Hợp long cầu Vĩnh Thịnh trên tuyến đường vành đai 5

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với tổng chiều dài toàn dự án là 5.487m (trong đó phần cầu dài 4.480m), Vĩnh Thịnh được coi là cây cầu bê tông cốt thép và bê tông cốt thép dự ứng lực dài nhất vượt sông Hồng được xây dựng.

Hôm qua (14/12), Ban quản lý dự án Thăng Long (Bộ Giao thông vận tải) và các nhà thầu đã tổ chức hợp long mối nối cuối cùng của cầu chính Vĩnh Thịnh tại nhịp KN5, trụ P10 - P11, thuộc Dự án xây dựng cầu Vĩnh Thịnh - công trình sử dụng vốn vay ODA của Hàn Quốc.

Phần hợp long do xí nghiệp Cầu 17- Cienco1 đảm nhận thi công. Theo Ban điều hành dự án, cho đến nay Cienco1 đã thi công đạt 89% giá trị của hợp đồng.

Thi công cơ giới 1, Xí nghiệp cầu 17, Xí nghiệp cầu 18, Công ty xây dựng 123 đã đúc được 587/630 phiến dầm SuperT và đã lao xong 78/90 nhịp dầm đúc hẫng, 102/102 khối K, 6/9 khối hợp long.

 
Cầu Vĩnh Thịnh bắc qua sông Hồng  đang được xây dựng (ảnh: Báo GTVT)
Cầu Vĩnh Thịnh bắc qua sông Hồng đang được xây dựng (ảnh: Báo GTVT)
Được biết, từ nay đến cuối tháng 12 đốt cuối cùng của phần cầu chính sẽ được hợp long, sẽ giúp các đơn vị thi công hoàn thành toàn bộ dự án vào ngày 30/6/2014, đưa tiến độ vượt 6 tháng so với hợp đồng ký kết ban đầu.

Dự án cầu Vĩnh Thịnh được khởi công xây dựng vào cuối tháng 12/2011. Dự án có tổng mức đầu tư của dự án là 137 triệu USD, sử dụng nguồn vốn vay EDCF của Chính phủ Hàn Quốc và vốn đối ứng Việt Nam. Thời gian thi công dự kiến là 36 tháng.

Với tổng chiều dài toàn dự án là 5.487m (trong đó phần cầu dài 4.480m), Vĩnh Thịnh được coi là cây cầu bê tông cốt thép và bê tông cốt thép dự ứng lực dài nhất vượt sông Hồng được xây dựng.

Điểm đầu dự án tại nút giao QL32 với tuyến tránh Sơn Tây. Điểm cuối vượt qua đê tả sông Hồng khoảng 200m và kết nối với QL2C. Cầu vượt sông Hồng tại vị trí cách bến phà Vĩnh Thịnh khoảng 150m phía hạ lưu, Tải trọng xe thiết kế của cầu Vĩnh Thịnh là HL93.

Cầu Vĩnh Thịnh trên Quốc lộ 2C bắc qua sông Hồng là huyết mạch giao thông nằm trên tuyến đường vành đai 5 thuộc Vùng Thủ đô Hà Nội. Đây là tuyến vành đai liên kết các đô thị vệ tinh xung quanh khu vực thành phố Hà Nội, kết nối mạng lưới giao thông từ các tỉnh Tây Bắc như Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang với các tỉnh Hòa Bình, Hà Nam, Thái Bình, Nam Định và ngược lại nên có vai trò hết sức quan trọng giảm tải cho giao thông nội đô Hà Nội và các vùng lân cận.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần