Hồi ức của hậu bối Văn khoa Tổng hợp về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong quá trình công tác, nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ có cơ hội nhiều lần được gặp gỡ và làm việc với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Sau đây, KT&ĐT trân trọng giới thiệu bài viết của ông về những kỷ niệm đáng nhớ trong đời với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Với tôi, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một bậc đàn anh hiền hậu, giàu tình thương và luôn cảm thông với mọi người…. Ông là một chính khách trong sạch theo tinh thần “khắc kỷ phục lễ”; là người lãnh đạo hành động 62 năm không ngơi nghỉ, trọng tài nhưng luôn đặt chữ “tâm”, chữ “tình” lên trước…

Ngồi xe đạp về giảng dạy tại khoa Ngữ văn

Một ngày vào năm 1990, thầy Bùi Duy Tân gọi tôi sang phòng để nhờ một việc. Cụ nói: “Em biết anh Nguyễn Phú Trọng chứ! Em ra mời anh ấy về dạy cho sinh viên khoa Ngữ văn chuyên đề Báo chí…. Anh Nguyễn Phú Trọng có viết quyển “Nghiệp vụ viết báo” tử tế và có nghề lắm. Cố gắng nhé”.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (đứng thứ hai từ trái sang) là cựu sinh viên Khoa Ngữ văn, khóa 8, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, chụp tháng 2/1965 ở ký túc xá Mễ Trì, Hà Nội. Ảnh: Phòng truyền thống ĐH Quốc gia Hà Nội.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (đứng thứ hai từ trái sang) là cựu sinh viên Khoa Ngữ văn, khóa 8, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, chụp tháng 2/1965 ở ký túc xá Mễ Trì, Hà Nội. Ảnh: Phòng truyền thống ĐH Quốc gia Hà Nội.

Anh Nguyễn Phú Trọng là tiền bối của tôi, anh học khóa 8, khoa Ngữ văn, trường ĐH Tổng hợp Hà Nội. Nghe thầy Tân nói, tôi phóng xe đạp ra Tạp chí Cộng sản và xin gặp anh. Anh hào hứng nhận lời: “Ồ, được về phục vụ sinh viên khoa ta thì còn gì bằng. Nói với thầy Tân là học trò xin đáp ứng. Vinh dự quá!”.

Sau khi bàn lịch dạy, đến việc đi lại. Anh nói: “Coi như việc tớ về khoa dạy là chuyện cá nhân, tớ tìm cách đi, không sử dụng ô tô cơ quan”.

Tôi biết khi đó, anh đã là Phó Tổng biên tập Tạp chí, hàm Thứ trưởng, có chế độ xe công. Tôi dè dặt: “Hay là em chở anh bằng xe đạp, em chỉ có xe đạp thôi!”. Anh bảo: “Thế thì tốt quá! Còn hơn thời sơ tán Thái Nguyên! Nhà mình cũng chỉ một con xe máy, bà ấy đi làm.”

Thế là theo lịch tôi ra chở anh vào Mỹ Đình dạy. Đi xe đạp nhưng chân tôi ngắn, muốn anh ngồi trước thì phải ghé xe sát hè, chống chân đã. Anh bảo: “Cứ lên xe đi, tớ chạy theo nhảy lên sau!”.

Trên đường vào trường, anh em tâm sự. Biết tôi có con nhỏ, vợ đi làm vắng nên buổi trưa chỉ ăn cơm nguội, anh mời 11 giờ, ra phố Nguyễn Thượng Hiền đợi anh rồi sang nhà anh ăn cơm. “Cán bộ giảng dạy, tớ lạ gì hoàn cảnh nữa”. Từ đó, vào ngày dạy, tôi lên tầng 3 tập thể nơi anh ở, ăn cơm do vợ anh là chị Mận nấu. Rau muống, nước mắm và mươi lát thịt ba chỉ thái khéo, mong mỏng. Chị như một người chị ân cần, thường đẩy đĩa thịt gần về phía tôi và nói: “Thầy giáo xơi cơm!”.

Thế rồi sau đó, tôi nhận được tin nhắn nhận quà. Đạp xe ra nhà của nhà thơ Vũ Duy Thông, bạn khóa 8 Văn khoa Tổng hợp. Thấy một gói giấy báo, tôi mở ra là chiếc áo vét cũ, xanh rêu. Nhà thơ Vũ Duy Thông nói, đây là quà anh Nguyễn Phú Trọng gửi tặng vì thấy vừa người tôi; cũ nhưng mặc tốt. Tôi biết mặc vét từ đó; khoác vào thấy nó đàng hoàng con người hơn hẳn!

Người anh, người học trò nghĩa tình

Tôi nhớ, năm 2001, tôi nhận điện thoại của anh Nguyễn Phú Trọng. Anh nói là đợi trước ngõ 160, sẽ có xe đến đón. “Ta về Vạn Thọ, Thái Nguyên thăm chỗ khoa ta sơ tán hồi chống Mỹ, em đi cho vui!”. Thế là ô tô lên đường. Xong việc thăm hỏi, đoàn ở lại thêm một đêm bên hồ. Đêm đó, bên đống lửa, tôi nghe được chuyện lạ. Mọi người chỉ sang sườn núi phía đối diện mờ ảo trong ánh trăng và kể:

Chúng mình hồi ấy, nam sinh trèo núi, chặt nứa vác về làm lán học. Nguyễn Phú Trọng và Nguyễn Văn Thịnh như 2 ông giáo, gầy yếu hơn nhưng cũng vác 10 cây như anh em, đi mắc ngược mắc xuôi, đến nơi nghỉ muộn. Anh em nhằm vào mà trêu là những “giáo Thứ” với “thư sinh yểu điệu”. Lúc đó có một cụ dân Thái Bình, lên Vạn Thọ định cư trước những năm 1945 vào xin thuốc lào vì cụ đi rừng thuốc ướt bẹt.

Cụ nghe mọi người trêu cười liền đứng dậy chỉ vào anh Nguyễn Phú Trọng nói: “Các anh đừng trêu. Đó mới là Vua, các anh chỉ là dân thôi”.

Rồi cụ quay sang anh Văn Giang, người Quảng Ngãi tập kết, nói giọng quê, to khỏe nên chúng tôi gọi là “Giăng Van Giăng” vì khi điểm danh, anh thưa “Giăng Giăng có mặt!”. Cụ nói: “Còn anh này sẽ là anh hùng trận mạc…nhưng…”. Cụ ôm vai Văn Giang lắc lắc.

Đúng vậy, đến 1968, Giăng Van Giăng của chúng tôi đi chiến trường viết làm phóng viên và hy sinh. Còn bây giờ thì quá đúng, anh Nguyễn Phú Trọng là Bí thư Thành ủy, chúng mình giờ đây là dân Thủ đô cả.

Anh Nguyễn Phú Trọng chỉ ngồi im, tủm tỉm cười và dựng lại những thanh củi lăn ra ngoài….

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, thời làm Bí thư Thành ủy Hà Nội nhận hoa do sinh viên ĐH Quốc gia Hà Nội trao tặng tại Lễ kỷ niệm 100 năm ngày thành lập ĐH Đông Dương, tiền thân của ĐH Quốc gia Hà Nội và đón nhận Huân chương Sao vàng ngày 15/05/2006. Ảnh: Bùi Tuấn - VNU.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, thời làm Bí thư Thành ủy Hà Nội nhận hoa do sinh viên ĐH Quốc gia Hà Nội trao tặng tại Lễ kỷ niệm 100 năm ngày thành lập ĐH Đông Dương, tiền thân của ĐH Quốc gia Hà Nội và đón nhận Huân chương Sao vàng ngày 15/05/2006. Ảnh: Bùi Tuấn - VNU.

Một chuyện gần đây nhất về anh, đó là việc đón tro cốt GS.TS Nguyễn Tài Cẩn từ Nga, theo di nguyện của thầy là về quê Thanh Chương (Nghệ An). Anh Nguyễn Phú Trọng biết và nhắn: “Cụ Cẩn là thầy cậu nhưng cũng là thầy tôi đấy. Cho lịch để tôi gửi lẵng hoa kính viếng”.

Ngày đón thầy, tôi cũng quên nhắc. Một đoàn xe đi từ Hà Nội về theo đường mòn Hồ Chí Minh. Đến địa phận huyện Nghĩa Đàn (Nghệ An) thì ban tổ chức gọi cho tôi hỏi là sao chưa thấy hoa của Tổng Bí thư. Trên xe, tôi gọi điện cho anh. Anh nói: “Xong em ạ! Xe đang từ Vinh lên”. Hoá ra anh nhớ hơn cả tôi. Xe về đến vườn hoa Đô Lương (Nghệ An) nghỉ chút thì nghẹ điện thoại là “hoa đã lên, chạy nhanh về!...”.

6 cảm nhận về con người Tổng Bí thư

Ở phương diện cá nhân, thứ nhất, tôi thấy anh Nguyễn Phú Trọng là một bậc đàn anh hiền hậu, giàu lòng thương người, cảm thông với mọi người.

Thứ hai, anh là người nghiêm túc và tận tụy với công việc; nhìn những bút tích còn để lại thời sinh viên được lưu trữ thì thấy nét chữ đúng là nết người.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, thời làm Chủ tịch Quốc hội thăm cán bộ, sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội & Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội, ngày 16/11/2010. Ảnh: Bùi Tuấn - VNU.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, thời làm Chủ tịch Quốc hội thăm cán bộ, sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội & Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội, ngày 16/11/2010. Ảnh: Bùi Tuấn - VNU.

Thứ ba, anh là người vững tin vào chính kiến của mình, rất nguyên tắc trong công việc nhưng đặt nguyên tắc đó trong sự phức tạp của tình thế vận động mà uyển chuyển.

Thứ tư, anh hết lòng vì việc chung, lấy hiệu quả công việc làm chính mà riêng mình thì ẩn nhẫn, không tô vẽ, không “làm màu”.

Thứ năm, anh là sự kiên dũng trong tâm khảm, tư duy rốt ráo để vào cuộc với quyết tâm rất cao.

Thứ sáu, chắc chắn, anh là một chính khách trong sạch theo tinh thần “khắc kỷ phục lễ”. Tổng Bí thư là người hành động 62 năm không ngơi nghỉ, trọng tài nhưng luôn đặt chữ “tâm”, chữ “tình” lên trước.

Cũng là chuyện riêng, khi là Bí thư Thành ủy Hà Nội, qua GS.TS Phùng Hữu Phú, anh bảo tôi ra Thành ủy làm việc, tôi từ chối vì mình không đủ tầm và không sắc sảo, đủ rộng về tư duy để nhận việc. Tôi nói: “Các thầy ta giữ em lại trường là để nghiên cứu và giảng dạy. Em gần 50 tuổi rồi, chuyển việc ngại lắm”. Anh nói luôn qua điện thoại:“Thế anh bắt đền em. Em giới thiệu cho anh một người”. Và tôi đã giới thiệu thành công, đó là NSND Xuân Yến.

Tôi nghĩ rằng, mỗi người một nghề. Chính trị cũng là một nghề. Làm chính khách là vô cùng gian nan, vất vả, kể cả hiểm nguy. Mình khác nghề, nhận xét về nghề khác thường phải hết sức thận trọng và trân trọng.

 

Nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ, sinh năm 1956, quê Nghệ An. Sau khi tốt nghiệp khoa Ngữ văn, trường ĐH  Tổng hợp Hà Nội, ông được giữ lại làm giảng viên Văn học dân gian Việt Nam, thuộc khoa Ngữ văn, trường ĐH Tổng hợp Hà Nội, sau này đổi tên thành khoa Văn học, trường ĐH Khoa học xã hội & Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội). Ông nghỉ hưu vào tháng 2/2016. Trong quá trình công tác, ông là một trong những sáng lập viên của Bảo tàng Nhân học (thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội), đã hiến cho đơn vị này rất nhiều tư liệu về các thứ ký tự cổ của người Việt Nam từ cổ đại đến nay, đặc biệt là nhóm cư dân Tây Bắc. Suốt quá trình công tác cũng như khi nghỉ hưu, ông duy trì thói quen sưu tầm và khảo cứu những làn điệu cổ khắp Việt Nam…