Cử tri đề nghị chất vấn về sách giáo khoa
Về công tác xây dựng pháp luật, cử tri Hà Nội đề nghị Quốc hội tiếp tục nghiên cứu đổi mới, nâng cao chất lượng công tác này. Bên cạnh đó, Quốc hội cần giám sát chặt chẽ để luật sau khi ban hành sớm đi vào thực tế cuộc sống. Cử tri cũng đưa ra những kiến nghị về một số dự luật cụ thể. Trong đó, đề cập đến Dự án Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi), cử tri mong muốn Luật quy định chặt chẽ nội dung kê khai tài sản, kiểm soát tài sản, xử lý tài sản không giải trình một cách hợp lý, vì đây là nội dung khó kiểm soát, cần phải lưu ý để nâng cao hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng.Cử tri Hà Nội cũng đề nghị Quốc hội nghiên cứu sửa đổi Luật Đất đai theo hướng khuyến khích người nông dân tích tụ ruộng đất để thúc đẩy phát triển nông nghiệp đảm bảo hiệu quả, bảo vệ an ninh lương thực, quyền chủ quyền đất đai, quyền sở hữu tài sản của người nông dân và hạn chế tối đa việc lợi dụng chính sách tích tụ, tập trung đất đai nhằm đầu cơ, tích trữ đất. Xem xét, tiếp tục thực hiện cấp đất giãn dân ở những nơi còn đủ điều kiện, người dân còn nhiều khó khăn có nhu cầu được cấp đất; quy định về chuyển đổi đất xen kẹt trong khu dân cư thành đất ở cho phù hợp với tình hình thực tế. Liên quan đến Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi), cử tri lo lắng, việc Dự Luật cho phép cơ sở giáo dục tự lựa chọn sách giáo khoa (SGK) sẽ ảnh hưởng đến tính thống nhất của hệ thống giáo dục cả nước. Đề nghị Quốc hội nghiên cứu kỹ khi thông qua Luật này và hạn chế việc thay đổi nội dung SGK nhiều lần, ảnh hưởng đến tâm lý của phụ huynh, học sinh và gây lãng phí ngân sách Nhà nước.Cử tri đề nghị Quốc hội tiếp tục chất vấn Bộ trưởng Bộ GD&ĐT về việc cải cách SGK lớp 1. Bộ cần nghiên cứu cẩn trọng trong cải cách giáo dục theo hướng giảm tải chương trình học, tăng cường dạy kỹ năng sống, tránh lãng phí ngân sách Nhà nước và tiền của Nhân dân. Cử tri cũng đề xuất Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chức năng nghiên cứu giảm tải thời gian học tại trường đối với học sinh tiểu học vì hiện nay học sinh phải học cả ngày, không có thời gian vui chơi và hoạt động ngoại khóa.Cử tri cũng phản ánh hiện nay có quá nhiều trường ĐH mới được thành lập và đào tạo với số lượng lớn sinh viên, hàng năm sinh viên ra trường khó tìm được việc, gây lãng phí ngân sách và tiền của Nhân dân; đề nghị Chính phủ nghiên cứu có định hướng trong việc đào tạo của các trường để sinh viên ra trường có việc làm.Lo lắng trước các vấn đề dân sinhHàng loạt vấn đề liên quan đến đời sống dân sinh đang gây bức xúc trong dư luận được cử tri Hà Nội kiến nghị tới Quốc hội. Cử tri phản ánh Nghị định 104/2007/NĐ-CP ngày 14/6/2007 của Chính phủ về kinh doanh dịch vụ đòi nợ, trên thực tế dịch vụ này đang bị biến tướng, có dấu hiệu cấu kết băng nhóm, sử dụng hung khí đe dọa người nợ… gây bất ổn cho xã hội. Đề nghị Chính phủ xem xét, sửa đổi, bổ sung quy định chặt chẽ để khắc phục tình trạng trên. Nhiều ý kiến mong muốn Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chức năng và các địa phương triển khai quyết liệt hơn nữa việc tái cơ cấu nền nông nghiệp. Tập trung công tác quy hoạch vùng, ngành, tạo điều kiện cho các DN đầu tư vốn, công nghệ vào sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Trước thực tế hiện nay, cử tri đề nghị Quốc hội tăng cường giám sát việc triển khai thực hiện các công trình trọng điểm Quốc gia, trong đó có các dự án xây dựng các tuyến đường cao tốc; Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành tăng cường ngăn chặn, xử lý nghiêm việc mua bán, sử dụng các chất gây nghiện (như bóng cười, cỏ Mỹ...) gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của giới trẻ và an ninh trật tự xã hội.Trong các kiến nghị gửi tới Kỳ họp Quốc hội lần này, cử tri Hà Nội cũng đề cập đến các vấn đề xảy ra trong lĩnh vực giáo dục, y tế... vừa qua, đồng thời đề nghị Chính phủ có các biện pháp, chính sách để ngăn chặn các hiện tượng giáo viên vi phạm đạo đức nghề nghiệp; tiêu cực trong thi cử… Trong đó, liên quan đến vấn đề bảo hiểm y tế, cử tri Hà Nội đề xuất Chính phủ có cơ chế theo dõi, giám sát chặt chẽ đối với việc cấp phát thuốc bảo hiểm y tế... để hạn chế việc tham nhũng.