Thực hiện quy trình để biểu quyết thông qua danh sách ứng cử, đề cử, các trường hợp xin rút khỏi danh sách đề cử và bầu Ban Kiểm phiếu.
Trong ngày làm việc thứ 5 của Đại hội, buổi sáng, các đại biểu làm việc tại đoàn, nghe thông báo của Đoàn Chủ tịch tổng hợp danh sách ứng cử, đề cử (bổ sung) Ban Chấp hành T.Ư Khóa XII; đại biểu ghi phiếu xin rút khỏi danh sách ứng cử, đề cử và sau đó Đoàn Chủ tịch đã họp để xem xét các trường hợp xin rút khỏi danh sách ứng cử, đề cử. Chiều cùng ngày, Đại hội đã làm việc tại hội trường. Thay mặt Đoàn Chủ tịch, Trưởng ban Tổ chức T.Ư Tô Huy Rứa đã báo cáo với Đại hội về việc bầu cử và danh sách ứng cử, đề cử bổ sung, các trường hợp xin rút khỏi danh sách đề cử bổ sung Ban Chấp hành T.Ư Khóa XII. Đại hội thực hiện quy trình để biểu quyết thông qua danh sách ứng cử, đề cử bổ sung, các trường hợp xin rút khỏi danh sách đề cử bổ sung Ban Chấp hành T.Ư Khóa XII. Trên cơ sở này, Đoàn Chủ tịch sẽ có được danh sách ứng viên chính thức bầu vào Ban Chấp hành T.Ư Khóa XII. Theo đó, cuối giờ chiều, 1.510 đại biểu dự Đại hội XII đã tiến hành bỏ phiếu về việc cho rút hay không cho rút đối với các trường hợp từ chối đề cử bổ sung. Hôm nay, ngày 26/1, Đại hội sẽ tiến hành bỏ phiếu bầu Ban Chấp hành T.Ư Khóa XII. Trước đó, Đại hội đã biểu quyết thông qua số lượng Ủy viên Ban Chấp hành T.Ư Khóa XII là 200 đồng chí, gồm 180 đồng chí Ủy viên chính thức và 20 đồng chí Ủy viên dự khuyết. Trước phiên bỏ phiếu bầu Ban Chấp hành T.Ư, trao đổi với báo chí, các đại biểu đều khẳng định, với trách nhiệm của người đại biểu, sẽ hết sức cố gắng lựa chọn các đồng chí có uy tín, trình độ, có khả năng tiếp cận trong điều kiện kinh tế trong nước cũng như thế giới hiện nay. Đại biểu Lưu Minh Sơn (Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phú Yên) nhận xét, “việc chuẩn bị danh sách nhân sự của T.Ư lần này hết sức chu đáo, công phu, có sự kế thừa của 3 độ tuổi. Trong đó tỷ lệ cán bộ trẻ đã đảm bảo được yêu cầu về đề án nhân sự hiện nay. Tôi rất đồng tình trong điều kiện hiện nay phải có một số đồng chí trong những trường hợp "đặc biệt" được đề cử tái cử để đảm bảo sự ổn định chung trong lãnh đạo, phát triển của Đảng cũng như sự phát triển của đất nước”. Đại biểu Lê Hoàng Phụng (Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng), người đã 3 lần tham dự Đại hội Đảng (lần thứ nhất là Đại hội VI năm 1986) cũng nhận định: Kỳ Đại hội XII lần này đã được chuẩn bị rất chu đáo ở tất cả các bước, trong đó có nội dung quan trọng nhất là công tác nhân sự cũng đã được chuẩn bị chu đáo, dân chủ, đổi mới, đúng quy trình. Có thể nói công tác này thời gian qua đã được toàn Đảng, toàn quân, toàn dân thực hiện nghiêm túc từ cấp cơ sở, địa phương và giờ đến T.Ư thì thể hiện cao nhất, tiêu biểu nhất. Đó là kết quả của một quá trình quy hoạch cán bộ chu đáo, lâu dài, nhiều năm và có sự kế thừa vững chắc từ thế hệ đi trước. “Chúng tôi tin rằng với cơ cấu Ban Chấp hành T.Ư được bầu ra tại Đại hội XII này sẽ tiêu biểu cho toàn Đảng về tầm cao trí tuệ, sự kết tinh của quá trình dân chủ hóa trong các sinh hoạt của Đảng” - đại biểu bày tỏ. Đại biểu Trần Văn Hằng - Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội cũng mong muốn Ban Chấp hành T.Ư Khóa XII phải là một tập thể đoàn kết, thống nhất. Trong đó, mong muốn các đồng chí mới tham gia T.Ư lần đầu cần có yêu cầu cao hơn vì tình hình quốc tế trong nhiệm kỳ tới diễn biến phức tạp, khó lường. Đặc biệt là vấn đề Biển Đông, chống khủng bố, xung đột sắc tộc... Những đồng chí Ban Chấp hành T.Ư khóa mới phải thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định lập trường quan điểm của Đảng; phải nghiên cứu rất sâu và có trình độ cao để tiếp nhận những cái mới để đưa Việt Nam hội nhập sâu, rộng hơn. Nhiều đại biểu nhận xét, T.Ư đã thực hiện một quy trình rất chặt chẽ để lựa chọn và giới thiệu với Đại hội Đảng lần thứ XII những nhân sự vừa có tầm trí tuệ, vừa có đạo đức, đáp ứng được yêu cầu của giai đoạn phát triển mới của đất nước. Đại biểu Lê Thị Thu Hằng - Bí thư Đảng ủy Khối các Cơ quan TP Hà Nội chia sẻ: Với tôi, tiêu chí dám đổi mới, dám chịu trách nhiệm là tiêu chí hàng đầu, bởi trong công tác lãnh đạo yếu tố quan trọng là đưa ra quyết định và để ra quyết định thì cần sự bản lĩnh, chịu trách nhiệm của người lãnh đạo. Nếu người lãnh đạo không có tố chất này, sẽ là hạn chế trong triển khai thực hiện, nên tố chất đầu tiên của người lãnh đạo phải là dám chịu trách nhiệm.
Các đại biểu trao đổi trong giờ giải lao (chiều 25/1/2016). Ảnh: TTXVN |