.

“Như trong quy định về thành lập BQT, Thông tư 02 không quy định rõ phải chọn những người vào BQT phải đủ tiêu chuẩn về sức khỏe, trình độ, đạo đức, mà có nhiều tranh chấp tại các tòa nhà cũng chính xuất phát từ điều này. Thậm chí, có cả những cuộc bầu BQT tại nhiều tòa nhà hiện có những hộ dân cử cả người giúp việc đi dự. Hay quy định về diện tích chung-riêng, trong Thông tư này cũng đang rất khó thực hiện. Hoặc với những tòa nhà chưa đủ điều kiện chất lượng, cần quy định quyết liệt không đưa người dân vào ở bằng cách cắt điện cắt nước”, đồng chí nói.

Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP cho biết, HĐND TP sẽ báo cáo Thường trực Thành ủy về nội dung quản lý chung cư này và nếu cần thiết thì TP sẽ ra một chỉ thị. “Khi chưa có chỉ thị này, Sở Xây dựng cần có các tổ công tác đến tận nơi để giúp các quận, huyện còn yếu trong công tác này. Làm sao đưa cả hệ thống chính trị của TP vào cuộc, để không tiếp tục tiềm ẩn nhiều phức tạp. Sau đợt giám sát này, Thường trực HĐND TP sẽ có một buổi tiếp xúc cử tri chuyên đề về nội dung quản lý chung cư; sang năm sau sẽ đưa nội dung này vào phiên giải trình của UBND TP. Chúng tôi sẽ theo đến cùng vấn đề này, với mục tiêu cuối cùng là đưa công tác quản lý nhà nước về chung cư tốt hơn, vì sự phát triển chung của TP và sự an toàn của người dân, an sinh xã hội”, đồng chí khẳng định.