Theo Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Lê Hồng Thăng, quy hoạch phát triển điện lực TP Hà Nội giai đoạn 2011 - 2015, có xét đến năm 2025 được Bộ Công thương phế duyệt đã hết giai đoạn thực hiện. Chính vì vậy cần thiết phải lập Quy hoạch phát triển điện lực TP Hà Nội cho giai đoạn mới nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu cấp điện cho phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô.
Dự báo về nhu cầu điện của Hà Nội tới năm 2035, ông Lê Hồng Thăng cho biết, nếu như giai đoạn 2011 - 2015 bình quân điện thương phẩm là 1.900 kWh/người/năm thì con số này sẽ nhảy vọt lên tới 4.090 kWh/người/năm vào giai đoạn 2021 - 2025 và 7.657 kWh/người/năm vào giai đoạn 2031 - 2035 với tốc độ tăng trưởng xấp xỉ 9%. Trong khi đó, ở giai đoạn 2011 - 2015, mặc dù lưới điện 110kV được chú trọng đầu tư nhưng do thiếu nguồn trạm 220kV nên vẫn xảy ra tình trạng quá tải. Bên cạnh đó, trong những năm trở lại đây, mặc dù ngành điện đã rất nỗ lực trong việc xây dựng vầ cải tạo lưới điện cao áp nhưng công tác triển khai các công trình luôn gặp khó khăn về khâu giải phóng mặt bằng, đặc biệt trong khu vực nội thành. Không những thế tình hình vi phạm hành lang bảo vệ an toàn công trình lưới điện vẫn còn phức tạp. Để thực hiện theo Quy hoạch phát triển điện lực TP Hà Nội giai đoạn 2016 - 2025, TP sẽ phải tiến hành xây dựng mới 6 trạm biến áp 500kV và nâng cấp trạm 500kV đang có tại Thường Tín. Đối với lưới điện 220kV sẽ xây dựng 19 trạm biến áp mới, 88 trạm biến áp mới cho lưới điện 110kV và 8.822 trạm trung thế. Dự kiến tổng vốn đầu tư để phát triển điện lực đến cuối năm 2025 là 60.438 tỷ đồng. Trong đó lưới 220kV là 9.435 tỷ đồng, lưới 110kV là 14.908 tỷ đồng và lưới điện phân phối là 36.095 tỷ đồng. Về cơ chế huy động vốn đầu tư, Tập đoàn Điện lực Việt Nam cùng Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia và các thành phần kinh tế khác sẽ đầu tư phần nguồn, lưới điện tử 220kV trở lên. Tổng Công ty Điện lực Hà Nội đầu tư lưới điện 110kV, lưới điện trung áp, hạ áp và công tơ. Tổng nhu cầu sử dụng đất để xây dựng mới các công trình điện trong giai đoạn quy hoạch là 2.920 ha, trong đó đất giành cho xây dựng biến áp là 62,8 ha, đất giành cho hành lang đường dây là 2.857 ha. Trong báo cáo thẩm tra, Ban Đô thị đề nghị HĐND TP thông qua Nghị quyết trên để UBND TP báo cáo Bộ Công thương phê duyệt theo quy định. Với 96/96 (100% đại biểu có mặt) đại biểu tán thành, HĐND TP Hà Nội khóa XV đã thông qua Nghị quyết về Quy hoạch phát triển điện lực TP Hà Nội giai đoạn 2016 - 2025, có xét đến năm 2035.
Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Lê Hồng Thăng: Nhu cầu sử dụng điện của Hà Nội đang tăng mạnh theo từng năm (ảnh: Thanh Hài) |