Hơn 1 tỷ đồng cho chương trình “Trường Sa xanh”

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 21/4, sau hơn một tháng phát động, chương trình “Trường Sa xanh” giai đoạn 2016 - 2018 do T.Ư Đoàn chỉ đạo, báo Tiền Phong là đầu mối tuyên truyền tiếp nhận thông tin, nguồn lực đã vận động được hơn 1 tỷ đồng từ các đơn vị, cá nhân trong cả nước.

Để cụ thể hóa các hoạt động của Cuộc vận động “Nghĩa tình biên giới hải đảo”, vận động tuổi trẻ cả nước tích cực tham gia vào sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo và tăng cường tình đoàn kết gắn bó giữa đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) cả nước với Nhân dân, cán bộ, chiến sĩ huyện đảo Trường Sa, T.Ư Đoàn phối hợp Quân chủng Hải quân phát động Chương trình “Trường Sa xanh” giai đoạn 2016 - 2018.
Các chi Đoàn, ĐVTN thuộc cơ quan T.Ư Đoàn ủng hộ chương trình “Trường Sa xanh” năm 2016.
Các chi Đoàn, ĐVTN thuộc cơ quan T.Ư Đoàn ủng hộ chương trình “Trường Sa xanh” năm 2016.
Theo đó, chương trình “Trường Sa xanh” là hoạt động kêu gọi, vận động tuổi trẻ cả nước, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, văn nghệ sĩ, tổ chức xã hội tham gia đề xuất nội dung giải pháp tuyên truyền, nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật, quyên góp kinh phí, nguồn lực chế tạo các thiết bị, vật phẩm, kỹ thuật hỗ trợ cán bộ chiến sĩ và Nhân dân huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1. 

Chương trình “Trường Sa xanh” triển khai 6 nội dung trọng tâm, trong đó, Ban tổ chức phát động rộng rãi trong ĐVTN, học sinh, sinh viên, văn nghệ sĩ trẻ và các tầng lớp Nhân dân hưởng ứng sáng tác, giới thiệu, quảng bá các tác phẩm văn học nghệ thuật về biển, đảo quê hương và chiến sĩ Hải quân; vận động các nhà xuất bản, các tổ chức xã hội ủng hộ các đầu sách nhằm xây dựng, bổ sung các tủ sách tại các đảo, điểm đảo trong huyện đảo Trường Sa.

Cùng với đó, phát động quyên góp, ủng hộ kinh phí phục vụ nghiên cứu, chế tạo và lắp đặt các máy lọc nước biển thành nước ngọt (NT60, có công suất 1.200 lít/ngày) tặng cho cán bộ chiến sĩ và Nhân dân huyện đảo Trường Sa, góp phần cải thiện nhu cầu nước ngọt sinh hoạt trong giai đoạn mùa khô hàng năm. Nội dung của chương trình là phát triển các thiết bị xử lý chất thải hữu cơ tại các điểm đảo nhằm tập hợp và thành lập nhóm các nhà khoa học trẻ nghiên cứu ứng dụng công nghệ vi sinh vào việc xử lý chất thải hữu cơ (không sử dụng nước ngọt), phân hủy hết không thải chất thải rắn ra môi trường, tái lập môi trường trong sạch cho các đảo, đặc biệt tại các đảo chìm.

Ngoài ra, phát động trong các nhà khoa học trẻ nghiên cứu, cung cấp giải pháp tổng thể phát triển cây xanh, hệ thực vật, nhất là rau ăn nhằm đáp ứng nhu cầu của quân và dân tại các đảo (chuyển giao kỹ thuật, công nghệ vi sinh; cung cấp giống, vật tư nông - lâm nghiệp: Bồn trồng sản xuất tại chỗ, đất trồng...). Đồng thời phủ kín diện tích xây dựng, tạo bóng mát cho các đảo, nhất là những đảo có người dân sinh sống. 

Ban tổ chức cũng sẽ tổ chức các hoạt động hỗ trợ giúp đỡ thân nhân, cán bộ, chiến sỹ đang công tác tại huyện đảo Trường Sa, thân nhân cán bộ, chiến sĩ đang công tác ở hải đảo có hoàn cảnh khó khăn hoặc gặp các rủi ro đột xuất trong công tác và cuộc sống. Đồng thời, chương trình sẽ tổ chức “Hành trình tuổi trẻ vì biển đảo quê hương 2016” nhằm quyên góp kinh phí, vật phẩm, quà tặng gửi trực tiếp tới các đảo, điểm đảo, tập trung chủ yếu vào các loại đồ dùng thiết yếu như: đồ dùng văn phòng, thiết bị điện tử, điện lạnh, đồ gia dụng, nhu yếu phẩm... qua chương trình ủng hộ trang bị phương tiện, đầu tư xây dựng các công trình nâng cao khả năng kháng lực và đời sống sinh hoạt, học tập trên các đảo, Nhà giàn DK1 như: xuồng CQ, xuồng CV, nhà văn hóa đa năng, nhà Sở chỉ huy.