Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hội Liên hiệp phụ nữ quận Long Biên: Giúp đỡ, tạo việc làm cho người cai nghiện ma túy

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Do Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) quận Long Biên làm tốt công tác tuyên truyền, gần gũi và giúp đỡ chồng con của hội viên mắc nghiện ma túy, đến nay nhiều người sau cai nghiện đã hoàn lương, được giới thiệu việc làm ổn định cuộc sống.

Đa dạng hình thức phòng, chống ma túy
Năm 2019, Hội LHPN quận Long Biên đã chỉ đạo các cơ sở Hội giúp đỡ được 41 đối tượng cai nghiện là chồng con hội viên không sử dụng ma túy, tạo việc làm hòa nhập cuộc sống. Để đạt được kết quả này, ngay từ đầu năm 2019, Hội LHPN quận đã xây dựng kế hoạch triển khai công tác phòng, chống ma túy, mại dâm, HIV/AIDS trong các cơ sở Hội.
Bà Lưu Thị Hà – Chủ tịch Hội LHPN quận Long Biên thông tin: Hội LHPN quận đã chỉ đạo tất cả 14 cơ sở Hội chủ động phối hợp với Ban chỉ đạo phòng chống tệ nạn xã hội các phường rà soát, thống kê người nghiện trên địa bàn. Cùng với đó là lập danh sách thanh, thiếu niên có biểu hiện chưa ngoan, hay tụ tập bạn bè xấu; người nghiện là chồng, con cán bộ hội viên hoặc nữ nghiện. Sau đó, Hội LHPN quận Long Biên phân công cán bộ phối hợp với gia đình, cảnh sát khu vực giúp đỡ và quản lý.
 Hội Liên hiệp phụ nữ quận Long Biên đoạt giải Nhất hội thi tuyên truyền phòng, chống ma túy. Ảnh: Trần Oanh
Trong năm 2019, Hội LHPN quận Long Biên và 14 cơ sở Hội đã tổ chức 45 buổi tuyên truyền cho 4.650 cán bộ, hội viên về cách phòng, chống ma túy, mại dâm, lây nhiễm HIV/AIDS. Cùng với đó. Hội vận động tạo sự chuyển biến về nhận thức và hành động của mỗi cán bộ, hội viên, phụ nữ về chủ động phòng ngừa, ngăn chặn, phòng chống tội phạm, tiến tới đẩy lùi tệ nạn ma túy, mại dâm, giảm tỷ lệ nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng.
Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác vận động cai nghiện, quản lý, giúp đỡ người nghiện sau cai, các cơ sở Hội phụ nữ đa dạng hình thức tuyên truyền, vận động (nói chuyện, tọa đàm, phát tờ rơi...); tăng cường phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể trong triển khai thực hiện.
Đồng thời, Hội Phụ nữ quận gắn thực hiện kế hoạch phòng, chống ma túy, mại dâm, HIV/AIDS với triển khai các phong trào thi đua của Hội; phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; phòng, chống tội phạm; thực hiện Nghị quyết liên tịch 01 về “Quản lý, giáo dục người thân trong gia đình không phạm tội và tệ nạn xã hội”.
Hội còn nâng cao chất lượng hoạt động mô hình tuyên truyền bằng những hiệu quả như Tổ phụ nữ “trong sạch”; tổ phụ nữ “2 không, 1 có”; nhóm Liên gia phòng, chống ma túy; Câu lạc bộ (CLB) B93 và các CLB “Nghĩa tình”; Phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội; Phòng, chống HIV/AIDS; Đồng cảm người cao tuổi; Phụ nữ phòng chống mại dâm... Ngoài ra, là tuyên truyền những gương điển hình tiên tiến, biểu dương, khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phòng, chống ma túy.
Sát sao với từng đối tượng
Để tìm hiểu công tác phòng, chống giúp đỡ người nghiện sau cai, chúng tôi đến ghi nhận thực tế tại phường Đức Giang. Bà Nguyễn Thị Minh Phúc – Chi Hội trưởng phụ nữ tổ 16 phường Đức Giang cho biết: Hội Phụ nữ phường Đức Giang đang giúp đỡ 4 người sau cai nghiện trở về. Phường không có đối tượng nghiện ma túy mới phát sinh.
Để đạt được kết quả này, vào đầu năm, khi nhận được chỉ đạo của Hội Phụ nữ quận chuyển xuống, Hội Phụ nữ phường Đức Giang đã lên kế hoạch tuyên truyền về phòng chống ma túy, mại dâm, HIV/AIDS tới tận tổ dân phố. Đồng thời phân công chi hội phụ nữ ở khu dân cư giúp đỡ từng đối tượng. Và, trong bất kỳ hội nghị nào cũng được lồng ghép nội dung phòng chống tệ nạn xã hội, trật tự an ninh...
Bà Phúc kể cho chúng tôi nghe về hành trình tiếp cận người đi cai trở về hết sức gian nan. Ở tổ 16 có đối tượng S.H.T., sinh năm 1969 bị nghiện heroin từ khi mới 16 tuổi. T. đã có 5 lần đi cơ sở cai nghiện nhưng không được, gia đình phải bó tay. Là thành viên trong đội phòng chống ma túy của phường, bà Phúc nhiều lần đến nhà T. nhưng đều bị từ chối gặp, xua đuổi. Không tiếp cận được T., bà Phúc lại quay ra nói chuyện với người mẹ và thông qua một người bạn thân của T. để có những động viên, khuyên nhủ. Thế rồi, sau 5 tháng kiên trì, thuyết phục, T. bắt đầu nói chuyện với bà Phúc và nghe lời khuyên từ bỏ ma túy...
Đáng mừng hơn, cách đây 2 năm, thông qua Ngày hội việc làm do quận Long Biên phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội tổ chức, bà Phúc đã tìm cho T. công việc bảo vệ, lương tháng 4,5 triệu đồng. Từ ngày có việc làm, T. đã thay đổi, sức khỏe cải thiện, tránh xa ma túy. “Trường hợp này đã hoàn lương, tôi hoàn toàn yên tâm, kể cả việc cho đi xét nghiệm lại. Nhưng tôi vẫn phải theo dõi T., bằng cách đến nhà kiểm tra bất kỳ giờ nào” – bà Phúc cho hay.
T.T.L. sinh năm 1968 cũng là đối tượng nghiện được bà Phúc cảm hóa, giúp đỡ nhiều năm nay. L. đã đi cơ sở cai nghiện 3 lần, thế nhưng, mỗi lần trở về, đồ đạc trong nhà cứ đội nón ra đi. Thậm chí, người mẹ già vừa lĩnh vài triệu đồng lương hưu mang về cất giấu kỹ đến mấy cũng bị cậu ta lấy mất. Với trường hợp này, bà Phúc cũng rất vất vả khi vận động cậu ta đến Trung tâm y tế làm xét nghiệm để dùng Mathadone thay thế... Do được dùng thuốc đều, lại được sự đồng hành và sát cánh của bà Phúc, giờ đây, L. sửa chữa nhà cửa khang trang hơn, vợ đi làm, con học giỏi. Có tay nghề thợ mộc nên hàng ngày L. nhận sửa chữa đồ dùng, nhận hàng về làm.
Ngoài ra, L. còn tham gia vào Câu lạc bộ B93 của phường Đức Giang. “Tôi đã thấy được tác hại của ma túy và có ý thức tránh xa chất gây nghiện này. Sở dĩ, tôi có được như ngày hôm nay là nhờ rất nhiều công lao của cô Phúc giúp đỡ. Cô Phúc là người đã sinh ra lần thứ hai” – anh L. xúc động nói. Hay, trường hợp T.N.Đ., sinh năm 1962 đi cai nghiện nhiều lần trở về được tạo điều kiện sử dụng thuốc Methadone thay thế, người khỏe ra. Từ tháng 3/2019, Đ. còn được xét duyệt đề xuất Ngân hàng Chính sách xã hội Long Biên cho vay 50 triệu đồng để mở rộng kinh doanh hàng ăn.
Sau 12 năm tiếp xúc và giúp đỡ các đối tượng nghiện ma túy cai thành công hòa nhập cộng đồng, bà Phúc đã rút ra nhiều kinh nghiệm. Thứ nhất, mình phải có tâm. Thứ hai, gần gũi, tâm sự, nắm được tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của đối tượng. Sự kết hợp với gia đình và các đoàn thể. Cán bộ Hội phụ nữ phối hợp sát sao với cảnh sát khu vực.
Dù đã bước qua tuổi 70, ngoài đảm nhiệm vai trò Chi hội trưởng phụ nữ tổ 16, bà Phúc còn là thành viên CLB B93 phường Đức Giang và nhiều vị trí khác nhưng chưa bao giờ cảm thấy mệt mỏi. Bà Phúc chia sẻ, khi giúp được đối tượng cai nghiện hòa nhập cộng đồng đó là động lực để tiếp tục cống hiến cho xã hội.
Chúng tôi đã hiểu, những người tâm huyết, sát sao như bà Phúc đã góp phần làm nên thành công trong công tác cảm hóa, giúp đỡ các đối tượng cai nghiện tránh xa ma túy, có việc làm, được vay vốn làm ăn.

"Để công tác cảm hóa, giúp đỡ thanh thiếu niên hư chậm tiến, người nghiện và người vi phạm pháp luật đi vào nền nếp, Hội LHPN Long Biên đã phối hợp với Công an quận xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện Nghị quyết liên tịch 01/NQ-LT về Quản lý, giáo dục con em trong gia đình không phạm tội và tệ nạn xã hội”, gắn với đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 09/CP; Chương trình Quốc gia phòng chống tội phạm, phòng chống ma túy, phòng chống buôn bán người và các phong trào thi đua đến từng chi hội.

Đặc biệt, các cấp Hội coi trọng công tác tuyên truyền đến hội viên và gia đình, đẩy mạnh đa dạng hóa các loại hình truyền thông giáo dục phòng, chống tội phạm, phòng, chống ma túy. " - Chủ tịch Hội Phụ nữ quận Long Biên Lưu Thị Hà