Dự Hội thảo có đại diện một số Sở, ngành TP, Tiến sỹ Lê Xuân Giao - Chủ tịch Hiệp hội các Hội khoa học kỹ thuật Hà Nội; ông Nguyễn Xuân Tân - Chủ tịch Hội Cầu đường TP, cùng một số chuyên gia, nhà khoa học về giao thông vận tải. Đại diện huyện Thường Tín có Bí thư Huyện ủy Thường Tín Nguyễn Tiến Minh cùng lãnh đạo HĐND, UBND huyện
Tại hội thảo, Đơn vị Tư vấn trình bày nội dung Đề án, gồm 5 Chương: Chương 1 - Hiện trạng kinh tế - xã hội huyện Thường Tín. Chương 2 - Hiện trạng GTVT huyện Thường Tín. Chương 3 - Dự báo nhu cầu vận tải trên địa bàn Thường Tín đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Chương 4 - Phương án phát triển GTVT huyện Thường Tín đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Chương 5 - Các giải pháp tổ chức thực hiện Đề án.
Tiếp đó, các nhà quản lý, các chuyên gia, nhà khoa học đã phát biểu ý kiến đóng góp vào Đề án “Phát triển tổng thể mạng lưới giao thông vận tải trên địa bàn huyện Thường Tín đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050, nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn về giao thông đối với khu vực dự kiến thành lập Quận.
Các ý kiến đều thống nhất cho rằng, việc xây dựng Đề án là đặc biệt quan trọng và cần thiết, để có chiến lược phát triển mạng lưới giao thông vận tải trên địa bàn huyện, đáp ứng phát triển kinh tế xã hội của huyện, cũng như phù hợp với quy hoạch chung của Thủ đô và khu vực. Đề án có ý nghĩa quan trọng làm tiền đề cho phát triển Huyện lên Quận của TP Hà Nội.
Theo PGS-TS Doãn Minh Tâm: "Đề án cần phải bổ sung kiến nghị đưa vào điều chỉnh quy hoạch giao thông để hạ cấp đoạn cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ qua huyện Thường Tín, để trở thành đoạn đường chức năng trục chính đô thị, từ đó sẽ cho phép kết nối giao thông nhiều hơn đối với hai bên đường gom và khu đô thị, vừa tháo gỡ tình trạng ùn tắc giao thông, đồng thời tăng thêm hiệu quả về giao thông cho huyện"
Trao đổi về hiện trạng GTVT huyện Thường Tín, ông Trần Danh Lợi - Phó Chủ tịch Hội cầu đường Hà Nội đánh giá: "Thường Tín có hệ thống giao thông tương đối hoàn chỉnh, địa bàn huyện có đủ loại hình giao thông: Cao tốc, Quốc lộ, Tỉnh lộ và các tuyến giao thông nội huyện, cùng với đó là đường sắt Bắc - Nam, hệ giao thông đường thủy nội địa... rất thuận lợi cho phát triển kinh tế xã hội. Do đó mạng lưới GTVT cần có sự kết nối, để khai thác hiệu quả hệ thống giao thông hiện có và dự kiến trong tương lai...."
Trao đổi về cách tiếp cận của nội dung Đề án, GS-TS Trần Đức Nhiệm cho rằng: Đề án phải xác định rõ vị trí trung tâm đô thị (Quận Thường Tín trong tương lai), những chùm đô thi vệ tinh ở khu vực nào? Quy hoạch hệ thống giao thông phải bám vào đó làm trục, làm xương sống phát triển giao thông đô thị.
“Đề án cần mở rộng thêm quy mô nghiên cứu quy hoạch mạng lưới giao thông kết nối các hướng với giao thông tỉnh Hưng Yên và các huyện lân cận. Với quyết tâm chính trị và cách làm của chính quyền địa phương, huyện Thường Tín sẽ sớm thực hiện hoàn thành tiêu chí Quận của Thủ đô Hà Nội trong tương lai không xa." - GS-TS Trần Đức Nhiệm tin tưởng.
Theo ý kiến đóng góp của đại diện các sở, ngành TP Hà Nội có chung ý tưởng, đề án phải định hướng các khu vực phát triển đô thị mới. Bên cạnh nguồn ngân sách nhà nước, huyện cần huy động nguồn vốn xã hội hóa để đầu tư xây dựng hệ thống giao thông vận tải...
Phát biểu ý kiến tại hội thảo, Bí thư Huyện ủy Thường Tín Nguyễn Tiến Minh cảm ơn các chuyên gia, nhà khoa học đã tham gia ý kiến đóng góp khoa học và chuyên môn sâu vào định hướng phát triển tổng thể mạng lưới GTVT trên địa bàn Thường Tín đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn về giao thông đối với khu vực dự kiến thành lập Quận, trên cơ sở các ý kiến đó, huyện sẽ tiếp thu, bổ sung, chỉnh sửa để sớm hoàn chỉnh các nội dung của Đề án theo đúng quy định hiện hành.
Trong dịp này, Hội cầu đường TP Hà Nội công bố Quyết định thành lập Chi hội cầu đường huyện Thường Tín và trao thẻ hội viên cho các thành viên Chi hội, với 13 hội viên, Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Bùi Công Thản giữ chức Chi Hội trưởng.