Thúc đẩy sự ra đời và phát triển mạnh mẽ các đô thị vệ tinh
Góp ý Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), luật gia Lê Trung Đức - Chủ tịch Hội Luật gia quận Tây Hồ nhận xét, Dự thảo Luật quy định một số thẩm quyền đặc thù cho HĐND, UBND thành phố thuộc thành phố Hà Nội là đảm bảo quyền chủ động, linh hoạt cho chính quyền HĐND, UBND; đảm bảo tính hiện thực, hiệu lực, hiệu quả; đảm bảo quản trị đô thị mới có chức năng, nhiệm vụ chuyên biệt.
Xét về vị trí, thành phố thuộc thành phố Hà Nội được xác định là chính quyền cấp huyện tương đương với quận, thị xã nhưng để đáp ứng các yêu cầu phát triển và vận hành của đô thị mới, chính quyền thành phố thuộc thành phố Hà Nội được trao quyền tự quyết cao hơn để tạo điều kiện bứt phá, tăng tính chủ động, sáng tạo, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu là Chủ tịch HĐND, Chủ tịch UBND thành phố thuộc thành phố Hà Nội, cho phép thành phố chủ động trong giao biên chế đủ đảm bảo thực hiện nhiệm vụ quản lý hành chính Nhà nước.
Việc tổ chức mô hình thành phố thuộc thành phố Hà Nội là để thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước tại Điều 3 Nghị quyết số 15-NQ/TW, Nghị quyết số 06-NQ/TW, Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị năm 2022 về phát triển Thủ đô cần phải đẩy mạnh phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho Hà Nội, tạo tiền đề bứt phá. Trong tương lai theo Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; hai thành phố thuộc thành phố Hà Nội sẽ hình thành, đó là thành phố ở khu vực phía Bắc gồm các huyện Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh và thành phố phía Tây gồm khu đô thị Hòa Lạc và Xuân Mai. Việc thành lập thành phố thuộc thành phố Hà Nội là thúc đẩy sự ra đời và phát triển mạnh mẽ các đô thị vệ tinh.
Ngoài ra, theo luật gia Lê Trung Đức, quan điểm Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) là phân cấp, phân quyền mạnh mẽ hơn của Trung ương cho Hà Nội song phải đi kèm cơ chế tương ứng để Thủ đô thực hiện. Nguyên tắc lập pháp này nhằm đảm bảo tính khả thi, giúp xóa đi tính e ngại, sợ sai của đội ngũ cán bộ, công chức các bộ, ngành và nhất là cán bộ thành phố khi triển khai nhiều công việc mới và khó.
Luật gia Nguyễn Vinh Tùng (Trung tâm tư vấn pháp luật, Hội Luật gia Hà Nội) đề xuất, Luật nên xây dựng 1 chương về vấn đề con người và cán bộ cũng như mọi thành tố liên quan nêu ở điều này một cách đầy đủ và toàn diện vì tính chất quyết định và vô cùng quan trọng. Chương V – Liên kết phát triển Vùng Thủ đô, cần có 1 điều về Công tác đánh giá thực hiện Luật hằng năm của Hội đồng điều phối Vùng Thủ đô và của tất cả các cơ quan có liên quan là đối tượng thi hành và thực hiện Luật; hoặc đưa vào chương VI – Điều khoản thi hành, với đầy đủ cơ chế về tiêu chuẩn đánh giá công tác.
Cụ thể, là khái niệm Thu hút, trọng dụng, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Thu hút, trọng dụng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong ba lĩnh vực quản lý hành chính, quản lý khoa học và quản lý kinh tế có những điểm khác nhau. Tác dụng và sức ảnh hưởng của nguồn nhân lực chất lượng cao đối với sự phát triển xã hội về chính trị, kinh tế và văn hóa? Nên thu hút và trọng dụng thế nào với đối tượng này? Các biện pháp và giải pháp trong nhiệm vụ thu hút và trọng dụng với đối tượng này?
Quan tâm xây dựng các trường THPT công lập khu vực nội thành
Tham gia góp ý, luật gia Nguyễn Kim Thoa (Hội Luật gia quận Thanh Xuân) đề nghị bổ sung vào Điều 24 dự thảo Luật 1 khoản quy định về quy hoạch và lộ trình cụ thể theo năm để xây dựng mạng lưới các trường THPT công lập trong khu vực nội thành đảm bảo một tỷ lệ nhất định. Ví dụ, 85-90% học sinh tốt nghiệp THCS được học ở các trường THPT công lập. Ngoài ra, cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung thêm 1 khoản quy định về xây dựng nông thôn mới vì hiện nay trên địa bàn Hà Nội đang quan tâm việc xây dựng nông thôn mới.
Trong khi đó, luật gia Nguyễn Thị Hồng Thắng - Chi hội Luật gia Văn phòng Thành hội, giảng viên Đại học Y Hà Nội đề nghị xem xét bỏ một phần trong quy định: “Chuyển giao các bệnh viện thuộc bộ, cơ quan nhà nước ở Trung ương về thành phố Hà Nội quản lý, trừ các bệnh viên thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an; bệnh viện hạng đặc biệt; bệnh viện của các trường đại học y”. Theo đó, cần tiếp tục để Bộ Y tế quản lý các Bệnh viện thuộc Bộ Y tế, bệnh viện hạng đặc biệt. Bởi theo Luật Tổ chức chính phủ, Luật Khám bệnh, chữa bệnh, để thực hiện chức năng Chính phủ giao, Bộ Y tế phải có các công cụ, lực lượng để thực hiện quản lý về khám chữa bệnh trên phạm vi toàn quốc.
“Nếu giao các bệnh viện do Bộ Y tế quản lý về Thủ đô, vậy có vênh với các quy định về thẩm quyền quản lý theo ngành, theo lãnh thổ không. Vì xét ở góc độ chung nhất, quyết định quản lý của Thủ đô Hà Nội áp dụng trong phạm vị địa giới Hà Nội, không thể áp dụng sang địa giới tỉnh, thành phố khác…” - luật gia Nguyễn Thị Hồng Thắng nêu quan điểm.
Theo luật sư Nguyễn Hồng Tuyến - Chủ tịch Hội Luật gia TP Hà Nội, Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã kế thừa một số quy định còn phù hợp với Luật Thủ đô năm 2012, Luật hóa một số quy định trong các Nghị định của Chính phủ được thực tế chứng minh phù hợp với sự phát triển của Thủ đô trong giai đoạn mới, các quy định của dự thảo Luật phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, tuân thủ Hiến pháp năm 2013 và đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật Việt Nam.
Theo quy định của dự thảo Luật (về phân cấp, phân quyền cho HĐND, UBND Thành phố) để thi hành Luật Thủ đô (sửa đổi): HĐND, UBND thành phố Hà Nội phải ban hành rất nhiều Nghị quyết, Quyết định (dự kiến gần 100 Nghị quyết, Quyết định). Để Luật sau khi có hiệu lực thi hành được thực hiện ngay, Ban Chỉ đạo xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi), HĐND Thành phố, UBND Thành phố cần giao cho các cơ quan chức năng có nhiệm vụ xây dựng chính sách pháp luật ngay từ bây giờ, xây dựng các Nghị quyết của HĐND, các Quyết định của UBND thực hiện các điều, khoản Luật giao cho HĐND, UBND Thành phố quy định, quyết định.