Chiếc nhẫn từ mảnh xác máy bay Mỹ
12 câu chuyện thông qua những lá thư, hình ảnh và nhật ký đang được triển lãm tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam với chủ đề “Tình yêu qua chiến tranh” là những hồi ức xúc động về những mối tình trong bom đạn, xa cách và chia ly.
Trong đó có tình yêu của nhạc sĩ Trần Hoàn – nguyên Bộ trưởng Bộ Văn hoá – Thông tin là một nhạc sĩ nổi tiếng của nền âm nhạc Việt Nam những năm chống Mỹ cứu nước với bà Thanh Hồng - người con gái xinh đẹp và giỏi giang đất Nghệ An.
Từ nhỏ, bà đã tham gia cách mạng và hoạt động trong Hội phụ nữ, sau này bà chuyển sang ngành giáo dục. Họ gặp nhau và trở thành vợ chồng vào năm 1950. Nhưng cũng như bao cặp vợ chồng trí thức thời chiến tranh, họ luôn luôn trong hoàn cảnh xa cách. Phải đến sau giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, gia đình mới chính thức được đoàn tụ.
Vì vậy những cánh thư và những trang nhật ký là phương tiện duy nhất lúc đó để họ gửi gắm tình cảm và liên lạc với người bạn đời của mình. Tình yêu đã giúp nhạc sĩ Trần Hoàn có nhiều động lực trong công tác và là nguồn cảm hứng cho ông sáng tác nhiều bản nhạc nổi tiếng trong đó đặc biệt là bài “Lời người ra đi”.
Với những người đã tham gia vào hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, đã hi sinh xương máu cho nền độc lập, tự do của Tổ quốc thì sức mạnh để vượt qua những năm tháng đau thương, mất mát đó chính là lý tưởng sống cao đẹp, tình yêu Tổ quốc và tình yêu lứa đôi trong sáng, thiêng liêng. Họ đã viết nên những mối tình đi cùng năm tháng để mỗi khi nhắc lại, chúng ta lại càng trân trọng, thêm tin vào tình yêu và những điều đẹp đẽ trong cuộc sống.
Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Tuyết
Trực tiếp tham gia giao lưu tại triển lãm có bà Vũ Thị Lui ở Hà Nội. Bà Lui và liệt sĩ Trần Minh Tiến có một tình yêu phát triển từ tình bạn học cùng trường phổ thông. Năm 1963, ông Tiến lên đường nhập ngũ.
Mối tình của họ có nhiều cung bậc cảm xúc, có lý tưởng của thế hệ thanh niên sẵn sàng gạt tình riêng vì sự nghiệp lớn của dân tộc, có những ước mơ về hạnh phúc bình dị, có cả những vật đính ước họ tặng cho nhau. Ông tặng bà chiếc nhẫn do chính tay mình làm bằng mảnh xác máy bay Mỹ, còn bà tặng ông chiếc khăn tay trắng có thêu bông hoa hồng màu tím. Rồi ông Tiến hi sinh ngày 1/6/1968. Sau này, bà Lui cũng đã có một gia đình yên ấm hạnh phúc với người chồng là một cựu chiến binh.
Những kỷ vật, những lá thư thời chiến giữa bà Lui và ông Tiến vẫn luôn hiện diện trong nhà. Bà nói với chồng rằng nhờ tình yêu đó mà bà có nghị lực, đức hi sinh và những phần tính cách tốt đẹp của bà ngày hôm nay. Do đó, chồng bà thấu hiểu và trân trọng mối tình đầu của bà với người liệt sĩ.
“Ông ấy ủng hộ tôi ròng rã suốt 8 năm để tôi tìm được hài cốt của ông Tiến về an táng tại nghĩa trang Đường 9, thành phố Đông Hà, Quảng Trị. Cho đến nay, ông Tiến đã như một thành viên đang sống và không thể thiếu trong gia đình tôi” – bà Vũ Thị Lui tâm sự.
Sự hi sinh của các chiến sĩ yêu nước
Một trong những câu chuyện xúc động đã được Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Tiến Hà, Trưởng ban liên lạc các chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đầy tại Nhà lao Hỏa Lò kể lạ trong trưng bày “Cung trầm tháng 7” đang diễn ra tại Di tích Nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội).
Cụ thể, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Tiến Hà bị bắt vào Nhà tù Hỏa Lò vì tham gia chỉ huy đợt cướp tù nhân ở Nhà thương Phủ Doãn. Dù việc cướp tù thành công nhưng sau đó quân Pháp bắt được và tra tấn ông rất dã man. Chúng vừa dùng đòn đánh bằng điện, dùng vũ lực, vừa dụ dỗ quy phục chính quyền Pháp, từ việc mời ăn để giữ thân thể, lấy gia đình để thuyết phục nhưng ông quyết không khai. Bị địch tra tấn chết đi sống lại nhiều lần nhưng ông vẫn một lòng kiên trung với Đảng và Tổ quốc.
Còn cựu tù chính trị Hoàng Quân Tạo kể, ông tham gia hoạt động trong nội thành từ năm 1949, đến năm 1952 bị địch bắt khi đang làm Tổ trưởng Tổ tán phát tài liệu thuộc Ban Công vận nội thành Hà Nội. Thời điểm đó, vào thứ Bảy, ông nhận tài liệu từ vùng tự do chuyển vào nội thành thì bị địch mai phục bắt cùng người vợ chưa cưới của ông. Địch ra sức dụ dỗ cho ông làm công chức trong Sài Gòn hoặc cho sang Pháp du học. Không thuyết phục được, chúng quay ra tra tấn ông bằng các đòn dã man.
Đỉnh điểm, chúng đưa người vợ chưa cưới đến tra tấn trước mặt ông khiến ông phản kháng quyết liệt, sau đó ông bị địch tiếp tục tra tấn đến ngất đi. Tuy vậy, trong cùng buồng giam, ông được tiếp thêm sức mạnh chiến đấu từ những người đồng chí của mình.
Thông qua các cuộc trưng bày, triển lãm, công chúng, đặc biệt là giới trẻ đã hiểu rõ hơn về sức mạnh để những người chiến sĩ cách mạng vượt qua những năm tháng đau thương, mất mát. Qua đó, thế hệ trẻ thêm biết ơn những người lính đã cống hiến tuổi thanh xuân, hi sinh xương máu và cả hạnh phúc cá nhân cho nền độc lập tự do của Tổ quốc.
Nhân dịp kỷ niệm 75 năm gày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2022), tại các bảo tàng, di tích trên địa bàn TP Hà Nội diễn ra nhiều chương trình trưng bày, triển lãm như:
- Ngày 26/7, tại Cung Văn hoá Hữu nghị Hà Nội, Sở LĐTB&XH phối hợp với báo Kinh tế & Đô thị tổ chức Trưng bày chuyên đề ảnh “Hà Nội –Tiếp nối truyền thống Uống nước nhớ nguồn”. Trưng bày chuyên đề ảnh giới thiệu đến người xem 75 bức ảnh là 75 câu chuyện, giống như thước phim dài bày tỏ tinh thần đồng lòng tri ân, chăm sóc người có công của lãnh đạo và Nhân dân Hà Nội.
- Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam phối hợp với Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam và Bảo tàng chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày tổ chức Khai mạc Triển lãm “Tri ân đồng đội”. Triển lãm mở cửa đón khách tham quan từ hôm nay đến ngày 10/8/2022 tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, số 28A Điện Biên Phủ, Ba Đình, Hà Nội.
- Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam phối hợp với Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam tổ chức triển lãm "Còn mãi với thời gian". Triển lãm "Còn mãi với thời gian" kéo dài đến hết ngày 29/7 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, số 66 Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Hà Nội.