Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

“Hồi sinh” những dòng sông ở Hà Nội

Minh Phong
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Qua các phương tiện truyền thông, tôi được biết, mỗi ngày khu vực Hà Nội có khoảng 350.000 - 400.000m3 nước thải sinh hoạt và hơn 1.000m3 rác thải, trong đó chỉ có 10% được xử lý, số còn lại đều đổ thẳng vào các ao hồ, sông ngòi.

Sông Tô Lịch vẫn đang trong tình trạng ô nhiễm nặng nề. Ảnh: Internet
Sông Tô Lịch vẫn đang trong tình trạng ô nhiễm nặng nề. Ảnh: Internet

Từ nhiều năm trước, TP Hà Nội đã chỉ ra và thực hiện một số giải pháp để giảm ô nhiễm, làm sạch hệ thống sông, hồ nội đô. Nhiều trạm xử lý nước thải đã được xây dựng (từ năm 2013, TP Hà Nội đã đưa Nhà máy xử lý nước thải Yên Sở, quận Hoàng Mai có công suất 200.000m3/ngày đêm, với nhiệm vụ thu gom, xử lý nước thải của sông Sét và Kim Ngưu).

Ngoài ra, nhiều dự án cũng được TP Hà Nội đặt ra nhằm thu gom và xử lý nước thải như hệ thống thu gom, xử lý nước thải đô thị khu vực quận Hà Đông và Sơn Tây, dự kiến công suất 45.000m3/ngày đêm và 20.000m3/ngày đêm; hệ thống thu gom và Nhà máy xử lý nước thải Phú Đô với công suất 84.000m3/ngày đêm.

Tháng 10/2016, Hà Nội đã khởi công dự án hệ thống xử lý nước thải Yên Xá, có tổng mức đầu tư 16 nghìn tỷ đồng với mục tiêu xử lý nước thải thuộc các quận: Ba Đình, Cầu Giấy, Thanh Xuân, Đống Đa, Hoàng Mai, Hà Đông và huyện Thanh Trì.

Đến nay, dự án nhà máy xử lý nước thải Yên Xá (công suất 270 nghìn m3/ngày đêm) đã cơ bản hoàn thành. Dự kiến trong quý 2/2024 sẽ vận hành thử nghiệm nhà máy.

Trong những năm qua, TP Hà Nội đã dành nhiều nguồn lực để hồi sinh các dòng sông chết qua nội thành, đặc biệt trong đó là sông Tô Lịch, sông Lừ, sông Sét. Tuy nhiên, những giải pháp nhằm làm giảm ô nhiễm, phục hồi các sông nội đô, kể cả sông lớn như: Nhuệ, Đáy cũng như các song: Tô Lịch, Kim Ngưu, Lừ và Sét vẫn chưa đạt được như mong muốn.

Mới đây, Nghị quyết Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được HĐND TP Hà Nội thông qua đặt mục tiêu giải quyết triệt để ô nhiễm sông Tô Lịch, làm sống lại hình ảnh dòng sông xanh, sạch, gắn liền với văn hóa - lịch sử Thủ đô.

Để thực hiện mục tiêu trên, một trong những nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới là TP Hà Nội sẽ xây dựng đập trên hệ thống sông Hồng, sông Đuống để đảm bảo mực nước ổn định, phục vụ các hoạt động kinh tế - xã hội trên các dòng sông.

Cụ thể, TP Hà Nội sẽ nghiên cứu xây dựng đập Xuân Quan trên sông Hồng, đập Long Tửu trên sông Đuống để dâng nước, cải thiện khả năng lấy nước vào hệ thống thủy lợi, làm sống lại các dòng sông. Nhờ đó, nước từ sông Hồng, sông Tô Lịch sẽ có dòng chảy, thoát cảnh dòng sông chết, tích tụ nước thải như hiện nay.

Đặc biệt, TP Hà Nội sẽ hạn chế hoặc tạm ngừng việc khai thác cát trên sông Hồng. Việc này nhằm góp phần nâng cao mực nước sông Hồng để tăng khả năng lấy nước vào sông Đáy - Nhuệ, Tô Lịch và hệ thống công trình thủy lợi khác.

Theo tôi, việc làm đập tràn trên sông Hồng là sang kiến hay, nếu được triển khai, sẽ làm sống lại các dòng song. Bởi, khi nước sông Hồng dâng lên sẽ giúp các sông Nhuệ, sông Đáy hay thậm chí sông Tô Lịch có dòng chảy tự nhiên như xưa.

Ngoài ra, việc xây dựng một số đập trên sông Hồng và sông Đuống nhằm dâng nước, tạo nguồn tự chảy thường xuyên, liên tục vào các sông của Hà Nội. Việc này nhằm bảo đảm dòng chảy môi trường, tránh tình trạng ứ đọng, ô nhiễm, trả lại khả năng tự làm sạch các chất ô nhiễm cho sông.

Bên cạnh đó, đề án trên cũng hướng tới việc điều hòa, kiểm soát lượng dòng chảy phân lưu từ sông Hồng sang sông Đuống, sử dụng nước, tiết kiệm, hiệu quả, tránh lãng phí nguồn nước.