Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hồi sinh làng nghề Bát Tràng sau đại dịch Covid-19

Hoàng Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hai năm qua, làng nghề Bát Tràng cũng như bao làng nghề khác trên địa bàn Hà Nội đã phải lao đao vì dịch bệnh Covid-19. Du lịch làng nghề bị sụt giảm, lao động sản xuất gặp khó khăn.

Tuy nhiên, về Bát Tràng vào những ngày giữa tháng 3/2022, chứng kiến người dân nơi đây đang từng ngày nỗ lực khôi phục sản xuất, chuyển mình hồi sinh sau một thời gian dài tạm dừng hoạt động vì đại dịch Covid-19, báo hiệu một tương lai tươi sáng hơn của một làng nghề nghìn năm tuổi.

Khách hàng lựa chọn mua sản phẩm gốm sứ Bát Tràng. Ảnh: Thanh Hải
Khách hàng lựa chọn mua sản phẩm gốm sứ Bát Tràng. Ảnh: Thanh Hải

Làng Bát Tràng, trực thuộc huyện Gia Lâm, TP Hà Nội - nơi có nhiều làng nghề truyền thống nhất nhì cả nước. Hiện nay, làng gốm, sứ Bát Tràng có chừng 1.000 hộ sinh sống thì có khoảng 600 hộ làm nghề gốm; số còn lại làm các dịch vụ bổ trợ về mầu vẽ, hoa nổi, vẽ thủ công, thợ rót… và trung chuyển buôn bán tại các gian hàng giới thiệu sản phẩm trong khu chợ trung tâm của làng nghề.

Theo UBND xã Bát Tràng, bên cạnh truyền thống làng nghề, xã Bát Tràng hiện có 9 di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc, 2 di tích cách mạng kháng chiến, 23 ngôi nhà cổ và 16 nhà thờ họ - là nơi lưu giữ nhiều nét văn hóa truyền thống của Bát Tràng xưa. Năm 2019, UBND TP Hà Nội đã có quyết định công nhận Bát Tràng là Điểm du lịch của Thủ đô; Bộ VHTT&DL công nhận “Nghề truyền thống gốm làng Bát Tràng, xã Bát Tràng là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia”.

Trước đây, khi dịch chưa bùng phát, ngày nào lò nung tại làng gốm cũng đỏ lửa, hoạt động liên tục với các đơn hàng tấp nập phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu; nhưng từ khi dịch Covid-19 bùng phát làng nghề rơi vào tình trạng sản xuất đình trệ. Các đối tác nước ngoài ngừng nhập hàng, hàng sản xuất ra phải lưu kho, nên đa phần các cơ sở sản xuất phải tạm đóng cửa. Các tour du lịch về thăm làng nghề cũng sụt giảm nghiêm trọng.

Để hồi sinh làng nghề, mới đây, UBND huyện Gia Lâm đã phối hợp với Sở Du lịch Hà Nội tổ chức chuyến khảo sát du lịch tại làng gốm sứ Bát Tràng và hội thảo “Nâng cấp chất lượng tuyến du lịch trung tâm Hà Nội - Làng nghề Bát Tràng”, nhằm xây dựng sản phẩm du lịch hấp dẫn cho Hà Nội, chuẩn bị cho việc phục hồi du lịch Thủ đô, đón khách quốc tế khi du lịch mở cửa.

Ngoài ra, để hỗ trợ các làng nghề phát triển thời gian qua, TP Hà Nội đã ban hành hàng loạt chính sách hỗ trợ cho các làng nghề duy trì và phát triển như: Chính sách phát triển các ngành nghề nông thôn, hỗ trợ kinh phí công nhận danh hiệu làng nghề.

Ngay trong những lúc dịch bệnh căng thẳng, chính sách ưu tiên tiêm vaccine phòng Covid-19 cho lao động hoạt động thương mại tại các làng nghề; tạo điều kiện cấp “luồng xanh” cho các xe chở hàng hóa, nguyên vật liệu vào làng nghề, xe container của các DN xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ... cũng là một trong những hướng đi nhanh và thần tốc của TP để đảm bảo tránh đứt gẫy các chuỗi cung ứng nhất có thể.

Tại làng gốm Bát Tràng, thay vì sự ảm đạm trước đó hàng quán phải đóng cửa im lìm, giờ đây làng gốm đã bắt đầu có sự sinh sôi và nẩy nở của sự sống, sự tấp nập thường có đã bắt đầu hiện hữu. Xe cộ đã bắt đầu ra - vào, làng nghề lại bước vào một guồng quay mới.

Các công ty du lịch, đơn vị lữ hành cũng đã sẵn sàng xây dựng những tour tuyến đón du khách đến với làng nghề Bát Tràng. Nhằm thúc đẩy sự phát triển, khắc phục khó khăn sau mùa dịch, Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Đặng Thị Huyền cho biết, huyện Gia Lâm đã có kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2025, trong đó có chiến lược phát triển cơ sở hạ tầng để phục vụ cho du lịch. Tới đây, địa phương sẽ quan tâm đến việc phối hợp với các đơn vị để trước mắt hình thành sản phẩm du lịch mới, sẵn sàng cho việc đón khách nội địa và quốc tế khi hoạt động du lịch được mở cửa hoàn toàn.

Ngoài ra, các chương trình ứng dụng công nghệ để nâng cao sản xuất cũng được quan tâm. Để làm sao Bát Tràng không chỉ là điểm đến hấp dẫn về du lịch mà còn lưu giữ những dấu ấn sản phẩm làng nghề sáng tạo.