Trước đó, ngày 15/3, UBND tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức Hội nghị công bố Quyết định 229-QĐ/UBND ngày 12/2/2019, phê duyệt quy hoạch chi tiết và thiết kế đô thị, tỷ lệ 1/500 khu vực trung tâm Hòa Bình, TP Đà Lạt.
Đồ án thiết kế đô thị trung tâm Hòa Bình (TP Đà Lạt) vấp phải sự phản đối của dư luận và chuyên gia. |
Theo quyết định, trung tâm Hòa Bình là trung tâm của TP Đà Lạt tại phường 1 sẽ được quy hoạch, thiết kế với quy mô dân số 6.870 người trên diện tích khoảng 30ha. Trung tâm này được chia làm 5 phân khu: Phân khu 1 là Khu vực Chợ Đà Lạt và đường Nguyễn Chí Thanh, Phân khu II là Khu vực Trung tâm Hòa Bình, Phân khu II là Khu vực đồi Dinh, Phân khu IV là Khu vực chỉnh trang đô thị và Phân khu V là Khu vực ven hồ Xuân Hương.
Ngay sau khi Quyết định này được công bố, đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ dư luận, trong đó có gần 80 kiến trúc sư ở TP Hồ Chí Minh gửi đơn kiến nghị đến nhiều cơ quan chức năng, trong đó có Hội KTS Việt Nam thể hiện sự không đồng tình với đồ án này.
Đánh giá về đồ án, Hội đồng KTS Việt Nam nhận xét mặt tích cực của đồ án là đã chia khu vực trung tâm Hòa bình thành 5 phân khu, trong đó giải pháp bảo tồn khu chợ Đà Lạt và chỉnh trang khu dân cư phía Tây là hợp lý. Đồ án cũng tạo nhiều không gian công cộng như quảng trường và vườn hoa, khai thác không gian ngầm, tổ chức giao thông cơ giới với ưu tiên cho người đi bộ.
Theo Phó Chủ tịch Hội KTS Việt Nam Nguyễn Quốc Thông, khu đồi Dinh Tỉnh trưởng có giá trị đặc trưng là địa điểm cao với nhiều cây thông lâu năm và công trình Dinh Tỉnh trưởng hơn 100 năm tuổi ẩn trong cảnh quan. Do vậy, việc xây dựng khách sạn lớn ở đây là không phù hợp, nên khai thác vào mục đích du lịch cao cấp, có thể bổ sung thêm một số chức năng dịch vụ du lịch nhưng không làm mất đặc trưng cảnh quan xanh của khu đồi Dinh.
Khu vực rạp Hòa Bình có vị trí và kiến trúc ban đầu do Kiến trúc sư L.G. Pineau thiết kế theo xu hướng tiền hiện đại, đã trải qua thăng trầm nên có giá trị như một di sản ký ức của người dân Đà Lạt. Do đó, cần khai thác giá trị ký ức của không gian di sản này trong công trình mới. Nếu có xây dựng công trình mới thì nên có quy mô vừa phải và tỷ lệ phù hợp với khung cảnh của khu phố như phần chuyển tiếp không gian.
"Yếu tố tầm nhìn cảnh quan và mối liên kết công trình cũ với công trình mới cũng là vấn đề cần đặc biệt quan tâm. Từ khu Hòa Bình ra phía hồ Xuân Hương là ưu tiên quan trọng nhất nên không được xây dựng thêm bất cứ công trình nào chắn ngang. Công trình mới và cũ cần phải có sự hài hòa về tỷ lệ và khối tích, có sự thống nhất về không gian trong quá trình phát triển" - KTS Nguyễn Quốc Thông nói.