Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hơn 1.900 hệ thống thông tin trên toàn quốc được phê duyệt

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bộ TT&TT cho biết, trên toàn quốc, tính đến giữa năm nay, số hệ thống thông tin của cơ quan nhà nước đã hoàn thành phê duyệt cấp độ an toàn là 1.949, đạt 63% tổng số hệ thống. 

Tháng 7 vừa qua, Bộ TT&TT đã đẩy mạnh tổ chức kiểm tra, đánh giá, giám sát, bảo đảm an toàn, an ninh mạng cho các hệ thống thông tin phục vụ chính phủ điện tử và chuyển đổi số. 

Qua đó, Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (Bộ TT&TT) đã ghi nhận, cảnh báo và hướng dẫn xử lý 836 cuộc tấn công mạng gây ra sự cố vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam, giảm 51,5% so với tháng 6/2023 và giảm 15% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tăng gấp đôi số hệ thống được phê duyệt hồ sơ đảm bảo an toàn theo cấp độ.
Tăng gấp đôi số hệ thống được phê duyệt hồ sơ đảm bảo an toàn theo cấp độ.

Ngoài ra, trong báo cáo tình hình chuyển đổi số quốc gia, phát triển chính phủ số đến tháng 7/2023, Bộ cho biết, với hơn 1.949 hệ thống thông tin của cơ quan nhà nước trên toàn quốc đã phê duyệt hồ sơ đảm bảo an toàn theo cấp độ, tỷ lệ hệ thống được phê duyệt hồ sơ đạt 63%, tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên, Bộ TT&TT cho rằng, điểm cảnh báo đỏ là giá trị của chỉ số an toàn thông tin mạng năm 2022 tuy đã có tăng trưởng trên 46% so với năm 2021, nhưng vẫn ở mức thấp, dưới mức trung bình, mới chỉ đạt 0,48. Do đó, đây tiếp tục là vấn đề cần đặc biệt quan tâm trong năm 2023.

Cùng với đó, tính đến hết tháng 6/2023, tuy tổng số hệ thống thông tin của cơ quan nhà nước đã phê duyệt hồ sơ đề xuất cấp độ an toàn là 1.949/3094 nhưng số hệ thống thông tin của cơ quan nhà nước đã đáp ứng yêu cầu bảo đảm an toàn theo cấp độ mới chỉ là 285/3094, đạt tỷ lệ 9,2%. 

Theo Bộ TT&TT, đây là nguy cơ mất an toàn, an ninh mạng ở mức rất cao. Để bảo đảm an toàn thông tin mạng trong thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục tăng cường công tác giám sát an toàn hệ thống thông tin, chủ động rà quét trên không gian mạng Việt Nam, đánh giá, thống kê và tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, cảnh báo trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dùng biết, phòng tránh.

Bộ TT&TT cũng sẽ tiếp tục có các văn bản cảnh báo cho các bộ, ngành, địa phương và các thành viên trong mạng lưới ứng cứu sự cố để đôn đốc việc rà soát điểm yếu lỗ hổng, dấu hiệu tấn công mạng.