Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hội nghị Ngoại vụ 20: Hà Nội phấn đấu trở thành kinh đô sáng tạo Đông Nam Á

Tú Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đóng góp tổng kết công tác đối ngoại địa phương cũng như đưa ra những định hướng thời gian tới tại Hội nghị Ngoại vụ toàn quốc lần thứ 20; lãnh đạo TP Hà Nội đã chia sẻ tham luận với chủ đề “Phát triển thương hiệu Thành phố sáng tạo – Cơ hội và Thách thức đối với Hà Nội”.

Trong khuôn khổ Hội nghị Ngoại giao lần thứ 31, Hội nghị Ngoại vụ toàn quốc lần thứ 20 khai mạc sáng 13/12 tại Hà Nội, bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với các địa phương.
 Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn phát biểu tại Hội nghị Ngoại vụ toàn quốc lần thứ 20. 
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn cho biết, việc tham gia Mạng lưới Thành phố sáng tạo bao gồm 246 thành viên của UNESCO trở thành bước tiến thuận lợi cho Hà Nội, tạo điều kiện phát huy sức mạnh tổng hợp các nguồn lực kinh tế, chính trị; trong đó trọng tâm là nguồn lực văn hóa và giáo dục, góp phần quan trọng định vị thương hiệu thành phố sáng tạo, quảng bá hình ảnh, kích thích đầu tư. Đặc biệt là gia tăng những cơ hội hợp tác trên mọi lĩnh vực sáng tạo gắn với tầm nhìn phát triển bền vững.
Thứ nhất, là cơ hội để Thủ đô trở thành điểm đến của tri thức và sáng tạo trên thế giới. Với hơn 5.000 di tích với nhiều di sản văn hóa được quốc tế công nhận, Hà Nội còn là nơi hội tụ tinh hoa làng nghề truyền thống cả nước, dự án lớn trong sáng tạo, như không gian đi bộ Hồ Hoàn Kiếm, Phố bích họa Phùng Hưng, dự án phát triển làng nghề... những hoạt động này tạo cơ hội giới thiệu quảng bá những giá trị văn hóa đặc sắc của Hà Nội, xứng đáng là trung tâm du lịch và sáng tạo của khu vực và thế giới.
Thứ hai, cơ hội thúc đẩy cạnh tranh, phát triển kinh tế, du lịch. Hà Nội đang trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư, khi tích cực áp dụng mô hình tăng trưởng dựa trên ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; thu hút trọng dụng nhân tài trong và ngoài nước, đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế.  
Thứ ba, là cơ hội xuất khẩu văn hóa. Việc số hóa các hoạt động văn hóa nghệ thuật được các chuyên gia ví như là bảo tàng, thư viện lưu trữ để dễ dàng quản lý. Hà Nội là nơi tập trung nhân tài trí tuệ của cả nước, thuận lợi cho việc tiếp nhận và phổ biến các nền tri thức mới. Đây là nhân tố quan trọng cho phát triển công nghiệp văn hóa, công nghiệp sáng tạo.
 
Tuy nhiên, đồng chí Lê Hồng Sơn cũng lưu ý, lộ trình phát triển Thành phố sáng tạo vẫn còn đối mặt với những thách thức trong tăng trưởng kinh tế chưa ổn định, quá trình đô thị hóa nhanh, gia tăng dân số, hoàn thiện thể chế về văn hóa, toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế…
Trong bối cảnh đó, Hà Nội nhận thức cần nắm bắt cơ hội thông qua việc nâng cao nhận thức của xã hội - các cấp chính quyền; đầu tư nguồn lực phù hợp với ngành công nghiệp văn hóa, đưa tiềm năng văn hóa thành sức mạnh mềm đem lại giá trị cao về kinh tế; xây dựng chiến lược kinh tế xã hội bao gồm yếu tố sáng tạo -tạo sự bền vững trong phát triển và xây dựng cơ chế phù hợp tạo động lực thúc đẩy tư duy và sáng tạo trong cộng đồng.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc triển khai các cam kết khi Hà Nội tham gia Mạng lưới sáng tạo, trong đó nghiên cứu xây dựng một trung tâm thiết kế sáng tạo,  nỗ lực xây dựng và tổ chức sáng tạo các chương trình và dự án; tăng cường hợp tác quốc tế, chia sẻ kinh nghiệm từ các mô hình thành công; tạo nhiều sản phẩm văn hóa trên nền tảng phát huy văn hóa truyền thống…
“Mục tiêu lớn của Hà Nội trong thời gian gần là trở thành kinh đô sáng tạo của khu vực Đông Nam Á, góp phần đưa Hà Nội trở thành một trong những điểm sáng về văn hóa trong khu vực cũng như thế giới”, ông Lê Hồng Sơn khẳng định.
Tháng 10/2019, tròn 20 năm được vinh danh là Thành phố vì hòa bình, Hà Nội chính thức trở thành thành viên “Mạng lưới sáng tạo” của UNESCO.
Đây là đối tác đặc quyền của UNESCO, không chỉ là nền tảng phản ánh vai trò đòn bẩy của sáng tạo trong phát triển bền vững mà còn là hành động và đổi mới, đặc biệt trong thực hiện chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững.