Phát triển kinh tế nội khối là một thách thức lớn với cả khối ASEAN, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, các nước ASEAN sẽ dần dần tìm ra giải pháp theo hướng tăng cường sự hợp tác giữa các bên, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng cho biết.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng cho rằng cần tăng cường thúc đẩy kinh tế nội khối ASEAN. Ảnh: ASEAN2020.vn |
Ngày 23/6, tại cuộc họp báo về Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36, trả lời câu hỏi của phóng viên về các giải pháp thúc đẩy kinh tế nội khối ASEAN được đề cập tại Hội nghị Cấp cao lần này, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng cho biết, so với khối EU, giao dịch nội khối trong ASEAN rất thấp. Cụ thể, thương mại nội khối chiếm khoảng hơn 20% trong tổng giá trị thương mại của ASEAN.
“Việc này tồn tại không phải là ngoài ý muốn của các nước trong khối. Các nước ASEAN vẫn muốn tăng cường kinh tế nội khối, nhưng do cơ cấu về hàng hóa, tập quán làm ăn, hợp tác với các đối tác nên hợp tác kinh tế của ASEAN với các đối tác các nước ngoài khu vực nhiều hơn so với trong khối với nhau”, ông Dũng cho biết.
Các nhà lãnh đạo ASEAN cho rằng cần phải thúc đẩy phát triển kinh tế nội khối hơn nữa. Covid-19 xảy ra cũng giúp cho các nước tính đến việc tận dụng thị trường trong nước và của các nước khác trong khối, theo Thứ trưởng Dũng.
Để tăng cường kinh tế nội khối, các nước trong khối cần có nhiều biện pháp chia sẻ, hợp tác trong đó có vấn đề liên quan đến thuế quan, hàng rào phi quan thuế đang dựng lên để bảo hộ thương mại trong nước. Đây là vấn đề các nước đã từng đề cập đến khi tìm giải pháp nhằm đẩy mạnh kinh tế nội khối hơn nữa. Tuy nhiên, điều này còn phụ thuộc đến lợi ích của doanh nghiệp và của mỗi nước nên đây không phải là vấn đề đơn giản.
“Tuy nhiên, tôi tin rằng có thể chưa thể nhanh chóng tìm ra được giải pháp nhưng sẽ dần dần theo hướng tăng cường sự hợp tác quốc tế giữa các nước”, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng kết luận.
Hiệp định RCEP là một ưu tiên của ASEAN. Ảnh: ASEAN2020.vn |
Tăng cường kinh tế, thương mại nội khối ASEAN theo hướng “gắn kết và chủ động thích ứng” là một trong những ưu tiên khi Việt Nam trong vai trò là Chủ tịch ASEAN trong năm 2020.
Các chuyên gia, nhà hoạch định chính sách trong nước và quốc tế đánh giá tiềm năng hợp tác nội khối ASEAN là rất lớn. Khu vực đã có những sáng kiến cũng như các cam kết quan trọng để thúc đẩy lĩnh vực này.
Hiện nay, hầu hết thuế quan giữa các nước ASEAN đều bằng không, lĩnh vực đầu tư và dịch vụ được đặc biệt chú trọng. ASEAN cũng đang hướng tới các hiệp định thương mại đa phương như Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) hay các hiệp định kinh tế với các đối tác ASEAN+1.
Hiệp định RCEP kỳ vọng được ký kết trong năm 2020
Liên quan đến phiên thảo luận Hiệp định RCEP tại Hội nghị Cấp cao lần này, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng đánh giá RCEP là một ưu tiên của ASEAN. Hiện nay, có 16 nước cơ bản đã đàm phán xong hiệp định này trừ Ấn Độ đã rút khỏi vòng đàm phán.
Với mong muốn Ấn Độ sẽ tham gia cùng với các nước khác, các cuộc đàm phán vẫn đang diễn ra tính đến các nội dung bổ sung để Ấn Độ có thể tham gia. Các nước còn lại rất quyết tâm và kỳ vọng có thể đi đến ký kết hiệp định RCEP trong năm nay.
ASEAN đối mặt thách thức khi cạnh tranh chiến lược giữa các nước
Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng căng thẳng ở các lĩnh vực và các khía cạnh khác nhau. Điều này gây ra những khó xử cho nhiều nước trên thế giới không riêng các nước ASEAN và đó cũng là thách thức cho ASEAN.
“Việc cạnh tranh này đặt ra nguy cơ các nước có thể phải chọn bên nhưng ASEAN đã xác định ASEAN sẽ không chọn bên mà chọn lợi ích của ASEAN dựa trên lập trường và nguyên tắc riêng. Tinh thần đó cũng sẽ tiếp tục được thể hiện trong Hội nghị Cấp cao sắp diễn ra”, Thứ trưởng Dũng cho biết.
Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36 sẽ bàn thảo về các sáng kiến tăng quyền phụ nữ trong thời đại số. Ảnh: TTXVN. |