Ngày 28/3, Ban Pháp chế HĐND TP Hồ Chí Minh do 2 Phó Trưởng ban là ông Nguyễn Văn Đạt và Lê Minh Đức làm trưởng đoàn đã có buổi giám sát việc thực hiện công tác quản lý, bảo quản và xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, tịch thu theo thủ tục hành chính (VPHC) tại Phòng PC08 Công an TP Hồ Chí Minh.
Báo cáo với Đoàn giám sát của HĐND TP, thượng tá Đoàn Văn Quới - Phó Trưởng phòng PC08 cho biết, từ ngày 1/1/2022 đến ngày 28/2/2023 có 56.000 phương tiện xe bị tạm giữ, tịch thu. Để có chỗ cho số xe bị tạm giữ, tịch thu do chủ phương tiện VPHC, Phòng PC08 bố trí 7 kho bãi nhưng vẫn luôn trong tình trạng quá tải.
Từ ngày 1/1/2022 đến nay, Phòng PC08 đã tổ chức bán đấu giá 4 đợt với gần 20.000 xe bị tịch thu, nhưng các kho bãi vẫn quá tải. Hiện nay 7 kho, bãi của Phòng PC08 vẫn đang tạm giữ 31.511 phương tiện (34 xe ôtô; 1.252 xe ba bánh; 30.219 xe gắn máy; 6 chiếc xe đạp).
Cũng theo thượng tá Đoàn Văn Quới, hiện nay Phòng PC08 đang làm thủ tục tịch thu để thanh lý trên 16.000 xe mà chủ phương tiện bỏ luôn sau khi bị lập biên bản VPHC; đối với số phương tiện còn lại, chủ sở hữu đến nhận thì tiếp tục trả.
“Từ ngày 1/1/2020, khi Luật Phòng chống rượu bia được ban hành, năm nay TP mở cao điểm về đo nồng độ cồn, xử lý xe biển mù - mờ, xe 3 bánh do Trung Quốc sản xuất, xe 2 bánh đã “độ”. Mức phạt đối với những hành vi này rất cao nên người dân bỏ luôn phương tiện rất nhiều. Hiện nay, CSGT toàn TP mỗi ngày lập biên bản và tạm giữ hơn 500 phương tiện giao thông, riêng Phòng PC08 tạm giữ hơn 200 phương tiện. Do đó, dự báo kho, bãi tạm giữ phương tiện vi phạm mà Công an TP giao Phòng PC08 sẽ không đủ”, thượng tá Quới nói.
Để giải quyết tình trạng quá tải kho bãi tạm giữ phương tiện giao thông, Phòng PC08 có 17 đơn vị làm công tác thanh lý, mỗi lần thanh lý từ 3.500-4.000 phương tiện, chia làm 4 đợt. Trong quý 3/2023 sẽ thanh lý xong 16.700 xe tịch thu. Từ năm 2018 đến nay, việc bán thanh lý xe vi phạm giao thông đã thu về cho ngân sách Nhà nước hơn 17,9 tỷ đồng (năm 2018 thanh lý hơn 5.000 xe, được 6,3 tỷ đồng; năm 2021 do dịch Covid019 nên chỉ bán được 1 đợt 3.700 xe được 1,9 tỷ đồng; tháng 3/2023 thanh lý 3.950 xe được 2,7 tỷ đồng).
Thượng tá Đoàn Văn Quới cũng cho rằng, để giảm tải áp lực kho bãi giữ phương tiên vi phạm giao thông, cần đầu tư thêm 4 kho, bãi vệ tinh ở các hướng Đông - Tây - Nam - Bắc của TP. Ví dụ, có container gây nạn ở khu vực Đa Phước, phải kéo xe về tận bãi ở Lê Minh Xuân để tạm giữ là không hợp lý. 4 kho, bãi này nếu được chấp thuận đầu tư xây dựng khoảng hơn 120 tỷ đồng.
Còn về lý do tại sao không cho người vi phạm giao thông đặt tiền bảo lãnh phương tiện để tự bảo quản theo Nghị định 138/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ? Thượng tá Đoàn Văn Quới cho rằng, việc đặt tiền bảo lãnh để tự bảo quản phương tiện hiện chưa có hướng dẫn về hóa đơn chứng từ. Khi người phạm vi đặt tiền, cách thức xử lý đối với số tiền nộp bảo lãnh trong trường hợp người vi phạm không đến cơ quan công an để chấp hành quyết định xử phạt VPHC; quy định nào xử lý khi người vi phạm tiếp tục sử dụng phương tiện vi phạm đó tham gia giao thông.
Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Kim Liên - Trưởng phòng Công tác thi hành pháp luật và Quản lý xử lý VPHC thuộc Sở Tư pháp TP khẳng định: “Tại điều 15 Nghị định 138 của Chính phủ đã quy định rõ trình tự thủ tục, phương thức nộp tiền bảo lãnh phương tiện giao thông bị tạm giữ theo thủ tục hành chính. Bản thân trong biên bản đã ghi rõ người dân đặt tiền bảo lãnh như thế nào, công an giữ số tiền bảo lãnh đó ra sao… Do đó, chỉ cần áp dụng đúng điều này, sẽ góp phần giảm áp lực tại các kho, bãi chứa xe bị tạm giữ, tịch thu”.
Tại buổi giám sát, thượng tá Lê Mạnh Hà - Phó Trưởng phòng Tham mưu Công an TP nhận định, từ 2021 đến nay qua theo dõi cho thấy Phòng PC08 có chuyển biến. Năm 2021 tồn trên 56.500 phương tiện, đến nay đã xử lý chỉ còn trên 31.000 phương tiện. Với các hình thức xử phạt hiện nay đặc biệt liên quan đến tỷ lệ cồn, số xe người dân bỏ lại 13.278 chiếc, người vi phạm không đến nhận 9.295 trường hợp.
Liên quan đến khó khăn trong tạm giữ tang vật VPHC, đối xe quá thời hạn nhưng chủ sở hữu không đến nhận thì sau khi thông báo phải hết thời hạn 1 năm, lúc đó mới tiến hành bước tiếp theo. Do đó mỗi phương tiện phải mất hơn 1 năm. Về việc đặt tiền bảo lãnh phương tiện để cá nhân tự quản lý, theo quy định tại điều 14 và 15 của Nghị định 138 thì người dân phải đặt tiền, có nơi tự bảo quản, nhân thân rõ ràng thì cho bảo lãnh.
Kết luận buổi giám sát, Phó Trưởng ban Pháp chế HĐND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Đạt nhận định, với khối lượng công việc hiện nay Phòng PC08 đảm nhận cũng hơn 50.000 phương tiện bị tạm giữ xử lý theo quy định pháp luật. Đối với các ý kiến của các đại biểu đặt ra như cho đặt tiền bảo lãnh xe VPHC, đề nghị Phòng PC08 quan tâm thực hiện.
“Qua số lượng phương tiện tạm giữ, cần xem lại công tác tuyên truyền đối với người dân khi tham gia giao thông. Vì mỗi ngày Công an TP lập biên bản tạm giữ hơn 500 phương tiện. Về công việc giữ phương tiện giao thông của người dân, phải làm sao tài sản bị tạm giữ không bị hư hao, không bị tráo đổi phụ tùng và không mất mát, do đó công tác bảo quản phải được kiểm tra thường xuyên. Đối với vấn đề kho, bãi để tạm giữ phương tiện giao thông VPHC, sau buổi giám sát này Ban Pháp chế sẽ kiến nghị lãnh đạo HĐND TP đưa ra những quyết sách phù hợp”, Phó Trưởng ban Pháp chế HĐND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Đạt kết luận.
Thượng tá Đoàn Văn Quới - Phó Trưởng phòng PC08 Công an TP Hồ Chí Minh cho biết, trong thời hạn 7 ngày làm việc, người vi phạm giao thông nộp đầy đủ giấy tờ, nộp phạt thì cho bảo lãnh xe đem về. Nếu xe không giấy tờ thì kéo dài 30 ngày làm việc, phức tạp hơn kéo dài 2 tháng. Đến nay, việc đặt tiền bảo lãnh phương tiện giao thông cũng chưa có trường hợp nào đến liên hệ Phòng PC08.