Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hơn 500 đường ngang dân sinh trái phép gây mất ATGT đường sắt

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bịt đường ngang dân sinh trái phép, dân lại mở ra; họp chợ ngay trên đường sắt; dựng lều, quán bán hàng trong hành lang bảo vệ an toàn đường sắt…là những mối nguy hiểm gây tai nạn giao thông ở Hà Nội.

Trong 1 năm qua, Hà Nội xảy ra 22 vụ TNGT đường sắt, làm chết 22 người, bị thương 8 người (giảm 9 vụ, giảm 6 người chết, giảm 8 người bị thương so với cùng kỳ). Tuy giảm cả 3 tiêu chí, nhưng TNGT đường sắt vẫn là con số ảm ảnh người dân Thủ đô khi trên toàn TP hiện có hơn 500 đường ngang dân sinh trái phép có nguy cơ mất ATGT cao.

Mất ATGT từ những đường ngang trái phép

Nhiều lần đi qua đường tàu Cổ Nhuế (quận Bắc Từ Liêm), chúng tôi chứng kiến cảnh họp chợ trái phép ngay sát nơi tàu chạy qua. Người buôn bán đủ thứ, từ rau đến gà vịt, quần áo ngay trong khu vực hành lang được bảo vệ. Người mua chẳng sợ nguy hiểm, dựng xe mua bán như họp chợ bình thường. Tôi hỏi một người dân ở đây thì được biết, chợ họp vào lúc giờ tàu không chạy, còn giờ tàu chạy thì không ai dám đánh đu tính mạng. Nói là thế nhưng kiểu họp chợ cóc trái phép như thế này quả là đang đùa với tử thần. Nơi đây không có biển cảnh báo, tàu chở hàng rầm rập chạy qua, nếu xảy ra chuyện gì thì “vắt chân lên cổ” cũng không kịp.
 
Nhiều đường ngang dân sinh do người dân tự ý mở ở khu vực Ngọc Hồi, huyện Thanh Trì.
Nhiều đường ngang dân sinh do người dân tự ý mở ở khu vực Ngọc Hồi, huyện Thanh Trì.
Tương tự, vi phạm hành lang ATGT đường sắt xảy ra phổ biến trên tuyến đường sắt thống nhất Hà Nội – TP Hồ Chí Minh và tuyến này được xác định là một trong 2 tuyến “nóng” nhất hiện nay. Ở khu vực đường Lê Duẩn, do có nhiều cửa hàng kinh doanh nằm sát hành lang ATGT, nên người dân tự ý mở đường ngang dân sinh để tiện cho việc buôn bán. Xe máy dựng gần với đường tàu, người qua lại khuân đồ đạc rất nguy hiểm. Ở khu vực Ngọc Hồi, huyện Thanh Trì có nhiều đường ngang dân sinh trái phép mọc lên. Đây là khu vực đã bị cơ quan chức năng bịt nhiều đường ngang dân sinh nhưng người dân lại phá ra để đi. Theo đánh giá của lực lượng CSGT làm nhiệm vụ trên tuyến này thì việc người dân tự ý phá đường ngang đã bịt là rất nguy hiểm. Đã có nhiều vụ TNGT nghiêm trọng từ đường ngang dân sinh, nhưng người dân sinh sống ở khu vực này vẫn rất chủ quan.

Theo Thiếu tá Vũ Văn Hoài, Đội phó Đội Tuyên truyền, Phòng CSGT Công an TP Hà Nội thì vi phạm và TNGT xảy ra nhiều trên tuyến đường sắt này diễn ra ở khu vực Thanh Trì – Thường Tín – Phú Xuyên. Tuyến này có nhiều đường ngang trái phép và lấn chiếm hành lang ATGT đường sắt. Lực lượng CSGT và cơ quan chức năng đã tiến hành bịt một số đường ngang dân sinh trái phép ở đoạn Thanh Trì – Thường Tín nhưng sau một thời gian dân lại tự ý mở ra. Hiện trên tuyến này có một số đường ngang chưa bịt được do một số hộ dân sống ở hai bên đường sắt nên việc giải phóng mặt bằng làm đường gom còn gặp nhiều khó khăn. Cũng theo Thiếu tá Vũ Văn Hoài thì tuyến đường sắt “nóng” thứ hai về vi phạm hành lang ATGT của Hà Nội là tuyến Hà Nội– Hải Phòng đi qua các các địa bàn Long Biên - Gia Lâm –Hưng Yên do tuyến này bám đường quốc lộ nên hay xảy ra tai nạn giao thông.

Đưa người ra cảnh giới ở nơi đường ngang bất hợp pháp

Theo thống kê của Phòng CSGT thì Hà Nội hiện có 682 đường ngang, trong đó số đường ngang dân sinh trái phép chiếm hơn 500. Từ tháng 11/2013 đến tháng 11/2014, Hà Nội xảy ra 26 vụ TNGT đường sắt, làm chết 22 người, bị thương 8 người. Tại các đường ngang, lực lượng CSGT phối hợp với các quận, huyện có đường sắt đi qua tổ chức tuần tra kiểm soát nhằm phát hiện, xử lý vi phạm. Cụ thể, từ năm 2013 đến nay đã xử lý 1.007 trường hợp vi phạm TTATGT, phạt tiền trên 28 triệu đồng, tạm giữ 186 bộ giấy tờ và 15 phương tiện; tháo dỡ 20 lều quán, biển quảng cáo, mái che, mái vẩy, chặt tỉa 450 cành cây… Trong đó, từ tháng 4/2014 đến nay, thực hiện Kế hoạch 37, Phòng CSGT tập trung xử lý mạnh về TTATGT đường sắt, đã xử lý được 746 trường hợp vi phạm, tạm giữ 156 bộ giấy tờ.

Làm thế nào để hạn chế vi phạm? Theo Thiếu tá Vũ Văn Hoài thì quan trọng nhất vẫn là tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức chấp hành. Trong những năm qua, ngành đường sắt và chính quyền các địa phương rất tích cực phối hợp với lực lượng CSGT tổ chức tuyên truyền trực tiếp và qua loa truyền thanh và xe loa di động dọc tuyến đường sắt đi qua. Phòng CSGT đã lắp đặt 10 hệ thống loa tuyên truyền tại 10 đường ngang trọng điểm trên tuyến đường sắt Thống Nhất; Hà Nội – Hải Phòng; Hà Nội – Lạng Sơn. Ý thức của người dân đã nâng cao hơn.

Tuy nhiên, ý thức vẫn còn kém ở những nơi người dân phá đường ngang dân sinh đã bịt, vậy giải quyết như thế nào? Theo Thiếu tá Vũ Văn Hoài thì Phòng CSGT đã có công văn tham mưu với UBND TP về việc đưa người ra cảnh giới ở nơi có đường ngang bất hợp pháp. Hiện tại, Sở GTVT Hà Nội đã có kết quả khảo sát và chọn được 61 điểm có đường ngang bất hợp pháp gây nguy hiểm cao tới TTATGT đường sắt, đã báo cáo thành phố và chuyển cho Sở Tài chính để dự trù kinh phí. Sau khi UBND TP thống nhất phê duyệt thì tại 61 điểm này sẽ có 3 ca trực cảnh giới/ngày, những người được lựa chọn phải là người có khả năng, được ký hợp đồng lao động và được tập huấn về ATGT… Mong rằng, đây sẽ là cách làm hay để kiềm chế và làm giảm TNGT đường sắt, cũng là biện pháp tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức, coi trọng việc chấp hành Luật Giao thông.
Phòng CSGT đã thống kê những đường ngang dân sinh có nguy cơ mất ATGT nhất tại Hà Nội để người dân đề phòng: km6+400, km10+150, km18+300 đường sắt Đông Anh - Quán Triều; km14+600, km 9+410 tuyến đường sắt Thống Nhất; km4+737 tuyến Bắc Hồng – Văn Điển; km11+ 506 tuyến Yên Viên – Lào Cai và km 10+560 tuyến Hà Nội – Lạng Sơn.