Hơn 100 tỷ USD của Iran tại nước ngoài thoát cảnh "đóng băng"

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chính phủ Iran hôm 2/2 khẳng định đã có quyền tiếp cận khối tài sản trị giá hơn 100 tỷ USD tài sản bị đóng băng ở nước ngoài, sau khi 9 ngân hàng nước này tái kết nối với Hiệp hội viễn thông liên ngân hàng và tài chính quốc tế (SWIFT) từ sáng qua (1/2).

Iran đang trở thành thiên đường mới của giới đầu tư.
Iran đang trở thành thiên đường mới của giới đầu tư.
Phần lớn số tiền bán dầu thô của Iran đã bị giữ lại tại các ngân hàng ở Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ sau khi Mỹ và phương Tây siết chặt các lệnh trừng phạt kinh tế đối với Iran từ năm 2012. 
Người phát ngôn Chính phủ Iran Mohammad-Baqer Nobakht xác nhận Iran có thể sử dụng số tài sản này ngay từ bây giờ. Tuy nhiên, chính quyền Tehran cũng cho biết, số tiền hơn 100 tỷ USD sẽ không được chuyển về nước vì “lượng lớn tiền mặt đột ngột” có thể gây các hiệu ứng lạm phát đối với nền kinh tế. Chính phủ Iran sẽ tiếp tục gửi số tiền này tại các ngân hàng ở nước ngoài để mua hàng hóa hoặc đầu tư.

Không chỉ được quyền "tiêu" hơn 100 tỷ USD của mình bị đóng băng ở nước ngoài, Iran đang trở thành thiên đường làm ăn mới của giới đầu tư nước ngoài, trong đó tập trung vào lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, giao thông vận tải và du lịch. 

Thứ trưởng Bộ Kinh tế Iran Mohammad Khazaei cho biết, các công ty nước ngoài có thể sẽ đầu tư khoảng 45 tỷ USD-50 tỷ USD vào thị trường Iran trong năm tới (theo lịch Iran). Theo đó, Công ty Linde AG của Đức sẽ liên doanh với công ty Mitsui & Co. của Nhật Bản để đầu tư 4 tỷ USD vào một số dự án hóa dầu của Iran trong thời gian tới. Hai công ty hiện vẫn đang thương thảo các điều khoản hợp đồng với Chính phủ Iran. Tehran có kế hoạch tăng công suất sản xuất các sản phẩm hóa dầu từ 60 triệu tấn/năm hiện nay lên 129 triệu tấn/năm vào năm 2021. 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần