Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hơn 113 triệu ca nhiễm Covid-19 trên toàn cầu, EU cảnh báo không nên sớm gỡ biện pháp hạn chế

Nguyễn Phương (Theo Reuters)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Thế giới cầu ghi nhận hơn 113,5 triệu ca mắc Covid-19 và hơn 2,5 triệu ca tử vong vì Covid-19; EU cảnh báo các nước không vội dỡ bỏ các biện pháp phòng chống dịch.

Tính đến sáng ngày 26/2, thế giới ghi nhận 113.544.308 ca nhiễm virus SASR-CoV-2, trong đó 2.519.255 người đã chết và 89.128.998 người bình phục, theo trang thống kê thời gian thực Worldometers.
Tình hình dịch bệnh tại nhiều nước đang có dấu hiệu tích cực. Tính đến 19/2, có 112 nước báo cáo số ca nhiễm giảm, trong khi 62 nước ghi nhận số ca tăng. Số nước bắt đầu chương trình tiêm chủng cũng đang tăng dần. 216 triệu liều vaccine Covid-19 đã được tiêm tại ít nhất 101 quốc gia và vùng lãnh thổ.
EU cảnh báo các nước chưa nên nới lỏng các biện pháp hạn chế
Tại hội nghị thượng đỉnh trực tuyến hôm 25/2, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đánh giá sẽ mất vài tháng, chứ không chỉ trong vài tuần để đảm bảo đủ nguồn cung vaccine, trong bối cảnh các biến thể mới của SARS-CoV-2 tiếp tục lan nhanh.
 Các nhà lãnh đạo EU đánh giá sẽ mất vài tháng, chứ không chỉ trong vài tuần để đảm bảo đủ nguồn cung vaccine.
Các nhà lãnh đạo EU đã cảnh báo rằng các nước vẫn cần siết chặt những biện pháp hạn chế đi lại, giữa lúc châu Âu vẫn đang nỗ lực để đưa chương trình tiêm chủng ngừa Covid-19 vào đúng quỹ đạo.
Trong một tuyên bố chung, các nhà lãnh đạo của 27 nước EU đánh giá tình hình dịch bệnh vẫn nghiêm trọng và sự xuất hiện của các biến thể mới đặt ra những thách thức chưa từng có. Do đó, EU phải duy trì các biện pháp hạn chế chặt chẽ, đồng thời thúc đẩy việc cung cấp nguồn vaccine.
Theo tuyên bố này, các quan chức EU cho rằng nguồn cung vaccine dự kiến ​​sẽ tăng đều trong vài tháng tới, song các nhà sản xuất khó có thể làm để đẩy nhanh tiến độ trong ngắn hạn do các nhà máy mới không thể được xây dựng trong “một sớm một chiều”.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Charles Michel cảnh báo vài tuần tới tình hình sẽ tiếp tục khó khăn trong việc triển khai tiêm ngừa vaccine Covid-19. "Tôi nghĩ rằng chúng ta phải đối mặt với sự thật rằng châu Âu sẽ đối mặt nhiều khó khăn trong chiến dịch tiêm ngừa diện rộng vaccine Covid-19”- Chủ tịch EC Charles Michel nhấn mạnh tại cuộc họp báo sau hội nghị thượng đỉnh trực tuyến.
Sự thiếu hụt về số lượng vaccine ngừa Covid-19 dự tính được chuyển giao trong quý I/2021, do hãng dược phẩm AstraZeneca giảm số lượng vaccine phân phối theo cam kết, đã tác động mạnh đến kế hoạch tiêm chủng của EU.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cho biết, biến thể của virus SARS-CoV-2 phát hiện ở Anh hiện đã có mặt ở tất cả 27 quốc gia thành viên EU, trong khi biến thể Nam Phi được ghi nhận ở 14 quốc gia thành viên và biến thể ở Brazil xuất hiện tại 7 quốc gia.
Theo bà Ursula von der Leyen, những biến chủng này có khả năng lây nhiễm cao khiến ngành y tế cộng đồng vô cùng lo lắng. Vì vậy, rất nhiều thách thức đang được đặt ra ở phía trước.
 
Hàn Quốc bắt đầu chiến dịch tiêm ngừa vaccine
Sáng 26/2, Hàn Quốc đã bắt đầu chiến dịch tiêm vaccine ngừa Covid-19, sử dụng vaccine của AstraZenecan nhượng quyền cho công ty SK Bioscience của Hàn Quốc sản xuất. 
 Hàn Quốc bắt đầu chiến dịch tiêm ngừa vaccine từ ngày 26/2.
Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) ngày 26/2 cho biết, trong ngày đầu tiên của đợt tiêm chủng, có ít nhất 5.266 người được tiêm, gồm các bệnh nhân nội trú dưới 65 tuổi và nhân viên các cơ sở y tế, điều dưỡng và viện dưỡng lão.
Theo cuộc thăm dò ý kiến ​​của chính phủ Hàn Quốc, khoảng 94% trong số 367.000 nhân viên y tế từ 64 tuổi trở xuống thuộc các nhóm ưu tiên tuyên bố sẵn sàng tiêm vaccine của hãng AstraZeneca.
Vaccine của AstraZeneca cần tiêm 2 mũi cách nhau khoảng 8 tuần. Loại vaccine này được cho là thuận tiện hơn cho công tác tiêm chủng đại trà vì chỉ cần đảm bảo môi trường bảo quản nhiệt độ từ 2-8 độ C.
Trước đó, Chính phủ Hàn Quốc đã ký hợp đồng mua vaccine của AstraZeneca để tiêm ngừa cho 10 triệu người.
Ngoài vaccine của AstraZeneca, Hàn Quốc còn nhập khẩu vaccine của Pfizer và loại vaccine này sẽ được tiêm chủng tại một số trung tâm tiêm chủng địa phương và một số bệnh viện lớn đang điều trị cho các bệnh nhân Covid-19 từ ngày 27/2.
Thủ tướng Chung Sye-kyun hôm 26/2 thông báo nước này dự kiến sẽ gia hạn biện pháp giãn cách xã hội thêm hai tuần, bao gồm lệnh cấm tụ tập trên 4 người, để ngăn chặn dịch Covid-19.
Hàn Quốc hôm 25/2 ghi nhận thêm 406 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, đưa tổng số người mắc Covid-19 lên 88.922 người và 1.585 trường hợp tử vong./.