Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hơn 760.000 doanh nghiệp sử dụng hoá đơn điện tử

Bình Minh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đây là thông tin được Phó Tổng cục Trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh nêu tại cuộc họp báo chuyên đề công bố kết quả triển khai hóa đơn điện tử (HĐĐT) trên phạm vi toàn quốc do Bộ Tài chính tổ chức chiều 1/6.

Phó Tổng cục Trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh thông tin tại cuộc họp báo chiều 1/6. Ảnh: Đức Dũng
Phó Tổng cục Trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh thông tin tại cuộc họp báo chiều 1/6. Ảnh: Đức Dũng

Phát biểu tại cuộc họp báo, Phó Tổng cục Trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh cho biết, còn 1 tháng nữa (ngày 1/7) đến thời hạn bắt buộc phải chuyển đổi HĐĐT khi mua – bán hàng hóa dịch vụ theo quy định của Luật Quản lý thuế và Nghị định số 123/2020/NĐ-CP Chính phủ ban hành ngày 19/10/2020.

HĐĐT được áp dụng trên toàn quốc là dấu mốc quan trọng trong tiến trình đẩy mạnh chuyển đổi số, hiện đại hóa, đơn giản hóa thủ tục hành chính của ngành thuế, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, hướng tới hoàn thành tốt nhiệm vụ thu ngân sách.

Việc triển khai HĐĐT sẽ góp phần chuyển đổi cách thức phục vụ người dân, phương thức quản lý, tổ chức thực hiện của cơ quan thuế theo hướng tự động nhằm cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi, giảm chi phí, tăng năng suất hoạt động của DN, đồng thời cũng góp phần chuyển đổi phương thức quản lý, sử dụng hóa đơn trong hoạt động sản xuất kinh doanh, thúc đẩy phát triển thương mại điện tử và giúp tiết kiệm chi phí cho DN, cho xã hội.

Với mục tiêu đến ngày 1/7/2022, toàn bộ người nộp thuế đang sử dụng hóa đơn theo quy định tại Nghị định số 51/2010/NĐ-CP chuyển sang sử dụng HĐĐT theo quy định của Luật Quản lý thuế và Nghị định số 123/2020/NĐ-CP, Bộ Tài chính đã phê duyệt việc tổ chức thực hiện triển khai áp dụng HĐĐT theo lộ trình 2 giai đoạn.

Cụ thể, giai đoạn 1 triển khai từ ngày 21/11/2021 tại địa bàn 6 tỉnh, thành phố (gồm TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, TP Hải Phòng, Quảng Ninh, Bình Định, Phú Thọ); và Giai đoạn 2, triển khai từ tháng 4/2022 tại địa bàn 57 tỉnh, thành phố còn lại.

Tính đến ngày 24/5, công tác triển khai HĐĐT đã đạt được những kết quả tích cực. Cụ thế, 100% DN đang hoạt động tại 6 tỉnh, TP triển khai giai đoạn 1 tại 6 tỉnh, TP đã đăng ký và chuyển đổi sử dụng HĐĐT theo Nghị định số 123/2020/NĐ-CP và Thông tư số 78/2021/TT-BTC. Đối với giai đoạn 2, triển khai từ ngày 21/4 đã có 309.243 DN (tương đương 83,6% tổng số DN) đang hoạt động trên địa bàn 57 tỉnh, TP  đã đăng ký và chuyển đổi sử dụng HĐĐT.

Đặc biệt, đã có 100% cá nhân kinh doanh theo phương pháp kê khai. Như vậy, trên cả nước, đã có 764.314 DN (tương đương 92,6% tổng số DN) và 52.778 hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh theo phương pháp kê khai đã đăng ký và chuyển đổi sử dụng HĐĐT theo Nghị định số 123/2020/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư số 78/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính.

Hóa đơn điện tử là giải pháp để doanh nghiệp đảm bảo thủ tục hóa đơn theo đúng các Thông tư, Nghị định của Tổng cục Thuế. Ảnh minh họa
Hóa đơn điện tử là giải pháp để doanh nghiệp đảm bảo thủ tục hóa đơn theo đúng các Thông tư, Nghị định của Tổng cục Thuế. Ảnh minh họa

Về số lượng hóa đơn cơ quan thuế đã tiếp nhận xử lý từ khi triển khai đến ngày 24/5 là 318.401.123 hóa đơn. Trong đó, hóa đơn có mã là 106.414.378; hóa đơn không mã gửi đầy đủ dữ liệu đến cơ quan thuế là 41.347.907 hóa đơn; hóa đơn không mã gửi theo bảng tổng hợp cơ quan thuế là 170.588.512 hóa đơn; hóa đơn theo lần phát sinh là 326 hóa đơn.

Lãnh đạo Tổng cục Thuế cũng cho biết, việc triển khai HĐĐT thực hiện trên toàn quốc trong đó các địa bàn có tình hình kinh tế - xã hội khác nhau, do đó ngành Thuế đã chủ động phối hợp với các tổ chức cung cấp dịch vụ HĐĐT để bố trí, phân bổ nguồn lực trong triển khai, tập huấn, tuyên truyền và hỗ trợ người nộp thuế, đặc biệt tại các địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa...

Tại cuộc họp báo, Lãnh đạo Tổng cục Thuế cùng đại diện các đơn vị chuyên trách thuộc Tổng cục Thuế đã trực tiếp trả lời nhiều câu hỏi của các cơ quan báo chí liên quan đến các vấn đề cụ thể như:  Những khó khăn khi triển khai HĐĐT đối với hộ kinh doanh, DN nhỏ và vừa; công tác tập huấn, tuyên truyền hỗ trợ người nộp thuế tại các địa bàn khó khăn; quy chế phối hợp trao đổi thông tin liên quan đến tài khoản, dữ liệu giữa cơ quan thuế và các cơ quan chức năng liên quan, gian lận HĐĐT...