PGS.TS Cao Văn Sâm – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề, Bộ LĐTB&XH vừa cho biết, sau 5 năm thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn”, số lao động nông thôn được học nghề ngày càng tăng.
Một bộ phận lao động nông thôn sau khi học nghề đã có việc làm mới, góp phần hình thành nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ có hiệu quả, tăng thu nhập, xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội ở nông thôn và xây dựng nông thôn mới. Kết quả đã có 2.169.562 lao động nông thôn được hỗ trợ học nghề theo chính sách của Đề án và đã triển khai đặt hàng dạy nghề trình độ cao đẳng, trung cấp cho 10.534 người thuộc diện hộ nghèo, người dân tộc thiểu số, lao động nông thôn bị thu hồi đất canh tác có khó khăn về kinh tế.
Tuy nhiên, theo ông Sâm, công tác dạy nghề cho lao động nông thôn vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn trong điều kiện hội nhập quốc tế. Việc triển khai công tác này còn chậm, chưa phù hợp với đặc điểm của từng vùng, ngành kinh tế. Ngoài ra, là thiếu định hướng dài hạn, chưa gắn với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch nông thôn mới. Nhất là quy hoạch sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ và thị trường.
Kinhtedothi - Ảnh minh họa. |