Bình Phước không thể “mãi là người đến sau”
Sáng 20/8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự hội nghị xúc tiến đầu tư có quy mô lớn đầu tiên được tổ chức sau khi kỷ niệm 20 năm ngày tái lập tỉnh Bình Phước.Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng chúc mừng Bình Phước ngay tại hội nghị đã trao quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn lên tới trên 1 tỷ USD. Nhắc đến thành công của Bình Dương được bạn bè quốc tế đánh giá cao, Thủ tướng cho rằng phát triển sau Bình Dương khi tách tỉnh, không có nghĩa Bình Phước sẽ “mãi là người đến sau”.Theo Thủ tướng, những điều kiện và lợi thế Bình Dương từng có thì ngày nay Bình Phước cũng đã xuất hiện. Ví dụ yếu tố địa chiến lược của Bình Dương với vị trí nằm sát TP Hồ Chí Minh, trung tâm kinh tế của cả nước, thì ngày nay Bình Phước đang nằm cạnh Bình Dương, là một trong những đầu tàu kinh tế của cả nước, và tỉnh Đồng Nai, với dân số lớn thứ hai của Nam Bộ và đang khẳng định mình là một cực công nghiệp của cả nước.Bình Phước nằm tiếp giáp 2 trong 3 góc nhọn của tam giác phát triển TP Hồ Chí Minh-Bình Dương - Đồng Nai; một tỉnh xung yếu ở vị trí yết hầu giữa Tây Nguyên và TP Hồ Chí Minh, có khả năng kết nối giao thông đến các cảng hàng không gồm sân bay Tân Sơn Nhất, sân bay Long Thành và các cảng nước sâu Sài Gòn, Thị Vải, Đồng Nai... Nhân dịp này, Thủ tướng giao trách nhiệm cho Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu khả năng kết nối giao thông Bình Phước đến sân bay Long Thành và kết nối đường sắt xuống cảng từ Bình Phước.Tỉnh hầu như không có thiên tai bão lũ, khí hậu hiền hòa, nguồn nước tốt, đất basalt quý giá chiếm tới trên 40%, đất chất lượng cao trở lên chiếm 61,17% tổng diện tích tự nhiên; có diện tích rừng và hệ sinh thái trải rộng phong phú...Đặc biệt, tỉnh có cửa khẩu quốc tế Hoa Lư, nơi có thể kết nối và phát triển các tuyến du lịch quốc tế Bình Phước với các địa phương Campuchia, Lào, Thái Lan. Một ngày, một người ở Bình Phước có thể đi cả 4 nước, đây là điều ít có đối với bất cứ địa phương hay quốc gia nào.Ngoài những lợi thế quan trọng về địa chiến lược, về điều kiện tự nhiên, khí hậu, địa lý, đất đai, tài nguyên..., Thủ tướng nêu rõ, một địa phương như Bình Phước muốn thu hút những nhà đầu tư lớn, những đại bàng về đây làm tổ thì nhân tố con người, đặc biệt là quyết tâm hành động của các cấp ủy Đảng, chính quyền có ý nghĩa quyết định.Thủ tướng đề nghị cấp ủy Đảng, chính quyền phải luôn sâu sát với thực tế, lắng nghe tiếng nói, nguyện vọng chính đáng của DN, nhà đầu tư, phát huy tinh thần “ta bên bạn và bạn bên mình”, cùng đoàn kết, thấu hiểu và hiệp đồng giữa chính quyền, nhà đầu tư và các cộng đồng dân tộc anh em trong mọi nỗ lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.Trong nỗ lực đó, Thủ tướng đánh giá cao việc tỉnh cứ mỗi năm tăng thêm 1.000 tỷ đồng ngân sách và phấn đấu đến cuối nhiệm kỳ này sẽ tự trang trải ngân sách mà không cần Trung ương hỗ trợ.
Thủ tướng gặp gỡ các đại biểu tại hội nghị. |