Hơn những bài học dày đặc số và chữ

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cuộc triển lãm "Hoàng Sa - Trường Sa, biển đảo Việt Nam" của nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Á đã từng gây được tiếng vang trong giới nhiếp ảnh và công chúng Thủ đô.

Thế nên, khi cuốn sách ảnh cùng tên được nghệ sĩ cho ra mắt, người ta càng trân trọng, chờ đợi và hào hứng đón nhận. Nói như một nhà nghiên cứu văn hóa: Cuốn sách có sức lay động đủ để Trung tâm nghiên cứu, bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam tổ chức một buổi tọa đàm riêng về nó.

Biên niên ký   

Không phải ngẫu nhiên và không quá lời khi GS Hoàng Chương nhìn nhận cuốn sách như một "biên niên ký về con người, địa lý, cảnh vật và các sự kiện liên quan về Hoàng Sa, Trường Sa, biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc trong thời kỳ hiện đại". Là bởi, trong cuốn sách khổ lớn dày tới 385 trang ấy là cả 1.000 bức ảnh ghi lại những khoảnh khắc nơi biển đảo sóng gió. Lượng ảnh nhiều là vậy, song không hề làm người xem rối trí, vì Nguyễn Á đã sắp xếp các tác phẩm theo chủ đề, tạo ra những mẩu chuyện về nhân vật, sự kiện mà anh đã chứng kiến ở đảo Lý Sơn, Hoàng Sa, Trường Sa và nhà giàn DK1…

 
Người dân tham quan triển lãm “Hoàng Sa - Trường Sa, biển đảo Việt Nam”. Ảnh: Tiến Dũng
Người dân tham quan triển lãm “Hoàng Sa - Trường Sa, biển đảo Việt Nam”. Ảnh: Tiến Dũng
Gọi cuốn sách này là một dự án cũng được. Nguyễn Á đã lênh đênh cùng sóng gió biển khơi suốt 4 năm với 5 lần đến Trường Sa và 2 lần tới Hoàng Sa để thực hiện dự án. Mỗi bức ảnh chụp được, anh đều cẩn thận ghi lại một cách chi tiết địa điểm, nhân vật, sự liên quan. Ấy là những "tình tiết" để anh gom góp và xây dựng thành 150 câu chuyện kể trong sách. Rồi Nguyễn Á còn mời cả một êkíp gồm các nhà báo, dịch giả, biên tập viên, kỹ thuật viên để cùng cộng tác, cho ra cuốn sách ảnh được in bằng hai thứ tiếng Việt và Anh. Điều đáng nói, Nguyễn Á đã bỏ tiền túi ra để làm sách. Nếu không phải vì mê ảnh, không phải vì muốn "mọi người thấy được tầm quan trọng của biển cả quê hương mà cha ông đã để lại từ xưa cho đến tận bây giờ" (như tác giả viết trong lời tựa cuốn sách), thì sao người nghệ sĩ có thể làm được như vậy?

PGS.TS Đoàn Thị Tình chia sẻ: "Tôi chưa có may mắn được đặt chân lên đảo Hoàng Sa - Trường Sa, nhưng khi lật giở từng trang sách ngắm nhìn, chiêm nghiệm những bức ảnh về cảnh sắc, con người vừa nghệ thuật, vừa thời sự đầy ấn tượng mà lòng trào dâng nhiều cảm xúc". Còn GS Hoàng Chương thì đầy cảm tình: "Dù ai chưa đến Hoàng Sa, Trường Sa, qua tập ảnh của Nguyễn Á cũng sẽ hình dung thấy được một hiện thực sinh động trên Biển Đông trong thời gian gần đây, từ khi Trung Quốc đặt trái phép giàn khoan Hải Dương - 981 trên lãnh hải Việt Nam và cuộc đấu tranh gay gắt giữa những người bám biển, giữ biển của quân dân ta như thế nào đối với đội quân xâm lăng hùng mạnh phương Bắc".

Một lời gợi ý

Nguyễn Á khá nổi bật với những dự án ảnh cho cộng đồng và tôn vinh con người Việt Nam như "Thanh niên tình nguyện mùa hè xanh", "Họ đã sống như thế", "Tâm và Tài - Họ là ai?". Đến "Hoàng Sa - Trường Sa, biển đảo của Việt Nam", Nguyễn Á thêm một lần được đồng nghiệp và công chúng ghi nhận về sức sáng tạo và giá trị nghệ thuật mà anh tạo ra. Hơn thế, rất nhiều người công nhận, ngoài giá trị về nghệ thuật nhiếp ảnh, cuốn sách ảnh "Hoàng Sa - Trường Sa, biển đảo của Việt Nam" còn mang ý nghĩa về mặt lịch sử và giáo dục. Như nhà sử học Dương Trung Quốc đánh giá: "Hiện thực hôm nay là lịch sử của mai sau. Cuốn sách không chỉ là tài sản của Nguyễn Á, mà còn là tài sản của đất nước".

Sự quan tâm và trân trọng dành cho cuốn sách quả là đáng kể khi rất nhiều nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa, các chuyên gia giáo dục góp tiếng về việc gìn giữ và phổ biến cuốn sách này. Người cho rằng khi tái bản, cần có thêm chữ Hán để phổ biến cho người nói tiếng Trung Quốc. Người cho rằng, những đoàn cán bộ Việt Nam đi ra nước ngoài cần đem theo cuốn sách này tặng cho bạn bè quốc tế để tuyên truyền, mở rộng thông tin đối ngoại. Người khẳng định, đây là kho lưu trữ quý của nước ta về chủ quyền lãnh thổ, cần phải tổ chức phổ biến, lưu giữ - có vai trò của hệ thống chính quyền, đoàn thể, Mặt trận Tổ quốc… Dưới góc độ của một người làm giáo dục, GS Nguyễn Lân Dũng cho rằng: "Sách ảnh của Nguyễn Á là cách dạy sinh động và dễ hiểu nhất cho thế hệ trẻ về biển đảo Việt Nam, hơn tất cả những bài học lịch sử dày đặc số và chữ". Thế nên, rất nhiều người tán đồng quan điểm, cần phổ biến rộng rãi cuốn sách này qua các "kênh" trường học, thư viện, cơ quan văn hóa… Đây có lẽ là một gợi ý hay để bổ trợ cho những bài học lịch sử khô khan và đầy lý thuyết trong trường học hiện tại.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần