Kinhtedothi - Tại Hội nghị Thượng đỉnh Liên minh châu Âu và châu Phi (EU-AU) lần thứ tư khai mạc chiều 2/4 tại thủ đô Brussels, Vương quốc Bỉ, lãnh đạo hai châu lục cam kết tăng cường trợ giúp Cộng hòa Trung Phi giải quyết bạo lực đang lan rộng.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ tịch Hội đồng châu Âu, ông Herman Van Rompuy nhấn mạnh cuộc khủng hoảng tại Trung Phi này là mối quan tâm lớn của EU do xung đột gia tăng giữa người Thiên chúa giáo và người Hồi giáo cũng như các hành động trả đũa diễn ra trên toàn đất nước châu Phi này.
Chủ tịch Van Rompuy nhấn mạnh cuộc khủng hoảng Trung Phi có thể gây ra sự bất ổn trong khu vực cũng như làn sóng dòng người tị nạn không thể kiểm soát.
Tiếp đó, Tổng Thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki-moon đã kêu gọi các nước bổ sung thêm lực lượng và nguồn tài chính cho lực lượng chung của châu Âu triển khai tại Cộng hòa Trung Phi.
Tổng Thư ký Ban Ki-moon thông báo Liên hợp quốc dự kiến từ nay đến giữa tháng Chín tới sẽ triển khai 12.000 quân lính và cảnh sát tại Cộng hòa Trung Phi để tiếp quản lực lượng gìn giữ hòa bình của châu Phi (Misca), bên cạnh 2.000 binh sỹ Pháp và lực lượng Sangaris.
Tổng thống Pháp François Hollande và Thủ tướng Đức Angela Merkel đều bày tỏ sẵn sàng phối hợp với Liên minh châu Phi (AU) nhằm chấm dứt bạo lực tại Trung Phi.
Tổng thống Hollande đề xuất thành lập một liên minh của hai châu lục nhằm đối phó với ba thách thức liên quan đến an ninh, phát triển và môi trường.
Berlin và Paris cũng muốn đóng vai trò chủ đạo tại châu Phi, riêng Đức đã cử hai máy bay vận tải tham gia chiến dịch của EU tại châu Phi.
EU cũng đã quyết định chi 30 triệu euro trong tổng số 352 triệu euro cam kết để trợ giúp bình ổn tình hình Cộng hòa Trung Phi.
Ngoại trưởng William Hague cho biết Anh sẽ đóng góp thêm 7,2 triệu euro cho trương trình viện trợ nhân đạo tại Cộng hòa Trung Phi, nâng tổng số tiền mà London tài trợ cho quốc gia châu Phi này lên 27,8 triệu euro.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu, José Manuel Barroso khẳng định EU sẽ dành 800 triệu euro cho quỹ "Trợ giúp châu Phi" giai đoạn 2014-2016 nhằm giúp tăng cường khả năng phòng chống và quản lý xung đột.
Về phần mình, Chủ tịch Ủy ban Liên minh châu Phi, Nkosazana Dlamini-Zuma nhấn mạnh cần phải loại bỏ vũ khí tại Cộng hòa Trung Phi cũng như trên toàn lục địa đen để tránh khủng hoảng lặp lại.
Theo ông, châu Phi cần phải hỗ trợ và làm giảm gánh nặng cho châu Âu, đặc biệt trong việc nỗ lực giảm làn sóng tị nạn và đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu cũng như hợp tác kinh tế. Đây sẽ là chủ đề của ngày làm việc thứ hai của Hội nghị Thượng đỉnh EU-AU.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jose Manuel Barroso (phải) và Tổng thống Ghana John Dramani Mahama trong cuộc gặp trước lễ khai mạc hội nghị. (Nguồn: AFP/TTXVN)
|