Hội nghị Đối ngoại toàn quốc triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng: Phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại

Trần Long - Ảnh: Tuấn Anh, Thanh Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng nay, 14/12, Bộ Chính trị, Ban Bí thư T.Ư Đảng tổ chức Hội nghị đối ngoại toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng theo hình thức trực tuyến. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì và phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

Dự Hội nghị tại điểm cầu T.Ư có các Ủy viên Bộ Chính trị: Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc; Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng; Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh, cùng các Ủy viên Bộ chính trị, Ban Bí thư; Ủy viên T.Ư Đảng; Ủy viên dự khuyết T.Ư Đảng; lãnh đạo các tổ chức chính trị-xã hội, các cơ quan, ban Đảng, các bộ, ngành T.Ư và địa phương; cán bộ thực hiện công tác đối ngoại của các cơ quan, tổ chức; các Đại sứ, Tổng Lãnh sự; cán bộ các cơ quan liên quan; và các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.
Đại biểu TP Hà Nội dự hội nghị có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đinh Tiến Dũng dự tại điểm cầu T.Ư.
Tại điểm cầu Thành ủy Hà Nội có Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến; Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn; Phó Bí thư Thành uỷ Nguyễn Văn Phong; Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Nguyễn Lan Hương cùng các Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, lãnh đạo HĐND, UBND TP...
Đây là lần đầu tiên một Hội nghị chuyên sâu về đối ngoại được tổ chức, nhằm đánh giá những thành tựu đạt được qua 35 năm đổi mới trong lĩnh vực đối ngoại, nhìn lại những bài học kinh nghiệm và nhận diện rõ hơn những vấn đề lớn đặt ra trong thời gian tới.
 Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước tới dự Hội nghị. Ảnh: TTXVN
Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 189/193 quốc gia 
Từ việc phân tích rõ tình hình quốc tế, Hội nghị làm sâu sắc hơn đường lối đối ngoại, quan điểm đối ngoại và các biện pháp thực hiện trong tình hình mới, Hội nghị tạo ra sự thống nhất trong nhận thức, quán triệt đường lối đối ngoại và thực hiện triển khai đồng bộ trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân; qua đó tạo sự đồng thuận trong toàn xã hội, sự đồng lòng của người Việt Nam ở nước ngoài cũng như tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế. Trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc, công tác đối ngoại có vai trò rất quan trọng trong việc bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ cũng như góp phần nâng cao vị thế đất nước ngày nay.
Thực hiện đúng phương châm “sẵn sàng làm bạn với tất cả các nước dân chủ” của Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra ngay từ những ngày đầu lập nước, Việt Nam đã thực sự “là bạn, là đối tác tin cậy của tất cả các nước và là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế".
Đến nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 189/193 quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc; thiết lập được khuôn khổ quan hệ ổn định, lâu dài với 30 đối tác chiến lược, toàn diện, tạo nền tảng vững chắc để Việt Nam cùng các nước nâng tầm hợp tác vì lợi ích của mỗi nước và vì hòa bình, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.
Bên cạnh đó, nước ta đã tham gia và đạt được nhiều kết quả tích cực trong quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng; giữ gìn môi trường hòa bình; không chỉ tranh thủ được các điều kiện thuận lợi cho việc phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội mà còn tạo điều kiện để tham gia vào các hệ thống của khu vực và quốc tế cũng như hệ thống các vấn đề phát triển kinh tế-xã hội. Cùng với đó, Việt Nam xử lý được những thách thức, trong đó có cả những thách thức an ninh truyền thống và thách thức an ninh phi truyền thống.
 Quang cảnh Hội nghị Đối ngoại toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. (Ảnh: Tuấn Anh)
Trong định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030 về lĩnh vực đối ngoại, Đảng ta khẳng định: “Tiếp tục thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, có hiệu quả; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, không ngừng nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của Việt Nam”. Muốn như vậy, chúng ta phải quán triệt đường lối đối ngoại và triển khai đồng bộ cả về song phương và đa phương trong đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước, đối ngoại Nhân dân; phát huy được sức mạnh của toàn bộ hệ thống chính trị.
Đối ngoại góp phần nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam
Báo cáo về thành tựu trong công tác đối ngoại của Đảng và Nhà nước tập trung vào 5 năm qua (2016 - 2021) tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh cho biết, phát huy mạnh mẽ tư duy đổi mới được khởi xướng từ Đại hội VI (1986), đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hoà bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hoá, đa dạng hoá, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, vì lợi ích quốc gia dân tộc, Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế đã chứng tỏ tính đúng đắn và ngày càng được phát triển, hoàn thiện. Trên cơ sở đó và dưới sự lãnh đạo trực tiếp, tuyệt đối, toàn diện của Đảng, đối ngoại thời kỳ Đổi mới đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, đóng góp xứng đáng vào thành tựu chung của đất nước trong 35 năm qua.
Theo Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh, trong tổng thể các thành tựu của đất nước có sự đóng góp không nhỏ của đối ngoại và hội nhập quốc tế. Công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế được Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị đặc biệt quan tâm, chủ động triển khai và đạt nhiều kết quả quan trọng, tích cực, toàn diện nổi bật.
Trong đó, về công tác lãnh đạo, chỉ đạo, xây dựng và hoàn thiện thể chế để triển khai đồng bộ đường lối đối ngoại và hội nhập quốc tế của Đảng. Tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ, nâng tầm quan hệ với các đối tác; đưa các mối quan hệ này ngày càng phát triển đi vào chiều sâu trên cơ sở tăng cường tin cậy chính trị, nâng cao hiệu quả các cơ chế hợp tác. Đảng ta đã thiết lập quan hệ với 247 chính đảng ở 111 quốc gia, Quốc hội Việt Nam có quan hệ với quốc hội, nghị viện của hơn 140 nước, các đoàn thể, tổ chức Nhân dân có quan hệ với hàng nghìn tổ chức nhân dân và phi chính phủ nước ngoài.
 Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đại biểu tham quan triển lãm “Thành tựu đối ngoại Việt Nam qua các thời kỳ”. Ảnh: Tuấn Anh
Trong đại dịch Covid-19, chúng ta đã triển khai quyết liệt, kịp thời và hiệu quả công tác ngoại giao y tế/vaccine trên cả kênh song phương và đa phương. Đến nay, Việt Nam đã nhận được trên 151 triệu liều vaccine (đạt 100% mục tiêu đề ra), góp phần quan trọng vào công tác phòng, chống dịch hiệu quả đi đôi với phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Việt Nam cũng đã kịp thời viện trợ vật tư y tế và tài chính cho trên 50 quốc gia và tổ chức quốc tế, qua đó thể hiện rõ vai trò "thành viên có trách nhiệm" trong cộng đồng quốc tế.
Bên cạnh đó, đối ngoại góp phần tạo dựng và duy trì vững chắc môi trường hoà bình, ổn định, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và chế độ xã hội chủ nghĩa. Chúng ta đã cơ bản xây dựng được đường biên giới trên bộ hoà bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển với tất cả các nước láng giềng. 
Đối ngoại đa phương và hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng được đẩy mạnh, thiết thực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao vai trò, tiềm lực, vị thế và uy tín của đất nước: Đến nay, Việt Nam đã gia nhập và ký kết hơn 80 điều ước quốc tế đa phương; đã là thành viên của hơn 70 tổ chức, diễn đàn đa phương khu vực và toàn cầu; đã và đang tham gia hiệu quả vào xây dựng Cộng đồng ASEAN, đóng vai trò quan trọng trong củng cố đoàn kết nội khối, đẩy mạnh quan hệ của ASEAN với các đối tác.
Ngoài ra, đối ngoại góp phần thu hút nguồn lực to lớn từ bên ngoài để phát triển đất nước. Đến nay, Việt Nam đã có quan hệ thương mại với 224 thị trường và đối tác. 71 nước đã công nhận quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam. Với mạng lưới 15 FTA đã ký, trong đó có các FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, Việt Nam là một trong số ít nước tham gia hầu hết các liên kết kinh tế quan trọng. Các thị trường mà Việt Nam có FTA đều tăng trưởng xuất khẩu tốt. Mạng lưới FTA cũng đưa Việt Nam tham gia sâu hơn và trở thành mắt xích ngày càng quan trọng trong chuỗi giá trị và chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu. Nhờ liên kết kinh tế sâu rộng, năm 2021, mặc dù kinh tế thế giới rất khó khăn, kim ngạch thương mại của Việt Nam vẫn vượt mốc 600 tỉ USD, vốn đầu tư nước ngoài đã ký từ khi bắt đầu công cuộc Đổi mới đến nay đạt khoảng 400 tỉ USD.
Các lĩnh vực công tác đối ngoại như ngoại giao văn hoá, thông tin đối ngoại, công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài, bảo hộ công dân được triển khai toàn diện, chủ động, tích cực cả về chủ trương, chính sách cũng như trên thực tiễn. Đối ngoại được triển khai ngày càng đồng bộ trên tất cả các trụ cột: Đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước, đối ngoại Nhân dân; trên các lĩnh vực: Chính trị, quốc phòng, an ninh, kinh tế, văn hoá - xã hội, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ…, từ Trung ương đến địa phương. Cơ chế phối hợp trong công tác đối ngoại ngày càng hoàn thiện.

 Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Tuấn Anh
Nhìn tổng thể, đối ngoại đã phối hợp chặt chẽ với các ngành, lĩnh vực dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, tuyệt đối, toàn diện của Đảng và quản lý thống nhất của Nhà nước, phát huy được sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc và hệ thống chính trị, đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ như: Phát huy vai trò tiên phong trong giữ vững môi trường hoà bình, ổn định, bảo vệ vững chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và lợi ích quốc gia, dân tộc, bảo vệ Đảng, chế độ xã hội chủ nghĩa. Chủ động, tích cực đẩy mạnh hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng. Huy động nguồn lực to lớn từ bên ngoài phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trên thế giới.
5 bài học kinh nghiệm trong đối ngoại
Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh cho biết, từ những kết quả đã đạt được, có thể rút ra 5 bài học kinh nghiệm sau: Thứ nhất, bảo đảm sự lãnh đạo trực tiếp, tuyệt đối, toàn diện của Đảng, sự quản lý thống nhất của Nhà nước, sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành và toàn bộ hệ thống chính trị. Sự lãnh đạo của Đảng là điều kiện tiên quyết đối với mọi thắng lợi của công tác đối ngoại, phát huy sức mạnh của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trên mặt trận đối ngoại.
Thứ hai, nhất quán thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hoá, đa dạng hoá; vừa hợp tác vừa đấu tranh; kiên trì về nguyên tắc, linh hoạt về sách lược, "dĩ bất biến ứng vạn biến"; bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở luật pháp quốc tế.
Thứ ba, chiến lược đối ngoại của Việt Nam đặt trong tổng thể đường lối phát triển của đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa; gắn kết hài hoà, chặt chẽ, có hiệu quả với đường lối, chính sách quốc phòng, an ninh và phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội. Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, đặt sự phát triển của đất nước vào dòng chảy của thời đại, từ đó xây dựng, triển khai các đường lối, chính sách phù hợp, phát huy tối đa sức mạnh dân tộc, tranh thủ nguồn lực bên ngoài cho xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Thứ tư, đánh giá và dự báo đúng tình hình trong nước và quốc tế; không ngừng sáng tạo, đổi mới tư duy trong hoạch định và triển khai chính sách đối ngoại, phù hợp với lợi ích quốc gia - dân tộc và xu thế thời đại.
Thứ năm, nắm vững thời cơ, giành thắng lợi từng bước. Từ phá thế bao vây cấm vận, tiến tới chủ động thực hiện đa phương hoá, đa dạng hoá nhằm mở rộng quan hệ đối ngoại, đưa các mối quan hệ đi vào chiều sâu, thiết lập các khuôn khổ hợp tác bền vững và hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện.
 Các đại biểu dự Hôi nghị tại điểm cầu Thành ủy Hà Nội. Ảnh: Thanh Hải
Thực hiện 9 nhiệm vụ trọng tâm trong ngoại giao

Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh cho biết, trong 5-10 năm tới, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, nhanh chóng, với nhiều biến động to lớn, khó dự báo, tác động nhiều mặt đến môi trường an ninh và phát triển của đất nước ta. Các thách thức có thể gay gắt hơn, song Việt Nam cũng đứng trước nhiều cơ hội mới. Trong hoàn cảnh đó, sự lãnh đạo của Đảng cùng với thế và lực của đất nước sau 35 năm đổi mới là nhân tố quyết định để thực hiện thành công các mục tiêu đối ngoại.

Theo Phó Thủ tướng Thường trực, để góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển đất nước và triển khai thắng lợi đường lối đối ngoại Đại hội XIII đã đề ra, đối ngoại cần tiếp tục đổi mới tư duy và phương thức tổ chức hoạt động, tập trung vào 9 nhiệm vụ trọng tâm.

Một là, xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại với ba trụ cột là đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước, đối ngoại nhân dân. Bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, tuyệt đối, toàn diện và thống nhất của Đảng, quản lý tập trung của Nhà nước đối với đối ngoại và hội nhập quốc tế. Quán triệt sâu sắc, toàn diện, cụ thể hoá và tổ chức thực hiện đường lối đối ngoại Đại hội XIII của Đảng bằng các chiến lược, kế hoạch, chương trình, đề án đối ngoại và hội nhập quốc tế.

Hai là, củng cố tin cậy chính trị, mở rộng và làm sâu sắc hơn quan hệ với các đối tác, nhất là các nước láng giềng, các đối tác chiến lược, đối tác toàn diện, đối tác quan trọng và các nước bạn bè truyền thống, trên tinh thần bình đẳng, cùng có lợi, tôn trọng lẫn nhau và phù hợp với luật pháp quốc tế.

Ba là, triển khai mạnh mẽ, hiệu quả, sáng tạo hơn nữa đối ngoại đa phương, chủ động, tích cực phát huy vai trò, đóng góp xây dựng, định hình các thể chế đa phương và trật tự kinh tế - chính trị quốc tế; đặc biệt là ASEAN, Liên hợp quốc, các cơ chế hợp tác liên nghị viện quốc tế và khu vực (như AIPA, IPU), APEC, hợp tác tiểu vùng Mekong, cũng như trong các vấn đề quốc tế có tầm quan trọng chiến lược, phù hợp với yêu cầu, khả năng và điều kiện của Việt Nam.

Bốn là, tiếp tục kết hợp chặt chẽ giữa các trụ cột đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước, đối ngoại nhân dân và giữa đối ngoại với quốc phòng, an ninh để tạo thế chân kiềng vững chắc, giữ vững chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, huy động nguồn lực bên ngoài cho phát triển đất nước.

Năm là, giữ gìn, kế thừa và phát huy bản sắc ngoại giao Việt Nam kết hợp với văn hoá truyền thống của dân tộc, nghệ thuật ngoại giao Hồ Chí Minh để tiếp tục xây dựng và hoàn thiện khoa học, lý luận ngoại giao Việt Nam. Đẩy mạnh hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng, với trọng tâm là hội nhập kinh tế quốc tế, đồng thời thúc đẩy và nâng cao chất lượng hội nhập quốc tế trong các lĩnh vực văn hoá, xã hội, môi trường, khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, du lịch… qua đó đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững hơn.

Sáu là, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự lực tự cường của dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, giá trị văn hoá, sức mạnh con người Việt Nam và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Triển khai đồng bộ, hiệu quả, sáng tạo ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển, lấy địa phương, doanh nghiệp và người dân làm trung tâm phục vụ, kết hợp hiệu quả nguồn lực bên ngoài với các nguồn lực trong nước, góp phần thực hiện thắng lợi các chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Bảy là, nâng cao hiệu quả, đổi mới nội dung, phương thức của công tác ngoại giao văn hoá, thông tin đối ngoại, bảo hộ công dân, triển khai toàn diện và mạnh mẽ hơn công tác công tác người Việt Nam ở nước ngoài để tạo sự gắn kết chặt chẽ, phát huy được tối đa các nguồn lực, sức mạnh tổng hợp cho phát triển đất nước.

Tám là, mở rộng, nâng cao hiệu quả và đưa các mối quan hệ đối ngoại Đảng đi vào chiều sâu, tạo nền tảng chính trị cho quan hệ giữa nước ta với các nước; tạo lập sự đồng thuận và hậu thuẫn chính trị của các chính đảng và các lực lượng chính trị đối với sự nghiệp đổi mới. Củng cố, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại nhân dân, tạo nền tảng xã hội hữu nghị và hợp tác giữa nhân dân ta với nhân dân các nước. Tăng cường sự phối hợp giữa các tổ chức nhân dân với vai trò nòng cốt của MTTQ Việt Nam, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội khác trong hoạt động đối ngoại.

Chín là, kiện toàn và nâng cao hiệu quả của các cơ chế phối hợp liên ngành trong lĩnh vực đối ngoại. Nâng cao bản lĩnh, phẩm chất, năng lực, phong cách chuyên nghiệp, đổi mới sáng tạo của đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại để đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Xây dựng một nền ngoại giao toàn diện, hiện đại

Tham luận tại hội nghị, các đại biểu cho rằng, Hội nghị Đối ngoại toàn quốc triển khai thực hiện nghị quyết Đại hội XIII của Đảng là một hội nghị quan trọng trên nhiều phương diện, khẳng định Đảng và Nhà nước rất coi trọng vị trí, vai trò của của ngành đối ngoại trong sự nghiệp cách mạng dân tộc.

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, Đại hội XIII đã xác định rõ định hướng bao trùm của đối ngoại là bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia-dân tộc, triển khai đồng bộ, sáng tạo, hiệu quả hoạt động đối ngoại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, tiếp tục phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại trong tạo lập và giữ vững môi trường hoà bình, ổn định, huy động các nguồn lực bên ngoài, phục vụ cho phát triển và nâng cao vị thế, uy tín của đất nước.

 Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn tham luận tại Hội nghị Đối ngoại toàn quốc. Ảnh: Tuấn Anh

Để thực hiện những định hướng lớn nói trên, Đại hội XIII đã đề ra chủ trương “xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại với 3 trụ cột là: đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân”. Chủ trương mới này phản ánh sự trưởng thành của nền ngoại giao cách mạng Việt Nam. Đồng thời cũng là một yêu cầu mới vừa mang tính chiến lược, lâu dài, vừa mang tính cấp thiết đối với đối ngoại và ngành ngoại giao trong giai đoạn phát triển mới của đất nước.

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, là lực lượng chủ lực trên mặt trận đối ngoại, ngành ngoại giao quán triệt sâu sắc Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và các chủ trương, đường lối của Đảng, phát huy tối đa thế và lực mới của đất nước, thực hiện tốt các phương hướng, nhiệm vụ nhằm hướng tới xây dựng một nền ngoại giao toàn diện, hiện đại.

Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung nhấn mạnh, trong những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử của quá trình đổi mới, các hoạt động đối ngoại đóng góp lớn vào việc tạo lập, gìn giữ môi trường hòa bình cho phát triển, thiết lập và đưa vào chiều sâu quan hệ với tuyệt đại bộ phận các nước trên thế giới, trong đó có quan hệ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện với các nước lớn, các đối tác quan trọng khu vực. Kiên quyết, kiên trì bảo vệ độc lập chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, nâng cao vị thế và sự tín nhiệm với Việt Nam ở các cơ chế quốc tế quan trọng và tranh thủ nguồn lực bên ngoài quan trọng cho phát triển đất nước.

Trưởng ban Đối ngoại Trung ương cho biết, 10 năm qua thực hiện cương lĩnh bổ sung của năm 2011 là giai đoạn hội nhập quốc tế sâu rộng, đưa quan hệ với các đối tác vào chiều sâu. Công tác đối ngoại được triển khai ngày càng đồng bộ trên các kênh Đảng, Nhà nước, Nhân dân, được mở rộng và thực hiện đa dạng, qua các hoạt động đối ngoại của Quốc hội, quốc phòng an ninh và đối ngoại của các địa phương.

 Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam Nguyễn Phương Nga phát biểu tham luận tại Hội nghị

Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam Nguyễn Phương Nga cũng cho rằng, Hội nghị đối ngoại được tổ chức lần đầu tiên với quy mô toàn quốc cho thấy sự quan tâm, chú ý đặc biệt của cả hệ thống chính trị đối với công tác đối ngoại sau khi Đại hội XIII đã xác định vai trò tiên phong của đối ngoại trong việc tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, huy động các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, nâng cao vị thế và uy tín của đất nước. Việc xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại phải triển khai đồng bộ, hiệu quả dựa trên ba trụ cột là đối ngoại đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại Nhân dân.

Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam cho rằng, đối ngoại Nhân dân vừa là nét đặc sắc, sáng tạo, vừa là vốn quý, kinh nghiệm quý giá của đối ngoại Việt Nam. Trong bối cảnh tình hình thế giới phức tạp, hơn lúc nào hết đối ngoại Nhân dân phải phát huy tiềm lực, vị thế của đất nước, ưu thế để đi đầu xây dựng, củng cố lòng tin, nền tảng xã hội hữu nghị và hợp tác với các nước. Tranh thủ sự ủng hộ và nguồn lực quốc tế, tạo lập môi trường hòa bình, thuận lợi cho việc tăng cường quan hệ giữa các quốc gia, hỗ trợ đắc lực, hiệu quả cho đối ngoại Đảng và ngoại giao Nhà nước…

Hà Nội đẩy mạnh đối ngoại kinh tế, thu hút tối đa nguồn lực để phát triển

Đại diện lãnh đạo thành phố Hà Nội phát biểu tham luận tại Hội nghị, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến cho biết, với phương châm “là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế”, đến nay, Hà Nội có quan hệ giao lưu hợp tác với hơn 100 thủ đô, thành phố, trong đó đã ký thỏa thuận hợp tác chính thức với trên 50 thủ đô, thành phố, vùng địa phương các nước trên thế giới; là thành viên chính thức của nhiều tổ chức liên đô thị quốc tế lớn. 
Hội nghị Đối ngoại toàn quốc triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng: Phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại - Ảnh 8
 Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến phát biểu tham luận tại hội nghị.
Trong đó, đối ngoại kinh tế là trụ cột chính, góp phần tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng bền vững của Thủ đô. Hà Nội từng bước trở thành điểm đến hấp dẫn và tin cậy cho các nhà đầu tư quốc tế. Từ năm 2016 đến nay, Thành phố đã thu hút được 24,8 tỷ USD vốn FDI, đồng thời, liên tiếp dẫn đầu cả nước trong thu hút FDI trong 2 năm 2018-2019 (vốn đăng ký tương ứng 7,5 tỷ USD và 8,6 tỷ USD).
Trong 11 tháng của năm 2021, Hà Nội đã thu hút được khoảng 1,467 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Dự kiến cả năm 2021, Thành phố sẽ thu hút vốn FDI đạt 1,5-1,6 tỷ USD. Năm 2019, trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát, Hà Nội đã đón gần 29 triệu lượt khách du lịch, trong đó có 7,1 triệu lượt khách quốc tế.
Công tác ngoại giao văn hóa, ngoại giao nhân dân được triển khai phong phú về hình thức và đa dạng về đối tác, thể hiện rõ tinh thần đổi mới, sáng tạo không ngừng của Hà Nội, từng bước lan tỏa hình ảnh Thủ đô văn hiến, anh hùng, năng động, mến khách, xứng đáng với danh hiệu “Thành phố Vì hòa bình”.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến nêu rõ, trên cơ sở kế thừa và phát huy đường lối đối ngoại những nhiệm kỳ vừa qua, đặc biệt là bám sát Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, thành phố Hà Nội sẽ tập trung 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp công tác đối ngoại, với tinh thần đổi mới, sáng tạo, bám sát thực tiễn của Thủ đô.
Trong đó, Hà Nội sẽ đẩy mạnh toàn diện công tác đối ngoại địa phương, đóng góp tích cực vào tiến trình hội nhập quốc tế của đất nước. Đối ngoại Thủ đô được triển khai trên tất cả lĩnh vực: chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, đô thị, phát triển đô thị và trên tất cả các kênh: đối ngoại Đảng, đối ngoại chính quyền và đối ngoại Nhân dân. 
“Đối ngoại không chỉ là nhiệm vụ cấp Thành phố mà các cấp, các ngành và nhân dân Thủ đô cùng tham gia xúc tiến, thúc đẩy hoạt động giao lưu và hợp tác quốc tế tùy thuộc nhu cầu, khả năng, năng lực, tiềm năng lợi thế của từng cơ quan, đơn vị. Có như vậy, hội nhập quốc tế của Thủ đô mới thật sự sâu rộng, bền vững, lợi ích của hội nhập mới được lan tỏa và tạo thành động lực cho sự phát triển của Thủ đô và cả nước” - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh.
Hà Nội cũng sẽ tiếp tục củng cố và mở rộng có hiệu quả quan hệ hữu nghị hợp tác song phương với các thủ đô của các nước, các thành phố, vùng địa phương của các quốc gia và các tổ chức quốc tế. Trong đó, tập trung thúc đẩy quan hệ với các đối tác láng giềng, các nước trong khu vực ASEAN; Thủ đô và thành phố của các nước là đối tác chiến lược và bạn bè truyền thống của Việt Nam.
Đặc biệt, Thành phố sẽ đẩy mạnh đối ngoại kinh tế để phục vụ phục hồi kinh tế và phát triển bền vững; coi hội nhập kinh tế quốc tế là trọng tâm; hội nhập quốc tế trong các lĩnh vực khác phải tạo thuận lợi cho hội nhập kinh tế quốc tế, nhằm thu hút tối đa các nguồn lực từ bên ngoài phục vụ cho xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại và đáng sống... Trong hợp tác với các đối tác về kinh tế, luôn đảm bảo nguyên tắc bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, cùng có lợi - thực hiện tốt nguyên tắc “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội cũng nhấn mạnh, Thành phố sẽ phát huy đối ngoại văn hoá, quảng bá hình ảnh Thủ đô ngàn năm văn hiến, “Thành phố vì hòa bình”, thành phố đổi mới và sáng tạo, tiến tới đưa Hà Nội trở thành điểm đến hấp dẫn về giao lưu quốc tế, góp phần thiết thực vào quảng bá hình ảnh Việt Nam và gia tăng sức mạnh tổng hợp của quốc gia.
Thành phố luôn mong muốn và sẽ tạo thuận lợi nhất để các chuyên gia trong và ngoài nước, các tổ chức quốc tế, kiều bào ta ở nước ngoài cũng như mọi tầng lớp nhân dân Thủ đô trở thành đại sứ văn hóa tham gia giới thiệu, quảng bá tinh hoa văn hóa Hà Nội đến với bạn bè khắp năm châu.

Tiếp tục cập nhật