Tuy nhiên, không phải tất cả thành viên G7 tham dự phiên họp đều đồng ý với với ông Abe. Theo đó, đại diện Nhật Bản cũng khẳng định, cần có gói kích thích linh hoạt để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nhưng thời điểm và khối lượng cần dựa vào điều kiện của mỗi quốc gia. Trong khi đó, Anh và Đức lại không tán thành các gói kích thích tài khóa mới.
Ông Abe đưa ra dữ liệu cho thấy, giá cả hàng hóa toàn cầu đã giảm hơn 55% kể từ tháng 6/2014 tới tháng 1/2016, biên độ tương đương giai đoạn tháng 7/2008 – 2/2009, thời điểm ngân hàng Lehman sụp đổ. Việc ngân hàng Lehman- nhà băng lớn thứ 4 tại Phố Wall lúc đó sụp đổ là điểm đen tối đánh dấu cuộc khủng hoảng năm 2008. Ông Abe kỳ vọng, thông qua tuyên bố của G7 để Nhật Bản có thể “đường hoàng” tung một gói kích thích bao gồm việc hoãn tăng thuế lên 10% từ mức 8%, vốn được định trình vào tháng 4 năm sau. Một số chủ đề khác của hội nghị bao gồm khủng bố, an ninh mạng và an ninh hàng hải. Các nhà lãnh đạo đặc biệt đề cập tới sự hiện diện, nỗ lực thay đổi hiện trạng ngày càng gia tăng của Bắc Kinh ở Biển Đông và biển Hoa Đông, nơi nước này đang tranh chấp lãnh thổ với Nhật Bản và một số quốc gia Đông Nam Á. Các lãnh đạo G7 đều nhất trí về tầm quan trọng của việc gửi một dấu hiệu rõ ràng tới Bắc Kinh về vấn đề này. Tại một cuộc họp báo trước thềm hội nghị thượng đỉnh G7 lần này, ông Abe khẳng định Nhật Bản phản đối hành vi thay đổi hiện trạng trên các vùng biển trên, đồng thời kêu gọi phát huy vai trò luật pháp quốc tế trong vấn đề hàng hải. Những nội dung này được kỳ vọng sẽ bao gồm trong tuyên bố chung của hội nghị. Bên cạnh đó, Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng chỉ ra những nguy cơ từ chương trình hạt nhân và tên lửa của CHDCND Triều Tiên, cho rằng quốc gia này đang sắp tiếp cận được vũ khí nguyên tử.