Hợp tác phát triển hoạt động thương mại giữa các nước vùng sông Mekong

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 17/6, tại diễn đàn đối thoại hợp tác 5 nước tiểu vùng sông Mekong lần đầu tiên được tổ chức tại Thái Lan từ ngày 16/6 – 18/6, đại diện 5 nước nhất trí hợp tác, hỗ trợ về phát triển hoạt động thương mại.

Trong diễn đàn lần này, đại diện 5 quốc gia đã đề xuất nhiều ý kiến đối với việc cải thiện môi trường thương mại biên giới, đồng thời tăng cường đầu tư nhân lực hỗ trợ phát triển công nghiệp khu vực. Bên cạnh đó, Bộ Du lịch các nước cũng cần tích cực thúc đẩy DN du lịch một cách bền vững.
Hợp tác phát triển hoạt động thương mại giữa các nước vùng sông Mekong - Ảnh 1
Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Việt Nam Nguyễn Cẩm Tú: Việc chi tiêu các khoản kinh phí khổng lồ cho vấn đề xây dựng đường giao thông cần hạn chế, mà thay vào đó nên đi theo hướng áp dụng công nghệ mới tạo điều kiện kết nối thông tin thương mại giữa 5 nước. “Các nước cần thảo luận chặt chẽ các vấn đề, nhằm chọn ra 2 – 3 sản phẩm tiêu biểu để phát triển kinh tế khu vực. Mỗi quốc gia cần đưa ra chính sách về pháp luật và quy định thuận lợi để hỗ trợ cho sự phát triển chung”, ông Tú nói.

Cũng trong diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Công thương Lào Somchith Inthamit khẳng định, 5 nước cần hướng tới sự phát triển khu vực một cách thịnh vượng, đồng thời tiến hành trên cơ sở bình đẳng giữa các nước. “Việc chia sẻ thông tin và kinh nghiệm về ngành nông nghiệp cũng là một kênh quan trọng giúp thúc đẩy phát triển thương mại khu vực”, ông Somchith Inthamit nói thêm.

Đối với việc 5 nước trong khu vực đưa ra các sản phẩm tiêu biểu, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Đoàn Duy Khương đề xuất, Thái Lan và Việt Nam là 2 nước sản xuất gạo lớn nhất thế giới, vậy nên 2 nước cần hợp tác chặt chẽ để hỗ trợ cũng như giải quyết các nhược điểm của đôi bên.

Theo đại sứ Nhật Bản tại Thái Lan Shiro Sadoshima, các nhà đầu tư Nhật Bản thấy được tiềm năng của 5 nước vùng sông Mekong trong việc sản xuất và xuất khẩu thị trường tiêu dùng. Ông Sadoshima nói thêm, những lợi ích khu vực cũng như vị trí địa lý tạo nên sự hỗ trợ phát triển thương mại với Trung Quốc và Ấn Độ, đồng thời kêu gọi, các nước trong khu vực cần làm theo hướng dẫn về kế hoạch “Tầm nhìn phát triển công nghiệp vùng Mekong”.

Theo đó, kế hoạch này đã được thông qua tại cuộc họp giữa Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nhiệp Nhật Bản (METI) Yoichi Miyazawa và những người đồng cấp Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam ở thủ đô Kuala Lumpur (Malaysia) năm 2015. “Việc thông qua và thực hiện các mục tiêu này, dự kiến giúp nền kinh tế các nước khu vực sông Mekong tăng khoảng 2% GDP vào năm 2020”, ông Sadoshima nói thêm.

Bộ trưởng Du lịch và Thể thao Thái Lan Kobkarn Wattanavrangkul nói, việc hợp tác du lịch giữa các nước trong khu vực giúp thúc đẩy ngành công nghiệp du lịch một cách bền vững. Xây dựng chính sách phát triển du lịch bao gồm cả việc triển khai môi trường du lịch sinh thái và thiết lập hệ thống thông tin du lịch là vấn đề chính cần thảo luận. Chính phủ Thái Lan ưu tiên phát triển du lịch trong chương trình nghị sự quốc gia thông qua sự hợp tác với 10 bộ, ngành địa phương…

Bên cạnh đó, nhiều đại biểu cũng đề xuất các ý kiến liên quan tới việc nâng cao cơ sở hạ tầng giao thông tốt hơn giữa các nước láng giềng, làm giảm các thủ tục cần thiết cho khách du lịch quốc tế như quy trình chấp thuận Visa. Thiết lập hệ thống thông tin du lịch giữa các nước thành viên, nhằm tạo một ngành du lịch phát triển hơn.

 

 

 

 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần