Suốt nhiều năm qua, nước Mỹ từng hứng chịu hàng loạt vụ việc tương tự. Theo thống kê này, thì trung bình có hơn 80 người thiệt mạng mỗi ngày tại Mỹ do xả súng trong năm 2012. Theo các hãng truyền thông Mỹ, đã có 16 vụ thảm sát đẫm máu trong năm qua, trong đó phải kể đến vụ xả súng tại một ngôi đền ở Wisconsin, vụ bắn giết tại rạp chiếu phim ở Colorado và mới đây nhất là vụ tấn công kinh hoàng tại trường tiểu học Sandy Hook ở Newtown (bang Connecticut) khiến 20 trẻ em và 6 người lớn thiệt mạng đã trở thành một tiếng chuông báo động khẩn cấp đối với vấn đề sở hữu súng đạn cá nhân của nước Mỹ.
Văn hóa súng ống ở Mỹ
Nước Mỹ sẽ chưa thể đưa ra được một luật cấm sử dụng súng đối với cá nhân, bởi với người dân Mỹ, sở hữu súng chính là một cách để thể hiện quyền cá nhân, thể hiện sự tự do dân chủ của đất nước này cũng như để thỏa mãn một thứ văn hóa kỳ lạ nhất thế giới đã tồn tại hơn 200 năm qua.Trong suốt hơn 2 thế kỷ qua, văn hóa súng đã nở rộ và thịnh trị trên khắp nước Mỹ.
Hiến pháp Mỹ thông qua Luật sở hữu súng (nằm trong Luật về Quyền cá nhân – Bill of Rights) từ năm 1789 đảm bảo cho các công dân Mỹ có quyền sở hữu và mang súng và cho phép người mang súng có quyền nổ súng khi cảm thấy bị đe dọa. Hơn một nửa trong số 50 bang của Mỹ cho phép cá nhân sở hữu súng và được mang nó tới hầu hết những nơi công cộng. Nhiều bang còn cho phép cá nhân được quyền nổ súng trong trường hợp nhận thấy mình bị đe dọa tới tính mạng. Ở một số bang khác, súng chỉ được phép để tại nhà và được hạn chế bởi các loại súng có sát thương thấp. Nhưng bất chấp các quy định này, những vụ thảm sát vẫn xảy ra "đều đặn" hàng năm.
Nỗi đâu mất thân nhân ở tấn công kinh hoàng tại trường tiểu học Sandy Hook ở Newtown (bang Connecticut)
Một điều ngạc nhiên ở nước Mỹ là sau mỗi cuộc thảm sát kinh hoàng xảy ra, người dân lại tăng cường đi mua súng. Người ta cho rằng, khi có súng bên mình, các cuộc thảm sát có thể bớt bi kịch hơn bởi đã có những người cầm súng có thể chống lại tên sát nhân. Nhưng trên thực tế, tất cả các cuộc thảm sát từng xảy ra ở Mỹ đều chưa ghi nhận trường hợp người cầm súng khác có thể chống lại kẻ giết người.
Hàng năm trung bình ở nước Mỹ có khoảng 30.000 người chết vì súng, vậy tại sao cho đến nay, Mỹ vẫn chưa hoàn toàn bỏ Luật sở hữu súng cá nhân?Trên thực tế, từ nhiều thập kỷ nay, quan điểm của người dân Mỹ về vấn đề sở hữu súng đạn cá nhân vẫn khá phức tạp. Mới đây Viện nghiên cứu và thăm dò xã hội Gallup đã tiến hành một cuộc khảo sát ý kiến các cá nhân về quan điểm của họ với câu hỏi: Có hay không sự ủng hộ đối với Hiệp hội súng quốc gia Mỹ (NRA). Kết quả mà Gallup nhận được khiến không ít người ngạc nhiên. Có đến 54% dân Mỹ (được khảo sát) cho biết họ ủng hộ sự tồn tại của NRA và chỉ có 38% phản đối Hiệp hội này.
Dẫu tình hình kinh tế đang đầy u ám nhưng thị trường “hàng nóng” vẫn rất sôi động tại Mỹ. Theo thông tin từ Cục Điều tra liên bang Mỹ, chỉ riêng trong tháng 12.2012, doanh số tiêu thụ các loại súng tại thị trường nước này đạt mức kỷ lục hơn 2,8 triệu khẩu. Con số này tăng 38% so với tháng trước và tăng tới 49% so với tháng 11.2011.
Theo các số liệu thống kê, 314 triệu dân Mỹ sở hữu đến 270 triệu khẩu súng, nhiều gấp 6 lần số súng đang được lưu hành tại Ấn Độ, quốc gia có hơn 1 tỷ dân. Tại xứ cờ hoa, dân chúng sở hữu đủ loại từ súng ngắn đến súng trường liên thanh. Nhiều gia đình có từ 6-7 và thậm chí hàng chục khẩu súng cùng cơ số đạn đủ tiêu diệt một trường học. Thậm chí, súng còn được bày bán trong các trung tâm bán lẻ Walmart trên khắp nước Mỹ.
Hồi kết của “văn hóa súng” Mỹ?
Người Mỹ có quyền sở hữu vũ khí để bảo đảm sự an toàn cho bản thân, tuy nhiên, số liệu của các nhà chức trách Washington cho biết, có 100.000 vụ nổ súng trên khắp nước Mỹ mỗi năm. Tính riêng năm 2010, có tới 30.000 người chết vì những sự việc có liên quan tới súng, bao gồm tự tử, tai nạn và đặc biệt nhất là giết người.
Trong cả bối cảnh người Mỹ đua nhau trang hoàng nhà cửa chuẩn bị đón Giáng sinh năm 2012, sát thủ Adam Lanza bất ngờ gây ra vụ thảm sát trường học Sandy Hook - vụ thảm sát nghiêm trọng thứ 2 trong lịch sử nước Mỹ không chỉ khiến toàn bộ nước Mỹ rúng động, vụ thảm sát những ngày cuối năm 2012 còn khiến người Mỹ phải nghiêm túc suy nghĩ về sự tồn tại của những đạo luật cho phép người dân tự do sở hữu vũ khí, vốn được biết đến với cái tên “văn hóa súng”, tồn tại ở Mỹ kể từ khi loại vũ khí "chống lại loài người" này được chế tạo.
Nhiều ý kiến cho rằng, số người chết vì súng tăng cao bởi người ta có thể sở hữu loại vũ khí này quá dễ dàng. Những vụ thảm sát liên hoàn, cướp đi sinh mạng của hàng chục người, chủ yếu là trẻ em chỉ trong năm qua đẩy luật tự do sở hữu súng đạn, vốn được biết với cái tên “văn hóa súng” Mỹ đến thời điểm suy tàn khi gây ra những hiểm nguy mà người Mỹ, trong đó có những đứa trẻ vô tội đang phải đối mặt. Văn hóa súng đạn từng làm nên lịch sử nước Mỹ nhưng nếu không có cách quản lý đúng đắn, nó sẽ là đại họa cho chính tương lai của nền kinh tế hùng mạnh nhất thế giới.
Tổng thống Mỹ Barack Obama vừa đã ký sắc lệnh hạn chế tình trạng bạo lực liên quan tới súng đạn , đồng thời nhấn mạnh nước Mỹ không thể tiếp tục lần lữa với các biện pháp kiểm soát súng. Sắc lệnh hành chính bao gồm 23 biện pháp kiểm soát súng đạn được đánh giá là sâu rộng nhất trong nhiều thập kỷ qua. Năm 1994, Tổng thống Bill Clinton từng ký một lệnh cấm các loại súng tấn công (loại súng có thể sát thương nhiều người cùng một lúc), nhằm giảm thương vong tai nạn súng và quy định việc buôn bán các loại súng quân dụng là bất hợp pháp. Tuy nhiên, lệnh này chỉ có thời hạn 10 năm. Đến thời Tổng thống George W. Bush, Quốc hội Mỹ không kéo dài thời hạn thi hành lệnh nên lệnh này của Tổng thống Clinton đã bị vô hiệu hóa.
Tổng thống Obama đã yêu cầu tiến hành một chiến dịch quốc gia mới về sử dụng súng an toàn và có trách nhiệm, kiểm tra tiểu sử của những người mua súng, tổ chức huấn luyện tại các trường học về cách đối phó khi gặp kẻ tấn công có vũ trang. Ông cũng yêu cầu Quốc hội tiếp tục một lệnh cấm vũ khí tấn công đã hết hạn từ năm 2004 và hạn chế các ổ đạn xuống còn 10 viên và kêu gọi các nghị sĩ trang bị thêm cho các cơ quan thi hành pháp luật quyền hạn để truy tố tội phạm buôn lậu súng. Với 23 biện pháp hành chính được đưa ra cùng một lúc, giới phân tích rằng đây là một chiến dịch kiểm soát súng đạn tham vọng nhất trong nhiều thế hệ ở Mỹ. Nếu đồng loạt 23 biện pháp này được thực thi đầy đủ và nghiêm ngặt, sắc lệnh hành mà ông Obama vừa ban hành sẽ đánh dấu một cuộc cải cách kiểm soát súng đạn sâu rộng nhất trong nhiều thập kỷ qua. Tuy nhiên, trái với sự ủng hộ từ người dân, kế hoạch ngăn chặn các vụ xả súng đẫm máu ở Mỹ của ông Obama đã gặp phải sự phản đối từ các chính trị gia ủng hộ súng.
Đến nay, Mỹ vẫn đang luẩn quẩn tìm giải pháp cho việc kiểm soát súng đạn, vốn là vấn đề lịch sử của nước này.