Hợp tác địa phương Việt-Pháp: Để có những thành phố đáng sống, bền vững hơn?

Tú Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại Hội thảo “Đô thị bền vững”, các đại biểu thảo luận giải pháp hài hòa giữa bảo vệ môi trường và sự phát triển bền vững khi mật độ các đô thị xuất hiện ngày càng dày đặc tại Việt Nam.

Đó là vấn đề được các đại biểu tham dự Hội thảo “Đô thị bền vững”, trong khuôn khổ Hội nghị hợp tác giữa các địa phương của Việt Nam và Pháp lần thứ 12, khai mạc sáng 14/4.

Hướng đến thành phố có “chất lượng sống cao, tiêu thụ năng lượng thấp”

“Ở Pháp 1 xe bus sẽ tiêu thụ 40% năng lượng so với phương tiện cá nhân, đặc biệt với xe bus sạch,” Phó Chủ tịch Hội đồng Vùng Ile de France – ông Beaudet Stephane chia sẻ tại Hội thảo.

Hội thảo "Đô thị bền vững" trong khuôn khổ Hội nghị hợp tác giữa các địa phương Việt Nam và Pháp lần thứ 12. Ảnh: Khánh Huy
Hội thảo "Đô thị bền vững" trong khuôn khổ Hội nghị hợp tác giữa các địa phương Việt Nam và Pháp lần thứ 12. Ảnh: Khánh Huy

Theo ông Beaudet Stephane, phát triển giao thông công cộng xanh, đảm bảo khả năng tiếp cận cơ bản của người dân về không gian xanh, năng lượng, tối ưu hóa nguồn tài nguyên, chính là những yếu tố một đô thị bền vững cần có. Đặc biệt, đối với Việt Nam, cư dân đô thị chủ yếu sống ở đồng bằng nơi chịu ảnh hưởng sự nóng lên của trái đất, càng cần lưu ý những yếu tố này trong phát triển đô thị.

Đây cũng là mục tiêu của Pháp. Tại vùng Ile de france, hiện đã có một số dự án thí điểm và điển hình, theo đó thành lập nhóm chuyên gia biến đổi khí hậu và sinh học, hỗ trợ các chủ thể kinh tế nông nghiệp, bảo vệ rừng, đổi mới sáng tạo.

Ngoài ra, Vùng chủ trương xây dựng thêm 200km xây dựng đường điện ngầm, gấp đôi hiện có để phục vụ khu vực thương mại, mạng lưới giao thông lớn thứ 2 trên thế giới sau Tokyo. Pháp dự kiến hệ thống xe buýt trong vùng đạt 100% xe sạch cho tới năm 2030, đồng thời có các dự án hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ mua phương tiện sạch. Từ năm 2021, chính quyền Vùng đã nỗ lực giảm tắc nghẽn giao thông thông qua dự án 200 triệu Euro phát triển đường bộ thông minh.

Đối với Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội đồng Vùng Ile de France cho biết, điểm tương đồng với Hà Nội và Vùng là mục tiêu chú trọng giảm thiểu chất thải, chất nhựa trong các dự án xây dựng, tiến tới cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân.

Ile de France có kế hoạch hợp tác giúp cho Hà Nội nghiên cứu và hướng dẫn phát triển bền vững qua các chính sách cụ thể vể xử lý rác thải dự án, xây những “khu chợ không rác” với sự tham gia của cộng đồng DN khởi nghiệp Pháp.

Hà Nội hướng đến dung hòa “truyền thống và hiện đại, môi trường và kinh tế"

Một mục tiêu quan trọng khác của các địa phương hai nước là quy hoạch đô thị hòa hợp với các không gian xanh. “Chúng ta đều đặt ưu tiên lồng ghép chất lượng đô thị và môi trường vào quy hoạch,” ông Beaudet Stephane cho biết.

Theo lãnh đạo vùng Ile de France, có mối liên quan mật thiết giữa việc mở rộng diện tích không gian xanh và bảo tồn di sản, văn hóa đối với các đô thị tại Việt Nam, đặc biệt là Thủ đô Hà Nội chứ không chỉ nâng cao chất lượng sống của người dân.

Do đó, phía vùng Ile de France rất khuyến khích mở rộng mô hình Phố đi bộ Hồ Hoàn Kiếm sang khu vực lân cận, đồng thời đã và đang triển khai hỗ trợ Hà Nội trong các dự án thiên nhiên ở phố như cải tạo vườn hoa Diên Hồng. 

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn. Ảnh: Khánh Huy
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn. Ảnh: Khánh Huy
 

Tại Hội nghị lần này, chủ đề Đô thị bền vững được lựa chọn với ý nghĩa khái quát, tổng kết những thành quả hợp tác trong thời gian qua, đồng thời gợi mở hướng đi mới cho hợp tác sắp tới giữa Việt Nam và Pháp. Theo Tổ chức Nhà ở Liên Hợp quốc, vào năm 1950, 25% dân số sống ở đô thị, trong khi con số này năm 2020 đã tăng lên 50%. Tại Việt Nam cũng chứng kiến những thay đổi lớn hệ thống đô thị, hạ tầng kĩ thuật kinh tế xã hội được cải thiện, đời sống người dân được nâng cao, bên cạnh đó cũng tạo ra nhiều thách thức. 

Cũng với tinh thần đó, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết các chương trình hợp tác về đô thị của Hà Nội thời gian qua được triển khai ở nhiều cấp độ và hình thức, nhằm giải quyết các thách thức của đô thị hóa, đảm bảo dung hòa những giá trị hiện đại với truyền thống, bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế, hội nhập và giữ gìn văn hóa để đô thị đáng sống hơn.

Tính tới hết năm 2022, tại Việt Nam có 88 đô thị, ước tính đóng góp 70% GDP cả nước. Bên cạnh đó, sự phát triển đô thị cũng thách thức như hạ tầng đô thị, giao thông, y tế, quá tải bộc lộ hạn chế đặc biệt trong thời điểm đại dịch Covid-19. Riêng với Hà Nội, là trung tâm văn hóa – kinh tế- chính trị của cả nước, hiện có dân số khoảng 8,5 triệu người, diện tích xấp xỉ 3.360km2, tương đương 400m2/người, chịu áp lực giải quyết khối lượng công việc lớn, phức tạp.

Những thách thức này đòi hỏi phương án triển khai quy hoạch, phát triển đô thị đồng bộ, mang tính chiến lược. Trong tiến trình đó, Hà Nội rất chú trọng đẩy mạnh hợp tác quốc tế với các quốc gia có bề dày trong phát triển đô thị, trong đó có vùng Ile de France và nhiều địa phương của Pháp có hệ thống giao thông công cộng hàng đầu thế giới và kinh nghiệm sâu sắc trong lĩnh vực này, theo Phó Chủ tịch UBND TP Dương Đức Tuấn. 

Chia sẻ những thách thức mà Hà Nội và các đô thị lớn của đất nước trải qua trong quá trình phát triển, ông Trần Quốc Thái - Cục trưởng Cục Phát triển đô thị, Bộ Xây dựng dự kiến, xu thế xuất hiện các khu đô thị mới sẽ tiếp diễn cho tới năm 2030, đặt ra thách thức cho việc quản lý hệ thống đô thị trên cả nước một cách bền vững, với kịch bản khả năng gia tăng thêm 10 triệu người dân trong các khu vực đô thị.

“Nếu không có sự chuẩn bị, chính đô thị đặt ra bài toán sự phát triển bền vững của toàn quốc,” ông Thái nhấn mạnh.

Trong bối cảnh đó, ngày 24/11/2022, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 06-NQ/TW về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị bền vững. Nghị quyết 06-NQ/TW của Bộ Chính trị với 5 quan điểm, 8 nhóm nhiệm vụ chính đã tập trung vào những vấn đề hết sức căn cơ, đặt con người là trọng tâm của sự phát triển. 

Các chính sách tập trung vào các nhóm nhiệm vụ chủ yếu nâng cao chất lượng và quản lý quy hoạch, đáp ứng yêu cầu xây dựng, phát triển đô thị bền vững; đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại, liên kết, thích ứng với biến đổi khí hậu; Xây dựng các cơ chế chính sách, văn bản quy phạm pháp luật tạo ra hành lang pháp lý, thúc đẩy quan hệ hợp tác và đối tác trong phát triển đô thị để xây dựng mô hình phát triển đô thị bền vững, tăng trưởng xanh, có khả năng thích ứng biến đổi khí hậu và phòng chống thiên tai, dịch bệnh

Lắng nghe người dân hơn...

Chia sẻ về những kinh nghiệm tại cộng đồng đô thị Grand Poitiers, ông Aloïs Gaborit, Phó Chủ tịch Cộng đồng đề cập tới 3 nguyên tắc về năng lượng có thể đưa ra để đảm bảo cho quá trình điều chỉnh đô thị theo hướng xanh sạch, thân thiện với môi trường và bền vững. 

Thứ nhất là Tiết kiệm đất đai, thành phố cam kết hạn chế tiêu dùng đất đai để chống lại hiện tượng nhân tạo hóa mặt đất, bảo vệ sản xuất nông nghiệp gần thành phố.  Thứ hai, Tiết kiệm sử dụng tài nguyên, đó là việc tăng cường sử dụng vật liệu nguồn gốc tự nhiên, khuyến khích đổi mới trong kinh tế tuần hoàn và tái sử dụng vật liệu góp phần tái cơ cấu các ngành tái sử dụng.

Thứ ba là đảm bảo đô thị có khả năng chống chịu, thích ứng với biến đổi khí hậu, ví dụ như khuyến khích hiệu quả năng lượng tối ưu tòa nhà, tích hợp thực vật hóa vào các dự án, quản lý tối ưu nguồn nước …

Những nguyên tắc này hướng đến xây dựng các đô thị đang và sẽ trở thành những thành phố đáng sống. Mặt khác, để đảm bảo được những nguyên tắc này, quá trình đô thị hóa cần tính đến yêu cầu bao trùm xã hội.

“Các nhà hoạch định chính sách cần tính đến nhu cầu người dân từ khâu lập dự án, mời người dân tham gia vào dự án quy hoạch, lắng nghe ý kiến người dân qua cơ chế thông tin minh bạch, tìm kiếm thỏa hiệp,” ông Aloïs Gaborit lưu ý.