Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hơn 110 giáo sư, tiến sĩ đầu ngành phản đối điều chuyển Viện trưởng Viện Ngôn ngữ

Theo báo Tiền phong
Chia sẻ Zalo

Thông tin về việc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam có ý định điều chuyển GS.TS Nguyễn Văn Hiệp, Viện trưởng Viện ngôn ngữ học Việt Nam sang một viện nghiên cứu khác đã khiến cho những nhà nghiên cứu ngôn ngữ học trong và ngoài nước đồng loạt lên tiếng phản đối.

 GS.TS. Nguyễn Văn Hiệp, Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học Việt Nam

Trong thư ngỏ gửi đến lãnh đạo Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, 114 người làm công tác nghiên cứu, giảng dạy Ngôn ngữ học ở Việt Nam đã bày tỏ sự cấp thiết về việc cân nhắc dừng điều chuyển GS.TS Nguyễn Văn Hiệp - Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học sang một viện nghiên cứu khác.
Việc lên tiếng này của những nhà nghiên cứu Ngôn ngữ học ở Việt Nam là hoàn toàn có căn cứ, dù quyết định chưa chính thức nhưng theo ý kiến này, nếu việc điều chuyển thực sự xảy ra thì sẽ mang nhiều hệ luỵ cho Viện Ngôn ngữ học Việt Nam và ngành Ngôn ngữ học.
Việc điều chuyển GS.TS Nguyễn Văn Hiệp sang một đơn vị nghiên cứu khác đã dấy lên làn sóng phản đối không chỉ trong nước mà còn từ cộng đồng ngôn ngữ học quốc tế. Mới đây, lá tâm thư quy tụ tiếng nói của cộng đồng ngôn ngữ học quốc tế bao gồm Úc, Đài Loan, Trung Quốc, Thái Lan đã được tập hợp khẩn ngay trong đêm để cùng ghi tên gửi Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội.
Theo nội dung này, nếu việc điều chuyển GS.TS Nguyễn Văn Hiệp thực sự xảy ra thì hậu quả mà nó gây ra đối với việc phát triển ngành Ngôn ngữ học Việt Nam sẽ rất lớn do sự liên tục và ổn định trong hợp tác quốc tế và trao đổi nghiên cứu với các nhà Ngôn ngữ học hàng đầu thế giới sẽ bị đứt gãy.
Đánh giá về sự việc này, GS.TSKH Trần Ngọc Thêm cho biết người trong giới ngôn ngữ học ai cũng biết rằng hơn 7 năm GS. Nguyễn Văn Hiệp làm Viện trưởng là hơn 7 năm rất khó khăn của Viện.
Nhưng cũng không ai có thể phủ nhận rằng trong thời gian đó Viện Ngôn ngữ học đã làm được rất nhiều việc quan trọng, mà việc lớn nhất là thúc đẩy sự phát triển của khoa học ngôn ngữ học; nâng cao vị thế của ngôn ngữ học nước nhà trên trường quốc tế thông qua việc công bố các bài báo quốc tế và tổ chức hàng loạt hội thảo khoa học quốc tế với sự tham gia của những nhà ngôn ngữ học danh tiếng trên thế giới như GS. Halliday, GS. James Martin.
Những kết quả như vậy không phải viện nào cũng làm được và không phải viện trưởng nào cũng làm được.
“Trong khoa học, đã là một cơ quan nghiên cứu thì viện nào cũng đều phải là chuyên ngành sâu, do vậy người lãnh đạo trước hết phải giỏi về chuyên môn, có tầm nhìn. Việc điều động người không đúng chuyên môn từ nơi khác đến làm quản lý sẽ không chỉ khiến quá trình phát triển chững lại, mà còn có nguy cơ phá hủy những gì ngành ngôn ngữ học trong thời gian qua đã xây dựng được, nhất là trong giai đoạn toàn cầu hóa hóa và hội nhập như hiện nay”, GS. Trần Ngọc Thêm nhấn mạnh.
Theo nhìn nhận của GS. Trần Ngọc Thêm, sự việc này cho thấy một số vấn đề. Trong đó, một lần nữa khẳng định rằng, mọi biến động liên quan đến Viện ngôn ngữ học không phải chỉ là việc của riêng Viện ngôn ngữ học hay Viện hàn lâm KHXH, mà là việc của ngành ngôn ngữ học cả nước và rộng hơn thế.
Hơn nữa việc điều chuyển nhân sự mà lãnh đạo Viện hàn lâm KHXH đang dự định làm không phù hợp với tâm tư nguyện vọng của cộng đồng ngôn ngữ học Việt Nam và một phần thế giới. Đồng thời, có thể thấy, GS. Nguyễn Văn Hiệp là nhà khoa học có tầm, có năng lực quản lý, có cái tâm trong sáng, và thực tế đã làm được nhiều việc nên được cộng đồng khoa học đánh giá tốt và được ủng hộ cao.