Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hội nghị cấp cao Tổ chức các nước châu Mỹ - hội nghị của sự hòa giải

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 10/4 tại Panama diễn ra Hội nghị cấp cao lần thứ 7 Tổ chức các nước châu Mỹ, với sự tham gia lần đầu tiên của Cuba.

Hội nghị lần này được xem là hội nghị của sự hòa giải khi dự kiến lần đầu tiên sẽ chứng kiến cái bắt tay của Mỹ và Cuba sau hàng thập kỷ căng thẳng, cũng như dấu hiện cải thiện trong quan hệ Mỹ và Venezuela sau nhiều tháng gia tăng bất đồng. Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn còn những khác biệt lớn mà các nước châu Mỹ sẽ cần nhiều thời gian để xóa bỏ.
Tổng thống Panama (áo vàng) chào đón người đồng cấp Mỹ Barack Obama. Ảnh AP
Tổng thống Panama (áo vàng) chào đón người đồng cấp Mỹ Barack Obama. Ảnh AP
Hội nghị năm nay diễn ra với chủ đề "Thịnh vượng và công bằng: Thách thức hợp tác ở khu vực châu Mỹ" và được dư luận đặc biệt quan tâm nhất là do sự tham gia lần đầu tiên của Cuba, cũng như sự cải thiện trong quan hệ Mỹ - Cuba. Sau những nỗ lực bền bỉ từ hai phía, với sự ủng hộ mạnh mẽ của các thành viên Tổ chức các quốc gia châu Mỹ, Mỹ và Cuba đang nỗ lực hướng tới việc bình thường hóa quan hệ.

Vấn đề Cuba từng là biểu tượng của sự chia rẽ, mất đoàn kết tại khu vực, song hội nghị lần này chứng kiến hai quốc gia cựu thù có thể ngồi cạnh nhau. Ngay trước thềm hội nghị, Chính phủ Mỹ cho biết đang xem xét đề xuất của Bộ Ngoại giao nước này đưa Cuba ra khỏi danh sách các nước hỗ trợ khủng bố, một trong những lý do khiến Cuba ngần ngại chưa quyết định mở cửa trở lại Đại sứ quán tại Washington.

Ông Manuel Yepes, chuyên gia phân tích chính trị quốc tế nói: “Tôi cho rằng, cuộc gặp có thể giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ và Cuba sẽ không có ảnh hưởng trực tiếp tới quan hệ hai nước. Song cuộc gặp có thể làm dịu bầu không khí và có thể thúc đẩy quan hệ Mỹ - Cuba”.

Cùng với đó là quan hệ giữa Mỹ và Venezuela. Trong một động thái đảo ngược lập trường, Chính phủ Mỹ mới đây bất ngờ tuyên bố Venezuela không phải là mối đe dọa an ninh quốc gia của Mỹ và thậm chí còn tuyên bố, quyết định trừng phạt Venezuela "hoàn toàn mang tính chiếu lệ", do phe Cộng hòa chi phối Quốc hội Mỹ khởi xướng, và chính quyền Obama không nhắm tới bất kỳ thay đổi nào ở Venezuela.

Những tuyên bố này cho thấy nỗ lực của Mỹ "làm hòa" với các nước Mỹ Latin và xoa dịu bầu không khí chống Mỹ tại sự kiện lớn nhất bán cầu phía Tây.

Ngay sau những tuyên bố này, Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro cũng thể hiện sự mềm dẻo khi khẳng định, nước này quan tâm tới  mối quan hệ hữu nghị với Mỹ.

Ngay trong phát biểu ngày 9/4, ông Maduro cũng một lần nữa nhắc lại lập trường này  khi nhấn mạnh, ông nhìn thấy cơ hội cải thiện quan hệ với Mỹ.

“Những tuyên bố của Tổng thống Obama tạm thời có thể mở ra con đường hướng tới một kỷ nguyên mới trong quan hệ giữa Venezuela, một quốc gia Mỹ Latin tự do và có chủ quyền với Mỹ”, ông Maduro nói.

Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, những dấu hiệu hòa giải này sẽ chỉ làm cho hội nghị bớt sóng gió hơn mà thôi, bởi những bất đồng sâu sắc tồn tại hàng thập kỷ sẽ chưa thể được tháo gỡ trong một sớm một chiều. Chính phủ Venezuela vẫn quyết tâm gửi tới hội nghị bản kiến nghị, với chữ ký của 10 triệu người dân nước này buộc Mỹ phải hủy bỏ sắc lệnh coi Venezuela là mối đe dọa an ninh quốc gia.

Và quyết tâm của ông Maduro nhận được sự ủng hộ của nhiều quốc gia Mỹ Latin như Paragoay, Urugoay, Argentina, Peru và đặc biệt là Cuba. Nước này cũng sẽ không vì các cuộc đàm phán đang diễn ra với Mỹ mà bỏ rơi một trong những đồng minh quan trọng của mình tại châu lục.

Trong bối cảnh Mỹ Latin ngày càng trở nên độc lập với Mỹ cả về chính trị và kinh tế, thì chắc chắn các quốc gia Mỹ Latin sẽ không từ bỏ mục tiêu hướng tới một mô hình hợp tác không chịu định hướng của lợi ích Mỹ.

Chính vì thế, dư luận rất chờ đợi hội nghị lần này để xem Mỹ sẽ thể hiện vai trò và xử lý các mâu thuẫn trong khu vực như thế nào.