Tuy nhiên, hệ quả đi kèm cũng rất đáng lo ngại khi các trạm thu phát sóng (BTS) đang mọc lên ồ ạt, không quy hoạch, xen lẫn trong những khu dân cư với nhiều nguy hiểm tiềm tàng.
Chỉ 16% trạm BTS được dùng chungKhảo sát trên địa bàn quận Đống Đa, Ba Đình... tình trạng trên một quãng đường khoảng 500m có tới 2 - 3 trạm BTS của các nhà mạng khác nhau là khá phổ biến. Thậm chí, trong cùng một nóc tòa nhà chung cư, việc mỗi nhà mạng đều sở hữu riêng một trạm BTS cũng rất dễ thấy. Hiện trạng này không chỉ làm xấu đi cảnh quan đô thị mà còn gây nhiều khó khăn cho khâu quản lý cũng như bức xúc trong dư luận. Theo các chuyên gia viễn thông, để giải quyết tình trạng trên, việc để các nhà mạng dùng chung một trạm BTS là rất khả thi. Điều này không chỉ giúp các DN giảm đáng kể chi phí lắp đặt cơ sở hạ tầng mà còn đảm bảo mỹ quan đô thị. Tuy nhiên với nhiều lý do về kỹ thuật, chi phí... nên các nhà mạng cũng không mấy mặn mà với cách thức này.
|
Một trạm BTS trên phố Nguyên Hồng. Ảnh: Hải Linh |
Thống kê của Sở TT&TT Hà Nội, toàn TP có khoảng hơn 8.100 trạm BTS của các mạng 2G, 3G và 4G, chiếm khoảng 66% là dạng cột ăng ten được lắp đặt trên các công trình xây dựng. Nhưng trong số trên chỉ có hơn 1.300 trạm BTS được các nhà mạng dùng chung hạ tầng, đồng nghĩa với tỷ lệ dùng chung đang ở con số rất nhỏ, khoảng 16%. Điều đáng nói là đã từ nhiều năm qua, cơ quan chịu trách nhiệm chính trong việc quản lý lĩnh vực viễn thông là Bộ TT&TT đã nhiều lần khuyến khích các nhà mạng dùng chung cơ sở hạ tầng nhưng đến nay vẫn chưa đạt được hiệu quả do thiếu những chế tài thực sự mạnh mẽ. Thậm chí, vào năm 2010, dưới sự chủ trì của TP Hà Nội, các nhà mạng đã cùng đồng ý tham gia dự án thí điểm dùng chung trạm BTS nhưng kết quả đạt được cũng không đáng kể khi chỉ có 100 trạm dùng chung sau một năm triển khai.
Tình trạng hỗn loạn trạm BTS tại Hà Nội sẽ được giải quyết trong thời gian tới khi Quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động trên địa bàn TP đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đã được phê duyệt. Theo đó, đến năm 2020, TP đặt ra mục tiêu nâng tỷ lệ dùng chung cơ sở hạ tầng viễn thông đạt mức 30 - 35%, mỗi vị trí trạm BTS trong phạm vi 100m phải được sử dụng chung cho từ 2 đến 4 DN. Trường hợp xây dựng cột ăng ten mới gần với cột ăng ten hiện có thì các DN xây dựng cột ăng ten mới phải sử dụng chung cơ sở hạ tầng với cột ăng ten hiện có. Bên cạnh Sở TT&TT Hà Nội, các đơn vị như Sở Xây dựng Hà Nội và Công an Hà Nội sẽ cùng được giao hướng dẫn, giám sát cũng như xử lý vi phạm trong việc sử dụng chung cơ sở hạ tầng nhà trạm và cột ăng ten.
Phát triển trạm BTS xanhKhông chỉ bức xúc về tình trạng lộn xộn của các trạm BTS, sóng điện từ do những trạm này phát ra có ảnh hưởng tới sức khỏe con người hay không vẫn đang là nỗi lo của nhiều người dân sống trong tầm phủ sóng từ những thiết bị này. Theo Bộ TT&TT, người dân hoàn toàn có thể sống chung với sóng từ trạm BTS. Khẳng định này được đưa ra dựa trên cơ sở kết quả nghiên cứu và công bố của Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU) và Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Cụ thể, WHO đã kết luận chưa có bằng chứng cho thấy trường điện từ của các trạm BTS ảnh hưởng có hại cho sức khỏe con người. Điều này đạt được là nhờ việc xây dựng và khai thác BTS luôn được ứng dụng những giải pháp công nghệ phủ sóng phù hợp.
Tại Việt Nam, Bộ KH&CN cũng đã xây dựng tiêu chuẩn ngành số TCVN 3718-1:2005 về “Quản lý an toàn trong trường bức xạ tần số radio: Mức phơi nhiễm lớn nhất trong dải tần từ 3KHz đến 300GHz” theo các khuyến nghị từ những tổ chức nói trên. Thực tế đo kiểm của Bộ TT&TT cho thấy, ở khoảng cách lớn hơn 30m tính từ trạm thu phát sóng tiêu chuẩn, bức xạ điện từ trường đều ở mức cho phép theo quy định tại TCVN 3718-1:2005, không gây nguy hiểm với con người.
Nhằm giảm thiểu nỗi lo của người dân về tính an toàn của trạm BTS, trong thời gian qua, Hà Nội đã đưa ra các cơ chế khuyến khích nhà mạng đầu tư trạm thu phát sóng "xanh" có thiết kế hòa nhập với thiên nhiên, cảnh quan, có thể dùng chung và tích hợp nhiều loại hình dịch vụ công cộng khác. MobiFone là nhà mạng đầu tiên hưởng hứng yêu cầu này khi tiên phong lắp đặt thí điểm 10 trạm thu phát sóng thân thiện với môi trường trên địa bàn TP. Không chỉ có kiểu dáng bắt mắt, trên thân cột BTS còn có hệ thống giá đỡ treo các biển thông tin để quảng bá tình hình kinh tế - xã hội của các địa phương. Bên dưới có tích hợp bốt du lịch gồm bản đồ địa lý, bản đồ các tuyến xe buýt phục vụ Nhân dân và du khách tra cứu tìm hiểu thông tin. Thậm chí chân trạm còn tích hợp bồn hoa, đảm bảo thẩm mỹ và phù hợp với cảnh quan khu vực.
Đặc biệt, các trạm BTS này còn cho phép tối đa 3 nhà mạng dùng chung nhằm tiết kiệm chi phí cũng như đảm bảo cảnh quan đô thị. Được biết, trong thời gian tới, có thể MobiFone sẽ triển khai lắp thêm khoảng 300 trạm BTS xanh trên địa bàn TP.