70 năm giải phóng Thủ đô

Hơn 1.500 trẻ đã có số định danh cá nhân

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo thống kê, đến 8 giờ sáng 8/1, tại 4 TP: Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh, có hơn 1.500 trẻ được đăng ký hộ tịch theo Luật Hộ tịch mới, có số định danh cá nhân.

Ông Nguyễn Công Khanh Cục trưởng Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực (Bộ Tư pháp) cho biết tại hội nghị trực tuyến triển khai công tác tư pháp năm 2016 và định hướng nhiệm kỳ 2016-2020 ngày 8/1. Đồng chí Uông Chu Lưu - Ủy viên Ban Chấp hành T.Ư Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội đến dự và chỉ đạo hội nghị.

Tập trung xây dựng các dự án luật

Tổng kết công tác tư pháp năm 2015 và nhiệm kỳ 2011-2015, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng điểm lại các thành tựu trên các mặt quản lý nhà nước của Bộ, ngành và khẳng định, năm 2015 và nhiệm kỳ 2011-2015, trong điều kiện chung của đất nước còn nhiều khó khăn, nền kinh tế thế giới diễn biến phức tạp, ngành Tư pháp đã tiến hành triển khai đồng bộ nhiều mặt công tác, bám sát 9 định hướng công tác tư pháp đề ra từ đầu nhiệm kỳ.

Trong những năm qua, ngành Tư pháp đã hoàn thành tốt việc tham mưu giúp Chính phủ, HĐND, UBND các tỉnh, TP tổng kết, nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung Hiến pháp, đưa Hiến pháp đi vào cuộc sống.

Công tác xây dựng pháp luật nói chung của các bộ, ngành đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Bộ Tư pháp đã chủ trì xây dựng, giúp Chính phủ trình Quốc hội thông qua 3 bộ luật, luật lớn và quan trọng (Bộ luật Dân sự (sửa đổi), Bộ luật Hình sự (sửa đổi), Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL).
hội nghị trực tuyến triển khai công tác tư pháp năm 2016 và định hướng nhiệm kỳ 2016-2020 ngày 8/1.
Điểm cầu hội nghị tại UBND TP Hà Nội
Công tác xây dựng văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh đã có chuyển biến tích cực với nhiều giải pháp cụ thể, tình trạng nợ đọng Nghị định của Chính phủ từng bước được khắc phục, chỉ còn nợ 4 Nghị định, thấp nhất từ trước đến nay. Công tác kiểm tra  VBQPPL được các Bộ, cơ quan, địa phương thực hiện thường xuyên hơn.

Dự kiến các nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp năm 2016, Thứ trưởng Đinh Trung tụng nhấn mạnh, tiếp tục thực hiện tốt chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, trong đó tập trung xây dựng các dự án Luật để tiếp tục cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp về bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân như Luật Trách nhiệm bồi thường Nhà nước (sửa đổi), Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi), Luật Chứng thực và Luật Lý lịch tư pháp (sửa đổi). Đồng thời, phối hợp chỉnh lý, hoàn thiện các dự án Luật tiếp cận thông tin, Luật đấu giá tài sản, Luật ban hành quyết định hành chính; Triển khai thi hành kịp thời, có hiệu quả các luật có hiệu lực trong năm 2016.

Triển khai phần mềm đăng ký khai sinh

Với việc triển khai thi hành Luật Hộ tịch vừa có hiệu lực ngày 1/1/2016, Cục trưởng Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực Nguyễn Công Khanh cho biết, theo các kế hoạch được ban hành, Bộ Tư pháp cần triển khai thực hiện các nhiệm vụ lớn như: Xây dựng trình Chính phủ Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch; Xây dựng trình Chính phủ Nghị định quy định về việc quản lý, sử dụng Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử; Thủ tục đăng ký hộ tịch trực tuyến; Xây dựng Thông tư quy định chi tiết một số điều của Luật Hộ tịch và Nghị định; ban hành, hướng dẫn sử dụng, quản lý Sổ hộ tịch, Giấy khai sinh, Giấy chứng nhận kết hôn, trích lục hộ tịch và các biểu mẫu hộ tịch khác; điều kiện, trình tự đăng ký khai sinh, kết hôn, khai tử lưu động; ủy quyền thực hiện đăng ký hộ tịch…

Tại Hội nghị trực tuyến, ý kiến của các địa phương bày tỏ sự quan tâm đến Luật Hộ tịch và đề nghị Bộ Tư pháp sớm có chỉ đạo để triển khai thi hành Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành; phối hợp với Bộ Công an cấp số định danh cá nhân cho trẻ em; sớm hoàn tất việc triển khai thí điểm phần mềm đăng ký khai sinh tại 4 tỉnh/TP trực thuộc Trung ương, sau đó triển khai đồng loạt trên toàn quốc…

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu yêu cầu, trong năm 2016 và những năm tiếp theo, Bộ, ngành tiếp tục triển khai đồng bộ các mặt công tác thuộc chức năng, nhiệm vụ của mình, từ việc tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế tổ chức thi hành pháp luật và cải cách tư pháp cho tới quản lý các lĩnh vực hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp, thi hành án dân sự, hành chính, cung cấp dịch vụ công, đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp, góp phần tích cực thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII tới đây của Đảng và các nghị quyết của Quốc hội, của Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội và về công tác tư pháp.

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ Tư pháp phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành và các cơ quan của Quốc hội xây dựng và tổ chức thực hiện tốt Chương trình lập pháp của Quốc hội. Nâng cao hơn nữa chất lượng công tác thẩm định, kiểm tra, xử lý VBQPPL gắn với công tác kiểm soát thủ tục hành chính, góp phần bảo đảm tính khả thi, hợp lý, khắc phục tình trạng chính sách, pháp luật được ban hành nhưng khó đi vào cuộc sống, phải tạm dừng hoặc sửa đổi sau một thời gian ngắn có hiệu lực.