Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nam Định:

Hội thảo khoa học “Huyền Trân công chúa - cuộc đời và giai thoại”

Bảo Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 30/11, tại TP Nam Định, Viện Nghiên cứu tôn giáo (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Nam Định phối hợp với UBND huyện Vụ Bản tổ chức Hội thảo khoa học: “Huyền Trân công chúa: cuộc đời và giai thoại”.

Quang cảnh Hội thảo.
Quang cảnh Hội thảo.

Tham dự Hội thảo có các đồng chí: Trần Văn Chung, nguyên Phó Bí Thư Trường trực Tỉnh uỷ, nguyên Chủ tịch HĐND tỉnh; Trần Minh Thắng, Uỷ viên Ban TVTU, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ tỉnh; Trần Lê Đoài, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo: Hội đồng Di sản văn hoá quốc gia, Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Viện Sử học (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), Viện Bảo tồn di tích (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch); lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Giáo hội Phật giáo tỉnh, UBND huyện Vụ Bản cùng nhiều nhà nghiên cứu, chuyên gia lịch sử, khảo cổ, văn hoá, tín ngưỡng, tôn giáo trên cả nước.

GS.TS Nguyễn Văn Kim - Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hoá quốc gia phát biểu tại Hội thảo.
GS.TS Nguyễn Văn Kim - Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hoá quốc gia phát biểu tại Hội thảo.

Phát biểu chào mừng Hội thảo, đồng chí Trần Lê Đoài, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: “Nam Định là nơi hội tụ, lưu giữ và lan toả nhiều giá trị văn hoá truyền thống của người Việt; là vùng đất khởi nghiệp, phát tích của Vương triều Trần.

Trong số các nhân vật lịch sử thời Trần có công chúa Huyền Trân Công chúa, con gái của Thượng hoàng Trần Nhân Tông, em gái của vua Trần Anh Tông.

Hội thảo khoa học “Huyền Trân công chúa: cuộc đời và giai thoại” là sự kiện quan trọng để bổ sung thêm những nguồn tư liệu quý góp phần làm rõ hơn về cuộc đời và những đóng góp của công chúa Huyền Trân với đất nước và Phật giáo Việt Nam; về mối quan hệ giữa hai nước láng giềng Đại Việt và Champa trong lịch sử dân tộc; đồng thời làm rõ những giai thoại liên quan đến công chúa Huyền Trân để người dân có nhận thức đầy đủ, khách quan và khoa học về cuộc đời của bà”.

PGS.TS Chu Văn Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu tôn giáo, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam phát biểu tại Hội thảo.
PGS.TS Chu Văn Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu tôn giáo, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam phát biểu tại Hội thảo.

Hội thảo cung cấp cơ sở luận cứ khoa học góp phần nâng cao nhận thức về vai trò, đóng góp của Huyền Trân đối với dân tộc và Phật giáo để từ đó tôn vinh Huyền Trân công chúa một cách xứng đáng.

Hội thảo gồm 2 phần: phần thứ nhất là “Cuộc đời và những đóng góp của Huyền Trân công chúa”; phần thứ hai là “Chùa Hổ Sơn và việc thờ phụng Huyền Trân công chúa”.

Hoà thượng Thích Thọ Lạc, Trưởng Ban Văn hoá Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam phát biểu tại Hội thảo.​
Hoà thượng Thích Thọ Lạc, Trưởng Ban Văn hoá Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam phát biểu tại Hội thảo.​

Tại Hội thảo, các bài viết, tham luận của các nhà nghiên cứu, chuyên gia lịch sử, văn hoá, tôn giáo đã tập trung phân tích những vấn đề về bối cảnh chính trị, xã hội, Phật giáo thời Trần, mối quan hệ bang giao của nước Đại Việt với các nước láng giềng, nhất là các cuộc chiến đấu chống lại sự xâm lược của phương Bắc. Sức lan toả giá trị văn hoá trong đời sống tâm linh của Nhân dân qua các cơ sở thờ tự Huyền Trân công chúa trong cả nước; đặc biệt là quần thể di tích chùa Hổ Sơn, xã Liên Minh, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định là điểm văn hoá tín ngưỡng, tôn giáo đặc sắc, là nơi Huyền Trân công chúa đã dành trọn phần đời còn lại kể từ khi trở về Đại Việt để tu hành với pháp danh Hương Tràng, lan toả tinh thần, giá trị Phật giáo Trúc Lâm trong đời sống xã hội.

Đồng thời, khẳng định đóng góp to lớn của công chúa Huyền Trân đối với dân tộc: trung, hiếu, nghĩa vẹn toàn, là bậc liệt nữ, sứ giả hoà bình, giúp đất nước Đại Việt mở mang bờ cõi.

Toàn cảnh Hội thảo.
Toàn cảnh Hội thảo.

Hội thảo khoa học “Huyền Trân công chúa - cuộc đời và giai thoại” - Ảnh 1Các đại biểu dự Hội thảo.

Thông qua Hội thảo nhằm nghiên cứu, sưu tầm, khảo cứu, bổ sung các nguồn tư liệu để làm rõ hơn về cuộc đời, nhân cách cao đẹp và những đóng góp của Huyền Trân công chúa với dân tộc và đạo pháp; đồng thời, cung cấp cơ sở khoa học cho các cơ quan quản lý Nhà nước về văn hoá, di sản, các cấp chính quyền trong việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy di sản, di tích thờ phụng Huyền Trân công chúa trong đời sống văn hoá tín ngưỡng, tâm linh hiện nay.