Hơn 4 tháng, ngành hải quan thu ngân sách trên 135.000 tỷ đồng

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tính đến ngày 20/4/2022, tổng số thu thuế của toàn ngành hải quan đạt 135.366 tỷ đồng, bằng 38,45% dự toán theo chỉ tiêu pháp lệnh và đạt 36,58% chỉ tiêu Bộ Tài chính giao.

Tăng cường chống thất thu ngân sách

Năm 2022, Tổng cục Hải quan được Quốc hội và Bộ Tài chính giao dự toán thu ngân sách Nhà nước (NSNN) theo Nghị quyết số 34/2021/QH15 ngày 13/11/2021 là 352.000 tỷ đồng. Để phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ thu NSNN năm 2022, ngay từ đầu năm, Tổng cục Hải quan đã ban hành kế hoạch triển khai Nghị quyết số 01/NQ-CP và Nghị quyết số 02/NQ-CP. Đồng thời, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan đã ban hành Chỉ thị 439/CT-TCHQ về việc “thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp tạo thuận lợi thương mại, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, chống thất thu trong triển khai nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước năm 2022”.

Ngành hải quan tăng cường kiểm tra, kiểm soát nhằm chống thất thu ngân sách
Ngành hải quan tăng cường kiểm tra, kiểm soát nhằm chống thất thu ngân sách

Kết quả, tính đến ngày 20/4/2022, tổng số thu thuế của toàn ngành hải quan đạt 135.366 tỷ đồng, bằng 38,45% dự toán theo chỉ tiêu pháp lệnh và đạt 36,58% chỉ tiêu phấn đấu Bộ Tài chính giao.

Dưới tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính, ngành hải quan đã và đang tiếp tục triển khai thực hiện rà soát nhiều giải pháp nhằm phấn đấu đạt được cao nhất các chỉ tiêu, kế hoạch đã đề ra, cụ thể: Triển khai Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 04/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19; thường xuyên đồng hành, giải đáp, tháo gỡ triệt để khó khăn, vướng mắc liên quan đến thủ tục hải quan, chính sách thuế… cho cộng đồng DN; cải cách thủ tục hành chính theo hướng tăng cường áp dụng công nghệ thông tin, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, góp phần thu hút đầu tư nước ngoài, thúc đẩy sản xuất xuất khẩu phát triển, góp phần tăng trưởng kinh tế, tạo thuận lợi hơn cho công tác quản lý thu NSNN của cơ quan hải quan.

Tăng cường chống thất thu qua công tác giám sát kiểm tra thực hiện thủ tục hải quan, kiểm tra sau thông quan, thanh tra chuyên ngành, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại; tập trung kiểm tra chống gian lận về số lượng, trị giá, mã số, xuất xứ, nhãn hiệu hàng hóa.... Kiểm soát chặt chẽ, kịp thời phát hiện ngăn chặn việc vận chuyển trái phép, thẩm lậu vào nội địa; nhập khẩu hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ; nhập khẩu hàng không đúng với khai hải quan về chủng loại, số lượng, trị giá; hàng hóa thuộc diện cấm nhập khẩu; tự ý tiêu thụ hàng hóa đang chịu sự giám sát hải quan (hàng quá cảnh, kinh doanh tạm nhập tái xuất, hàng gia công, sản xuất xuất khẩu…); chủ động rà soát, phân loại, thu hồi và xử lý nợ thuế phát sinh trước ngày 1/1/2022 đồng thời không để phát sinh nợ mới trong năm 2022 qua công tác thanh tra, kiểm tra.

Đẩy mạnh cải cách hành chính

Xác định cải cách hành chính (CCHC) là một trong các nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, ngay từ đầu năm 2022, Tổng cục Hải quan đã xây dựng và ban hành các văn bản chỉ đạo, điều hành về CCHC, đồng thời nghiêm túc triển khai các kế hoạch, chỉ thị tới các đơn vị thuộc và trực thuộc Tổng cục.

Tổng cục Hải quan đã hoàn thành việc cung cấp tài liệu kiểm chứng phục vụ chấm điểm chỉ số PAR INDEXnăm 2021 của Bộ Tài chính; hiện đang triển khai đánh giá, xác định chỉ số CCHC năm 2021 của Tổng cục Hải quan theo yêu cầu của Văn phòng Bộ; tổ chức đánh giá và chấm điểm chỉ số CCHC năm 2021 của các đơn vị thuộc và trực thuộc Tổng cục Hải quan.

Bên cạnh đó, Tổng cục Hải quan đã tiếp tục rà soát, nghiên cứu, xây dựng phương án phân cấp thẩm quyền giải quyết đối với 5 thủ tục hành chính (TTHC); rà soát văn bản triển khai Quyết định số 06/QĐ-TTg, theo đó đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định tại 5 văn bản quy phạm pháp luật nhằm phục vụ triển khai định danh và xác thực điện tử, tích hợp thông tin các giấy tờ cá nhân của công dân trên thẻ căn cước công dân và ứng dụng VNEID; tiếp tục rà soát và cập nhật quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh tại hệ thống thông tin của Văn phòng Chính phủ.

Trong quý I/2022, tổng số hồ sơ yêu cầu giải quyết TTHC toàn ngành trong kỳ 3.867.726 hồ sơ, trong đó 3.862.612 hồ sơ đã giải quyết đúng hạn và trước hạn (đạt tỷ lệ 99,.87%); 5,114 hồ sơ đang giải quyết (chiếm tỷ lệ 0,13%).